Phạt “không cho làm bài tập” mẹ bất ngờ thấy con ham học hơn
Sau mấy lần con học bài không tập trung, sao nhãng, chị Võ Hồng Anh (Hà Đông, Hà Nội) đã tịch thu vở và không cho con học bài.
Thấy con trai lớp 1 ngồi bàn học cả tiếng mà chỉ viết được mấy dòng, lúc con cầm bút quay vòng, lúc con lại hí hoáy vẽ đủ thứ ở giấy nháp, chị Thu rất tức giận và quát con. Lẽ ra, nếu tập trung thì con chỉ làm bài trong 1 tiếng, vậy mà cả buổi tối vừa học vừa chơi, con vẫn chưa hoàn thành được một nửa.
Quát con một câu thì con viết 1 từ, nhưng sau đấy con lại ngước mắt lên trần nhà tỏ ý chống đối. Bực mình, chị Hồng Anh giằng quyển vở của con ném bịch xuống đất và đánh vào mông con lia lịa. Cậu con trai ấm ức cầm vở lên viết, nhưng nước mắt đã nhòe trang vở. Nét chữ càng nguệch ngoạc, lệch dòng.
|
Nhiều cha mẹ điên đầu khi con không tập trung học. Ảnh minh họa |
Ngày hôm sau, tình trạng vừa học vừa chơi của con vẫn tiếp tục tái diễn. Dù tức giận nhưng chị Hồng Anh thấy việc quát mắng, ném sách của con chỉ khiến con lì hơn, mà mẹ lại chuốc bực vào người, chứ không cải thiện được tình hình. Chị liền thay đổi “chiến thuật” bằng cách phạt con: Nếu con thấy việc học không cần thiết thì từ hôm nay con sẽ không phải làm bài tập về nhà nữa.
Đồng thời, chị thu quyển vở đang viết dở của con. Cu cậu thấy mẹ dứt khoát như vậy thì vô cùng hoảng hốt, lo lắng. Cậu khóc lóc, cầu xin mẹ được cho học. Chị Hồng Anh biết con đang rất lo lắng, bởi nếu không hoàn thành bài thì ngày mai sẽ bị cô giáo phê bình. Con trai chị xin lỗi mẹ rối rít và hứa sẽ học tập nghiêm túc.
Chớp thời cơ, chị Hồng Anh đưa ra thỏa thuận: Nếu con thấy việc học khiến con khó chịu thì con sẽ không cần phải học. Con sẽ không bao giờ phải làm bài tập về nhà nữa. Còn nếu việc con viết chữ đẹp, con làm toán đúng mang lại niềm vui cho con thì con hãy học. Đã học thì phải thật tập trung. Con có quyền lựa chọn và phải thực hiện nghiêm túc lựa chọn của mình.
Tất nhiên, cu cậu lựa chọn việc học bài. Từ hôm đó trở đi, do tập trung học nên cậu viết rất đẹp và nhanh. Chỉ nửa tiếng đã hoàn thành trang viết, 15 phút là hoàn thành bài tập Toán. Có hôm, vừa đi học về, chỉ nghỉ 1 lúc, cậu đã tự giác ngồi vào bàn học bài mà không cần đến sự nhắc nhở của mẹ.
Chị Hồng Anh biết, bắt con học quá nhiều ở lứa tuổi vừa chuyển giai đoạn từ mầm non sang tiểu học sẽ khiến con cảm thấy mệt mỏi và chán chường. Chỉ cần con học xong bài ở lớp là chị cùng con ra sân khu tập thể chơi. Ở đó, được hò hét, chạy nhảy khiến con như xả hết năng lượng dư thừa trong người. Việc học của con cũng vì thế mà hiệu quả hơn rất nhiều.
Nhiều cha mẹ phạt con bằng cách bắt con làm bài tập sẽ khiến con sợ học, mất hứng thú với bài tập và hình phạt này làm tổn thương đến lòng tự trọng của con khiến con trở nên chán học và lì lợm. Với cách phạt không cho con làm bài tập, chị Hồng Anh đã khiến con cảm thấy trân trọng việc học hơn.