Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với ý chí “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, trong 60 ngày đêm chiến đấu quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên địch, phá hủy hơn 100 xe (22 xe tăng, xe thiết giáp); bắn rơi và phá hủy 5 máy bay, bắn chìm 1 ca nô, ta đã giam chân quân địch tới 2 tháng tại Mặt trận Hà Nội. Thắng lợi to lớn đó đã để lại một số bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, có thể nghiên cứu vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc:
Một là, huy động sức mạnh toàn dân, bước đầu hình thành thế trận chiến tranh nhân dân. Trong cuộc chiến đấu với quân Pháp những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tương quan lực lượng hoàn toàn bất lợi cho ta. Song Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên được tinh thần yêu nước, huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, bao gồm cả dân nghèo, nông dân, công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên tham gia chiến đấu, thế nên bước đầu thế trận chiến tranh nhân dân được xác lập. Đó là hàng chục vạn hội viên cứu quốc, dân quân, tự vệ-mà nòng cốt là hơn 400 đảng viên cộng sản trong từng khu phố, nhà máy, xí nghiệp được giác ngộ thông qua các cuộc vận động chính trị trong suốt quá trình xây dựng chính quyền cách mạng. Nhân dân Thủ Đô ngày càng nhận thức sâu sắc hơn nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm chủ Thủ Đô của nước Việt Nam mới. Trước những hành động xấc xược của quân Pháp diễn ra hằng ngày trên đường phố, công tác giáo dục và động viên về tình hình và nhiệm vụ do các đoàn thể Việt Minh, Mặt trận Hà Nội tiến hành, ngày càng tạo thành động lực thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân, già trẻ, gái trai, sẵn sàng chiến đấu, sống chết với Thủ Đô. Nhiều gia đình và cá nhân đã tự nguyện biến ngôi nhà của mình thành những ụ súng chiến đấu của bộ đội và tự vệ, cùng với mọi đồ vật trong nhà từ sập gụ, tủ chè đến bàn ghế, giường phản, cánh cửa…, đều trở thành những chướng ngại vật để ngăn cản bước tiến của quân Pháp trên đường phố.
Ảnh tư liệu. |
Ngay từ những ngày chiến đấu đầu tiên, tại Mặt trận Hà Nội không chỉ có các chiến sĩ Vệ Quốc đoàn, tự vệ, công an xung phong trực tiếp cầm súng chiến đấu tiêu diệt địch mà đối mặt với quân Pháp, cả trong những giờ phút thử thách quyết liệt nhất, còn có đông đảo nhân dân thành phố, từ em bé 10-12 tuổi, nam nữ thanh thiếu niên đến cụ già, từ người dân nghèo, công nhân, đến nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, tất cả đều góp phần đánh giặc theo khả năng riêng của mình. Họ là những người dân bình thường, những chiến sĩ vô danh không mặc áo lính đã bảo đảm đường dây liên lạc, tiếp tế, đã sát cánh cùng bộ đội và tự vệ để ngày đêm chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Cũng chính những chiến sĩ vô danh ấy đã giữ bí mật, bảo đảm an toàn và có người đã anh dũng hy sinh, góp phần vào thắng lợi của cuộc rút quân thần kỳ của Trung đoàn Thủ Đô ra khỏi thành phố sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Hai là, tích cực, chủ động tiến công, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cách đánh đạt hiệu quả cao. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy, Đảng ủy chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cách đánh; kết hợp chặt chẽ việc tích cực, chủ động liên tục tiến công địch một cách rộng rãi với tổ chức phòng ngự có trọng điểm, thành hệ thống liên hoàn để tiêu hao, tiêu diệt địch. Vận dụng cách đánh du kích khi ẩn, khi hiện trong từng căn nhà, từng góc phố, ban ngày ta đánh đối phó, dùng quân sự trận tuyến để ngăn chặn xe tăng, xe cơ giới, hạn chế bước tiến của địch. Ban đêm địch nghỉ ta bất ngờ đánh, khiến địch rối trí, mệt mỏi, làm cho địch không tìm được quân chủ lực của Việt Minh, không biết “xương sống” của ta ở đâu mà đánh? Mỗi người dân Hà Nội đều là chiến sĩ, quân đội là toàn dân với vũ khí thô sơ đã liên tục chủ động tiến công, đánh phủ đầu, khiến địch hoang mang, suy yếu, buộc địch phải đối phó một cách bị động. Ta không chủ trương dàn quân đánh trận địa với địch mà tận dụng khu vực có kiến trúc cổ-cũ của thành phố (Liên khu 1) làm hạt nhân quyết giữ, kết hợp với chốt chặt các cửa ngõ vòng ngoài, tạo cách đánh độc đáo “Trùng độc chiến”-thế trận trong đánh ngoài vây, trong đánh ra ngoài đánh vào, trong ngoài cùng đánh. Trên từng khu vực của cả 3 liên khu lại tổ chức các chiến lũy, ổ đề kháng, vật cản kết hợp với tập kích, phục kích, quấy rối, bắn tỉa... để tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, hỏa lực địch. Đó là cách bố trí được hình dung như các “then cửa” tạo chiều sâu phòng ngự. Phòng ngự nhưng không cố thủ giữ đất mà kết hợp chặt chẽ với vận động, thường xuyên cơ động tìm nơi sơ hở của địch mà tiến công.
Cách đánh đó khiến mọi lực lượng, bộ đội, tự vệ, công an xung phong và nhân dân đều phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Ta đã thu được hiệu quả chiến đấu cao, củng cố lòng tin, khơi dậy ý chí chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần đánh bại âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của thực dân Pháp.
Ba là, vừa tác chiến, vừa củng cố tổ chức, vừa phát triển lực lượng bảo đảm kháng chiến lâu dài. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài, ngay từ những ngày đầu nổ ra kháng chiến toàn quốc, Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy đặc biệt quan tâm, chăm lo và chỉ đạo công tác chuẩn bị về tư tưởng, về tổ chức nhằm hướng dẫn cho toàn dân và toàn quân sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược. Các ngành, các đoàn thể quần chúng, các lực lượng vũ trang ở Thủ Đô được nghiên cứu đường lối kháng chiến, những chỉ thị liên quan đến ngành mình, đơn vị mình. Khi có lệnh mọi người đã ở vị trí sẵn sàng chiến đấu được ngay. Vừa chiến đấu, vừa củng cố tổ chức, vừa phát triển lực lượng. Tại các phố Hàng Thiếc, Hàng Bát, Hàng Mắm thường diễn ra các buổi tập quân sự do cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm chiến đấu được cử ra huấn luyện cho tự vệ. Nhiều lớp học chính trị được mở như lớp học Điều lệ Đảng cho 50 đảng viên dự bị ở 51 phố Hàng Bồ, lớp đào tạo cán bộ tiểu đội ở đình Phất Lộc, lớp bồi dưỡng 36 chính trị viên trung đội ở rạp hát Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng). Ngày 6/1/1947, để thống nhất chỉ huy, tăng cường sức mạnh chiến đấu, các lực lượng Vệ quốc đoàn, tự vệ và công an xung phong trong Liên khu 1 được tổ chức thành trung đoàn mang tên Trung đoàn Thủ đô, gồm 3 tiểu đoàn (101, 102 và 103), đánh dấu bước trưởng thành mới của lực lượng vũ trang Thủ đô.
Trải qua thực tế hơn 20 ngày đánh địch, từ nhận định về khả năng chiến đấu của quân và dân Thủ Đô, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy cho rằng, ta vẫn có thể tiếp tục duy trì thế trận trong đánh ngoài vây, trong ngoài cùng đánh ở Hà Nội. Muốn vậy, lực lượng ở vành đai ngoài cũng phải mạnh, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho Chiến khu 2 tăng thêm cho Mặt trận Hà Nội hai tiểu đoàn (Tiểu đoàn 45 thuộc Trung đoàn 9, Tiểu đoàn 64 thuộc Trung đoàn 13); đồng thời điều chỉnh bố trí lại đội hình chiến đấu. Như vậy, lực lượng Vệ quốc đoàn chiến đấu ở ngoại thành tăng lên 7 tiểu đoàn. Từng tiểu đoàn đều có phương án tác chiến hợp lý, có lực lượng tiến công, có lực lượng phòng ngự, có lực lượng dự bị.
Quân và dân Thủ Đô càng đánh càng mạnh, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng. Từ 5 tiểu đoàn khi mới nổ súng, ta đã phát triển thành 5 trung đoàn được tôi luyện về kinh nghiệm chiến đấu, trong đó có Trung đoàn Thủ Đô, Trung đoàn Thăng Long..., làm nòng cốt cho các đại đoàn quân chủ lực ra đời vào các năm sau.
Bốn là, chủ động phối hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các lực lượng, tổ chức rút quân đúng thời cơ, bí mật, bất ngờ, bảo toàn lực lượng. Với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân Hà Nội đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng chiến đấu; luôn giành thế chủ động, bí mật, bất ngờ nổ súng, buộc Bộ chỉ huy Pháp phải lúng túng đối phó. Ta đã giam chân địch trong thành phố tới hai tháng, để có thời gian cho cả nước bước vào kháng chiến lâu dài, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Mặt trận di chuyển về căn cứ; bảo toàn lực lượng và bảo vệ hàng chục vạn đồng bào Thủ Đô ra ngoài vùng chiến sự an toàn. Không chỉ chiến đấu giỏi, quân và dân Thủ Đô còn chủ động tổ chức rút quân đúng thời cơ, khôn khéo, giữ được bí mật, bất ngờ. Ta không rút sớm hơn, khi còn khả năng trụ bám và không để chậm hơn, khi tình thế khó khăn hơn nữa. Ta thực hiện các đòn tác chiến, làm ngoại giao, làm sai lạc hướng phán đoán của địch; xác định đường rút bí mật, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ cùng với việc huy động phương tiện thuyền bè của nhân dân bảo đảm di chuyển về căn cứ an toàn, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Với nghệ thuật tác chiến độc đáo của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 60 ngày đêm chiến đấu, bước đầu hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Khái niệm về thế trận chiến tranh nhân dân ngày càng được định hướng rõ ràng và không ngừng phát triển cả về lý luận và thực tiễn trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này, góp phần bổ sung vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, giúp chúng ta nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ vững chắc Tổ quốc...