Liên quan đến việc phát hiện một vật nghi là bom nằm ở độ sâu 2,5m, do đơn vị thi công thực hiện gói kè chống sạt lở ven bờ sông Hồng số 41, bên bờ lở tả ngạn của sông Hồng, thuộc địa phận tổ 24B, phường Nguyễn Phúc, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái, chúng tôi vừa trao đổi với ông Trần Xuân Ca - Giám đốc bảo tàng tỉnh Yên Bái.
Khẩu thần công được đưa về bảo tàng. |
Ông Ca cho biết: “Cách đây hai năm, chúng tôi cũng đã phát hiện một khẩu súng cùng thời Minh Mạng tại sông Chảy đoạn gần Hồ thủy điện Thác Bà. Hiện 5 khẩu súng thần công tại Bảo tàng Yên Bái đều có niên đại và thời gian sưu tầm khác nhau.
Đây là khẩu Thần công thời Nguyễn thứ 5 được phát hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Sau khi được phát hiện, khẩu súng thần công đã được trục vớt và di chuyển về Bảo tàng tỉnh Yên Bái để lưu giữ và nghiên cứu. Sắp tới sẽ được Bảo tàng tỉnh Yên Bái đưa ra trưng bày để phục vụ khách tham quan tìm hiểu”.
Trước đó vào ngày 5/4, đơn vị thi công thực hiện gói kè chống sạt lở ven bờ sông Hồng đã phát hiện một vật lạ giống quả bom, nên Ban chỉ huy công trường đã báo cáo sự việc cho chính quyền địa phương.
Ban Chỉ huy Quân sự TP. Yên Bái và các cơ quan chuyên môn về văn hóa nhanh chóng vào cuộc. Cán bộ Bảo tàng tỉnh Yên Bái xác định đây không phải là quả bom như khả nghi ban đầu mà là một khẩu súng thần công.
Để xác định khẩu thần công này, cán bộ bảo tàng dựa vào dòng chữ Hán “Minh mệnh Nhị Thập Niên chế” (nghĩa là chế tạo vào năm Minh Mạng thứ 20) khá nguyên vẹn, rõ nét được khắc nổi trên thân súng, xác định hiện vật này được đúc vào năm Minh Mạng thứ 20 (1839).
Khẩu súng thần công được đúc bằng hợp kim gang, có hình trụ dài 155 cm, nặng khoảng 550kg. Súng có hình trụ và được chia ra làm 3 phần: nòng súng, bầu súng và chuôi súng. Đường kính miệng súng là 27cm, chu vi phần có tai là 90,2 cm, chu vi chỗ tiếp lửa là 100,04cm, chuôi súng dài 9,5cm.
Bảo vật thời Minh Mạng này được cấu tạo thành nhiều khoang với các gờ nhỏ bao quanh thân súng. Bầu súng có hai tai trống cấu tạo tiết diện tròn đối xứng nhau, được gọi là trục quay và đỡ súng khi đặt trên bệ. Ở gần đuôi có một lỗ nhỏ hình tròn, đường kính khoảng gần 1cm, được cho là lỗ tiếp lửa để kích nổ.