Pháo tự hành PzH 2000 Đức ở Ukraine cạn kiệt phụ tùng thay thế
Dù Ukraine chỉ nhận viện trợ 14 khẩu lựu pháo tự hành PzH 2000 từ Đức, nhưng những khẩu pháo tự hành này vẫn rơi vào tình trạng cạn kiệt phụ tùng thay thế.
Trần Trân
Xem toàn bộ ảnh
Tờ Spiegel của Đức cho biết, ít nhất có 6 khẩu pháo tự hành PzH 2000 được nước này viện trợ cho Ukraine, đang cần sửa chữa lớn, tuy nhiên, nguồn cung cấp phụ tùng đã cạn kiệt.
Truyền thông Đức cho biết, vấn đề nằm ở chỗ Lực lượng vũ trang Đức lẫn ngành công nghiệp quốc phòng nước này, không đủ khả năng cung cấp một lượng phụ tùng lớn cho Ukraine chỉ trong một thời gian ngắn.
Trước đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra với pháo phản lực phóng loạt Mars II được Đức viện trợ cho Ukraine.
Tổng cộng, Đức đã viện trợ cho Ukraine 14 khẩu lựu pháo tự hành PzH 2000. Đây là loại pháo tự hành chuẩn NATO, sử dụng cỡ đạn 155mm.
Tuy nhiên, cường độ chiến đấu ở Ukraine là quá ác liệt, mỗi khẩu pháo tự hành của Đức phải khai hỏa tới hàng trăm phát đạn mỗi ngày - khiến chúng sớm bị hư hỏng và cần bảo dưỡng lớn chỉ sau một tháng chiến đấu.
Hồi tháng 10 vừa rồi, Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức thông báo, chính quyền nước này sẽ cung cấp gói viện trợ tương đương 775 triệu Euro cho Ukraine.
Các loại vũ khí trong gói viện trợ này bao gồm hệ thống pháo phản lực phóng loạt Mars, pháo phòng không tự hành Gepard, pháo phòng không IRIS-T và xe bọc thép Dingo.
Pháo tự hành PzH 2000 được quân đội Đức thiết kế và sản xuất từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Ban đầu, đây được xem là khẩu pháo tự hành hiện đại bậc nhất thế kỷ 21, với những tính năng vượt trội so với các loại vũ khí tương tự của Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, ngay sau khi được đưa tới Ukraine tham chiến, pháo tự hành PzH 2000 đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Nó không phù hợp với tác chiến cường độ cao, hệ thống hỗ trợ nạp đạn thường xuyên gặp vấn đề, thậm chí hỏng hoàn toàn.
Phía Đức cho biết, vấn đề của pháo tự hành PzH 2000 nằm ở chỗ, nó chỉ được thiết kế để khai hỏa 100 phát/ngày. Trong khi đó tại Ukraine, do tình trạng thiếu thốn vũ khí hạng nặng và cường độ xung đột quá cao, khiến PzH 2000 phải khai hỏa tới 300 phát/ngày.
Chính cường độ sử dụng vượt quá thiết kế của nhà sản xuất, được cho là nguyên nhân của một loạt những sự hỏng hóc của PzH 2000 được ghi nhận tại chiến trường Ukraine - tờ Der Spiegel của Đức cho biết.