Phát hiện thú vị trong hang động núi lửa dài nhất ĐNA tại Đắk Nông
Các chuyên gia quốc tế vừa phát hiện thêm một số nhánh và khám phá thêm hàng trăm mét chiều dài của hang động núi lửa Krông Nô (Đắk Nông) - hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.
Thiên Trang (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Mới đây, Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho biết, theo thông báo từ các chuyên gia, quá trình khảo sát hang C7- hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á (thuộc hệ thống núi lửa Nâm Kar, huyện Krông Nô) mấy ngày qua, họ phát hiện thêm một số nhánh mới, khám phá thêm khoảng 175m chiều dài. Với phát hiện mới này, chiều dài hang C7 tăng lên đến hơn 1.240m. (Ảnh: Tiền phong)
Đoàn chuyên gia cho biết, tới đây, họ sẽ quay trở lại hang C7 để đo vẽ và dựng bản đồ 3D trong lòng hang.(Ảnh: Tiền phong)
Chia sẻ về quá trình phát hiện mới về hang C7, ông René Haemers - một chuyên gia về hang động người Hà Lan cho biết: “Chúng tôi tìm thấy một lối rất nhỏ ở cuối hang, sau đó cố gắng chui qua lỗ nhỏ này và tìm thấy những lối đi lớn mới. Đây sẽ là nguồn tư liệu khoa học quý giá đối với di sản địa chất mang tầm quốc tế của tỉnh Đắk Nông, bổ sung giá trị cho hồ sơ tái thẩm định sắp tới”. (Ảnh: Tiền phong)
Trước đó, hang C7 có chiều dài hang 1.067m, đường kính cửa hang 20m, chiều cao 16m, chiều cao các vách dựng đứng trong hang từ 1,5m - 10m.(Ảnh: Tiền phong)
Hang động núi lửa Krông Nô là một hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài khoảng 10km; xác lập kỷ lục về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo tại Đông Nam Á, được các nhà khoa học tìm thấy vào năm 2014.(Ảnh: Tiền phong)
Với diện tích 4.700km2, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thành phố gồm: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, thành phố Gia Nghĩa. Nơi đây hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Điểm nổi bật đặc biệt nhất là hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan, phân bố chủ yếu ở khu vực Krông Nô.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông cho biết, hệ thống hang động trong đá bazan được phát hiện từ năm 2007 và phân bố chủ yếu ở khu vực Krông Nô.
Theo Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học đã xác định nơi đây có hơn 100 hang động lớn nhỏ và có 5 miệng núi lửa được phát hiện gồm núi lửa Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo (Cư Jút); núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar (Krông Nô) và núi lửa Nâm Gle (Đắk Mil).
Bên cạnh các hang động thì các mạch nước chảy ra ở khu vực hang động núi lửa cũng tạo nên những dòng thác đẹp, lãng mạn.
Thông từ các hang ra là các dòng suối, thác nước Đray Sáp, Gia Long, Trinh Nữ...
Khu vực hang động núi lửa Krông Nô có những tảng đá có hình khối rất đẹp. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực.
Tháng 12/2015, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định thành lập Công viên địa chất Đắk Nông với mục tiêu là giáo dục cộng đồng, bảo tồn di sản và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương thông qua hoạt động du lịch.
>>>Xem thêm video: Phát hiện hang động muối dài nhất thế giới (Nguồn: THDT).