Mới đây, tại thành phố Thái Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, nhóm khảo cổ học vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy thi thể cặp đôi nam nữ có tuổi đời hơn 500 năm, được xác định từ thời nhà Minh (1368-1644) gần như còn nguyên vẹn. Phần da dẻ của hai thi thể vẫn đàn hồi, thậm chí còn cả móng tay.
Ngay sau đó, nhóm khảo cổ còn phát hiện thêm 3 ngôi mộ khác. Đặc điểm chung của những thi thể này đều được bảo quản nguyên vẹn và đặt trong quan tài cực kỳ rắn chắc. Lớp vỏ quan tài cứng tới mức phải dùng máy cưa.
Qua quá trình xét nghiệm, nhóm chuyên gia phát hiện thấy lớp vỏ rắn chắc bọc quan tài là một hỗn hợp gồm gạo nếp, vôi bột, cát và lòng trắng trứng. Dựa theo tài liệu, thời nhà Minh cũng rất ưa chuộng kiểu đắp lớp vữa được làm từ cát, hồ nhão, vôi bột lên quan tài tương tự như vậy.
Từ những phân tích này, giới chuyên gia kết luận, cả 5 cỗ quan tài được khai quật phía trên đều được bọc vỏ rắn chắc giúp thi thể không bị phân hủy. Không chỉ thế, để tránh việc quan tài còn không khí khiến vi khuẩn hoạt động, làm thi thể bị phân hủy, 5 thi thể đều được mặc trang phục làm từ vải bông còn bên dưới lót tấm chăn bông dày. Ngoài ra, trong quan tài còn có vôi bột, cỏ bấc đèn, các loại hương liệu.
Theo đó, quần áo và chăn bông dày giúp ngăn cách thi thể với không khí, ngăn chặn quá trình sinh sôi của vi khuẩn. Trong khi đó, vôi bột và cỏ bấc đèn có tác dụng hút dầu mỡ, hút nước. Chúng đóng vai trò như chất hút ẩm trong quan tài. Những loại hương liệu khác có tác dụng ngăn ngừa côn trùng.
Có thể thấy, nhờ nhiều yếu tố kể trên đã giúp kiểm soát môi trường bên trong quan tài. Cả lớp bên trong và lớp vỏ quan tài đều hỗ trợ nhau trong việc tạo ra biện pháp bảo vệ vững chắc. Nhờ đó, cả 5 thi thể trải qua hơn 500 năm được chôn cất nhưng vẫn còn nguyên vẹn cho tới thời điểm được khai quật.