Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng vừa ký quyết định số 3431/QĐ-UBND về điều chỉnh giá dịch vụ chung cư trên địa bàn, áp dụng cho thời hạn 1 năm, tính từ ngày 31/5/2013.
Theo đó, mức giá dịch vụ nhà chung cư tối thiểu là 800 đồng/m2/tháng, mức tối đa là 16.500 đồng/m2/tháng, áp dụng cho chung cư có thang máy. Với
chung cư không có thang máy, mức giá tối thiểu là 450 đồng/m2/tháng, tối đa là 5.000 đồng/m2/tháng. Mức giá trên chưa bao gồm các dịch vụ khác như bể bơi, sân tennis, tắm hơi hoặc các dịch vụ cao cấp khác. Như vậy, so với mức giá dịch vụ hiện hành tối đa là 4.000 đồng/m2/tháng, khung giá mới của UBND TP Hà Nội ban hành đã tăng hơn 4 lần. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ, đây chỉ là giá trần, các Sở Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế có thể căn cứ trên tình hình thực tế để điều chỉnh giá dịch vụ chung cư phù hợp. Đối với những chung cư có nguồn thu từ kinh doanh các dịch vụ khác thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà phải được tính để bù đắp chi phí dịch vụ nhà chung cư nhằm giảm giá cho các hộ dân.
Quyết định mới trên đã tạo nên nhiều dư luận trái chiều. Trên thực tế, dư luận đã từng xôn xao về việc nhiều khu chung cư chưa đáp ứng được nhu cầu dịch vụ của cư dân. Rùm beng nhất phải kể đến vụ việc cư dân chung cư Keangnam (đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội) liên tục tố chủ đầu tư vì có những hành động "ngược đãi, bắt chẹt" người dân.
|
Tòa nhà Keangnam. Ảnh: Internet |
Vào đầu năm 2012, ban quản lý tòa nhà
Keangnam bất ngờ ra thông báo khiến cư dân tòa nhà phải giãy nảy. Ban quản lý tòa nhà sẽ tiến hành thu phí từ tháng 1/2012 ở mức 4.000 đồng/m2, đồng nghĩa với việc chỉ cung cấp dịch vụ tương ứng với mức giá trên. Theo đó, chỉ còn 5 nhân viên phụ trách lau dọn đối với 2 tòa nhà cao 48 tầng, không cung cấp dịch vụ thu dọn vệ sinh tại nơi thu gom rác thải của từng tầng, chủ căn hộ phải tự mang rác nhà mình xuống tầng hầm - nơi tập kết, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong và ngoài tòa nhà 24/24h được giao cho 2 vị trí. Ban quản lý còn cắt giảm hẳn 10/20 thang máy của 2 tòa nhà 48 tầng, đồng thời rút ngắn thời gian chiếu sáng khu vực công cộng cũng như giảm chi phí nước sinh hoạt dùng cho khu vực công cộng. Được biết, ngay sau khi nhận được thông báo này, Ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam đã làm đơn tố cáo Công ty TNHH 1 thành viên Keangnam Vina (đơn vị quản lý tòa nhà) lên UBND TP Hà Nội, cho rằng công ty này đã vi phạm pháp luật qua thông báo trên.
Sau thông báo "bắt chẹt" cư dân của ban quản lý tòa nhà Keangnam, trong năm 2012, cư dân sống tại đây phải chịu bao ấm ức về những sự cố với thang máy. Còn nhớ, tối 23/5/2012, sự cố mất điện toàn bộ tại 2 tòa nhà A và B của Keangnam đã khiến hệ thống thang máy tại chung cư này tê liệt. Điều đáng nói là sự cố mất điện diễn ra trong vòng nửa tiếng (từ 19h20 đến 19h45), cư dân bị mắc kẹt trong thang máy nhưng không hề nhận được sự trợ giúp, cứu hộ cần thiết từ lực lượng bảo vệ hay Ban quản lý tòa nhà. Vì bị nhốt quá lâu, thiếu oxy và không được trợ giúp, 6 cư dân mắc kẹt thực sự hoảng loạn, trong đó có 2 cháu nhỏ bị ngất xỉu. Sau khi sự cố xảy ra, đại diện Tổ dân phố, công an khu vực và đại diện cư dân Keangnam đã có mặt tại văn phòng Công ty quản lý Chesnut, yêu cầu gặp lãnh đạo và lập biên bản ghi nhận sự việc nhưng không nhận được sự hợp tác. Thậm chí một quản lý người Hàn Quốc qua điện thoại ra lệnh cho nhân viên không lập, không ký biên bản, đóng cửa văn phòng. Ban đại diện lâm thời của cư dân đã gửi công văn tới Keangnam yêu cầu làm rõ vấn đề liên quan tới sự cố vừa qua.
|
Bảo vệ chung cư Keangnam (đứng phía sau "ông chủ" Hàn Quốc). Ảnh: An ninh Thủ đô |
Trước đó ít hôm, ngày 18/5/2012, chỉ ít phút sau lễ khai trương đài quan sát trên tầng 72 của tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark, hàng chục người tham quan đã được một phen hốt hoảng khi một trong hai thang máy đưa khách lên tầng 72 gặp sự cố trôi bất thường. Sự cố nói trên tiếp tục lặp lại vài lần sau đó khiến nhiều khách tham quan thót tim.
|
Cư dân Keangnam liên tục gặp sự cố về thang máy. Ảnh: Dân Việt |
Không chỉ khổ sở về thang máy, cư dân sống ở chung cư cao cấp bậc nhất Việt Nam này còn lo sợ bởi cơ sở vật chất kỹ thuật không an toàn. Mới đây nhất, vào ngày 25/5 vừa qua, một cơn dông lớn thổi mạnh khiến lồng sắt (platform), bên trong có nhóm công nhân đang làm việc, đập vào vách làm kính ở tầng 60 tòa nhà Keangnam vỡ toang. Hậu quả, các mảnh kính vỡ sắc nhọn rơi từ độ cao hàng trăm mét xuống bể bơi ngay dưới. Lúc này, nhiều người lớn và trẻ em có mặt tại bể bơi trên đã vô cùng hoảng hốt. Sự cố này đã từng xảy ra vào chiều 9/8/2011, người dân cũng hoảng hồn khi chứng kiến một lồng sắt chao đảo do bị mưa dông thổi, va đập liên hồi vào tầng 23 của tòa nhà này.
|
Cảnh chiếc lồng bị gió thổi và đập liên tục vào tầng 23 của tòa nhà vào ngày 9/8/2011 (Ảnh chụp lại từ clip). Ảnh: Dân Việt |
Những cơn dông gió mạnh vào chiều 9/8/2012 cũng đã thổi bay toàn bộ 5 ô kính bảo vệ bên ngoài của tầng thứ 22 của tòa nhà 72 tầng Keangnam, rơi xuống sảnh phía trước giáp với đường Phạm Hùng, rất may không có ai bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, Ban quản lý tòa nhà và Công ty Keangnam đã cho bảo vệ căng dây để khoanh vùng và tiến hành sửa chữa sự cố.
|
Sau sự cố ngày 9/8/2012, Keangnam đã cho bảo vệ khoang vùng để tiến hành khắc phục. Ảnh: Infonet |
Những sự cố ở tòa nhà Keangnam khiến hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây không còn yên tâm vào sự an toàn của tòa nhà được cho là hiện đại nhất Việt Nam này. Không chỉ bị kính rơi vỡ, cư dân ở đây cũng đã từng chứng kiến vụ cháy xảy ra vào ngày 27/8/2011 ở tầng 7 tòa nhà để máy cung cấp hệ thống gió cho các máy điều hòa trung tâm các tầng thuộc tòa nhà. Theo một công nhân vừa làm việc tầng 7, nơi xảy ra vụ cháy thì nguyên nhân vụ cháy là do các công nhân hàn để rơi xỉ hàn làm âm ỉ cháy bên trong. Được biết, một số công nhân làm việc hàn xì tại đây đã bị bỏng, ngoài ra mức thiệt hại ước tính khá lớn.
|
Hình ảnh vụ cháy xảy ra ở tầng 7 tòa nhà Keangnam. Ảnh: Bưu điện Việt Nam |
Vụ cháy ở tòa nhà Keangnam khiến người ta liên tưởng đến vụ cháy tại tòa nhà 34T thuộc chung cư Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. Theo đó, vụ cháy xảy ra sáng 25/3/2012 tại một căn hộ thuộc tầng 12 của tòa nhà 34 tầng khu đô thị này. Khu vực cháy được xác định là hệ thống điều hòa đặt tại ban công tòa nhà, nguyên nhân có thể do chập điện. Theo người dân tòa nhà, khi xảy ra hỏa hoạn, mọi người phải chạy theo cầu thang bộ nhưng đường tối om, đèn chiếu sáng của hệ thống cầu thang thoát nạn không hoạt động. Trong khi đó, chủ đầu tư Vinaconex xây dựng hệ thống hầm của các tòa nhà xung quanh dưới mặt sân chung, hệ thống này chỉ chịu được tải trọng khoảng 20 tấn nên khi xe thang nặng 50 tấn đến cứu hộ, xe này không thể tiếp cận hiện trường, phải đỗ từ xa nên không có tác dụng. Được biết, đây không phải là vụ cháy đầu tiên xảy ra ở tòa nhà này. Trước đó, ngày 31/10/2010, một vụ hỏa hoạn cũng xảy ra tại tầng 19; ngày 14/1/2010, tòa nhà này cũng xảy ra cháy khi nó đang trong giai đoạn hoàn thiện.
|
Ngọn lửa phát ra từ một căn phòng ở tầng 12 của tòa nhà 34T khu Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: VTC |
Những sự cố về cháy nổ thường xuyên xảy ra ở các khu chung cư, và vì được xây dựng rất cao, lại gặp trục trặc ở hệ thống báo động và cầu thang bộ nên công tác cứu hộ nhiều khi khó khăn. Vụ cháy tại nhà hàng Top Chef ở sảnh đầu hồi phía Tây của khu chung cư Golden Westlake (151 Thụy Khuê, Hà Nội) ngày 21/12/2012 cũng gây hoảng loạn cho cư dân sống ở đây. Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên nhà hàng Top Chef có những hoạt động kinh doanh không tuân thủ quy định, gây ảnh hưởng, đe dọa đến tính mạng của cư dân đang sinh sống tại Golden Westlake. Sau khi vụ cháy xảy ra, Ban quản lý toàn nhà đã không có biện pháp thông báo kịp thời đến cư dân đang ở trong tòa nhà vào thời điểm vụ cháy xảy ra khiến cư dân bị động và hoảng loạn sơ tán. Trước đó, Ban Đại diện và đông đảo cư dân cũng đã họp với Hà Việt Tung Shing/Leonidas - đơn vị quản lý khu chung cư, phản ánh lên công an, UBND phường ... về hoạt động kinh doanh của nhà hàng Top Chef có nguy cơ đe dọa tính mạng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân.
|
Khói nghi ngút bốc ra từ vụ cháy nhà hàng Top Chef. Ảnh: Dân Việt |
Những gì thấy ở các khu chung cư hiện nay khiến người ta đặt ra một nghi vấn về chất lượng dịch vụ cũng như an toàn của các khu chung cư này. Khi mà cầu thang máy là phương tiện di chuyển chính của cư dân chung cư, thì có nơi lại cắt hoặc hạn chế thang máy. Khi có cháy, cầu thang bộ là nơi cư dân có thể nhanh chóng thoát hiểm thì hệ thống chiếu sáng ở đây lại không hoạt động. Sẽ nguy hiểm thế nào nếu những cơn dông gió ập tới, cửa kính bị vỡ và người dân đang sinh hoạt dưới bể bơi... Thật khó mà đề phòng được những sự cố xảy ra liên tiếp với các khu chung cư. Nhiều tòa nhà còn hạn chế một số dịch vụ nếu như cư dân không chịu đóng phí hoặc đóng phí không đúng hạn. Như vậy, dịch vụ của các chung cư đã xứng đáng để được tăng giá hơn 4 lần như quyết định của UBND TP Hà Nội? Cũng liên quan đến phí dịch vụ chung cư, hồi tháng 9/2012, đồng loạt cư dân chung cư 16B Nguyễn Thái Học tọa lạc tại quận Hà Đông, Hà Nội đã căng băng rôn, biểu ngữ tại tòa nhà để phản đối chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV Duyên Hải) về một số bất đồng chưa giải quyết thấu đáo. Theo các cư dân ở đây, ban quản lý tòa nhà thu các loại phí đều cao hơn, ít nhất cũng bằng mức "kịch trần" cho loại phí đó so với quy định của UBND TP Hà Nội. Cụ thể: phí gửi xe máy là 60.000 đồng/xe/tháng; phí trông giữ ô tô 1,8 triệu đồng/xe/tháng; phí dịch vụ quản lý sử dụng, vận hành tòa nhà 4000 đồng/m2. Sau nhiều lần kiến nghị, phí gửi xe máy mới giảm xuống còn 45.000 đồng/xe/tháng; phí dịch vụ trông giữ xe ô tô giảm xuống 1,5 triệu đồng/xe/tháng. Tuy nhiên, mức phí này vẫn cao hơn phí trông giữ xe ô tô tại chung cư ở một số khu đô thị trên địa bàn quận Hà Đông. Được đưa vào sử dụng hơn 1 năm nay, nhưng tại chung cư này đã và đang xảy ra nhiều mâu thuẫn tồn tại không được giải quyết triệt để giữa chủ đầu tư và cư dân. Trước đó, ngày 10/5/2012, hàng trăm cư dân của khu chung cư Golden Westlake cũng tụ tập dưới đại sảnh tòa nhà trung tâm yêu cầu Ban quản lý khu không được tăng giá phí trông giữ xe tại tầng hầm của tòa nhà. Theo thông báo của Ban quản lý tòa nhà thì kể từ ngày 10/5/2012, tất cả những cư dân chưa đóng tiền thuê chỗ đỗ xe theo giá mới sẽ bị khóa thẻ ra vào tầng hầm để xe. Bức xúc với việc tăng giá khi chưa có thỏa thuận và chưa được sự nhất trí của những người dân đang sinh sống tại chung cư nên hàng trăm người đã đồng loạt đỗ xe ô tô kín đường vào tòa nhà để yêu cầu Ban quản lý phải đưa ra câu trả lời rõ ràng cho người dân trước khi tăng giá đột ngột như vậy.
|
Cư dân Golden Westlake dán biểu ngữ khắp xe để phản đối. Ảnh: Kiến thức |
Phí dịch vụ chung cư luôn là bài toán đau đầu với các cơ quan quản lý. Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc tăng giá chung cư hơn 4 lần chắc chắc sẽ gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía cư dân.
TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU