Pháo Gepard của Đức có giúp Ukraine cải thiện sức mạnh phòng không?
Pháo phòng không tự hành Gepard của Đức viện trợ cho Ukraine có sức mạnh như thế nào; liệu có giúp Quân đội Ukraine cải thiện tình hình phòng không hiện nay không?
Tiến Minh (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Tạp chí Quốc phòng Ukraine cho biết, lô pháo phòng không tự hành Flakpanzer Gepard đầu tiên, do Đức viện trợ cuối cùng cũng đã đến Ukraine; vậy loại pháo tự hành này có sức mạnh như thế nào? Tại sao ngay cả Mỹ cũng đánh giá cao?
Flakpanzer Gepard là một loại pháo phòng không tự hành, được trang bị radar độc lập, có khả năng hoạt động trong mọi thời tiết. Gepard được Quân đội Cộng hòa liên bang Đức (Bundeswehr) phát triển vào những năm 1960, đưa vào trang bị vào đầu những năm 1970.
Pháo phòng không Gepard sau này đã được Quân đội Đức nâng cấp nhiều lần với các thiết bị điện tử mới nhất và cũng là loại pháo phòng không chủ lực tầm thấp trong lực lượng phòng không của Quân đội Đức và một số quốc gia NATO khác. Vào cuối năm 2010, pháo phòng không Gepard đã bị Quân đội Đức loại khỏi biên chế.
Lịch sử ra đời pháo phòng không Gepard là xuất phát từ Thế chiến hai, khi đó máy bay cường kích chắc chắn là cơn ác mộng của xe tăng các nước. Xét cho cùng, máy bay cường kích có thể tấn công trực diện xe tăng từ trên cao xuống và hỏa lực của xe tăng rất khó phản công.
Sau này, để bảo vệ đội hình chiến đấu của các đơn vị tăng - thiết giáp, hỏa lực phòng không của bộ đội thiết giáp bắt đầu xuất hiện. Khi đó pháo phòng không được bố trí trực tiếp trên khung gầm xe tăng, để song hành cùng bộ đội thiết giáp; nếu gặp máy bay cường kích địch, thì pháo phòng không có thể nhanh chóng vào trạng thái chiến đấu.
Đức đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực pháo phòng không tự hành; trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhiều loại pháo phòng không tự hành nổi tiếng của Đức đã ra đời như pháo phòng không Ball Lightning, Cyclone rất nổi tiếng…
Rất nhiều mẫu pháo phòng không tự hành của Quân đội Đức phát xít được lựa chọn làm nền tảng phát triển loại pháo phòng không mới sau chiến tranh. Khi Đức phát triển chiếc xe tăng Leopard 1 thế hệ đầu tiên, nghiễm nhiên khung gầm này trở thành nền tảng cho thế hệ phương tiện phòng không mới.
Pháo phòng không Gepard sử dụng khung gầm xe tăng Leopard 1 với tháp pháo xoay 360 độ; vũ khí được trang bị 2 pháo tự động 35 mm Oerlikon KDA và radar; trong đó một radar tìm kiếm chung ở phía sau tháp pháo và một radar theo dõi mục tiêu, kết hợp máy máy đo xa laser ở phía trước.
Pháo tự động 35 mm Oerlikon có tốc độ bắn 550 phát / phút, tốc độ bắn tổng hợp hai khẩu là 1.100 phát / phút; thời gian bắn liên tục 37 giây trước khi hết đạn (với 680 viên đạn cho cả hai khẩu); tầm bắn hiệu quả là 5,5 km, sơ tốc đầu nòng 1.440 m/s.
So với pháo phòng không Vulcan 20mm của Mỹ, hỏa lực của pháo Gepard cao hơn nhiều và nó cũng có radar tìm kiếm mục tiêu đường không. Đánh giá tổng thể, pháo phòng không Gepard rất tối ưu cho chống các mục tiêu tầm thấp. Vậy nó có thể đóng vai trò gì ở Ukraine?
Trước hết chúng ta phải hiểu, lý do khiến Đức phải trì hoãn việc giao pháo phòng không Gepard cho Ukraine vì thực ra, loại vũ khí này đã được quân đội Đức cho loại biên; đồng nghĩa với việc viện trợ cho Ukraine là vũ khí niêm cất dài hạn, cần được bảo dưỡng trước khi sử dụng.
Mặt khác, để thích ứng với nhu cầu của chiến tranh hiện đại, Đức cũng đã tiến hành một số nâng cấp, cải tiến đối với phương tiện phòng không này. Điểm mấu chốt nhất được tờ DW nhắc tới, là sau khi ngừng sản xuất loại Gepard, Đức không có đạn pháo cho loại vũ khí này và cần phải thảo luận về việc mua đạn với Thụy Sĩ.
Ngay cả khi pháo phòng không Gepard được giao cho Quân đội Ukraine, nó có thể sẽ không phát huy được vai trò; một mặt phòng không của các nước hiện đại chủ yếu dựa vào tên lửa, chứ không phải pháo phòng không thuần túy.
Xu thế từ lâu là pháo phòng không kế hợp với tên lửa phòng không cùng trên một nền tảng, để nâng cao hiệu quả chiến đấu, như hệ thống Pantsir S1 của Nga. Hơn nữa, đạn của pháo phòng không Gepard này đã bị ngừng sản xuất, nên khi hết đạn, thì vũ khí này cũng trở nên vô nghĩa với Ukraine.