Camera được coi là một trong những điểm nhấn chính trên Bphone B86. Trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thống, BKAV và CEO Nguyễn Tử Quảng đã nhiều lần "lăng xê" cho camera của Bphone B86, cho rằng Bphone B86 "tiên phong nhiếp ảnh điện toán", "2 camera của Bphone B86 tương đương 5 camera của hãng khác", "chụp được những khoảnh khắc mà mắt thường không thể nhìn thấy, máy cơ (DSLR) cũng khó mà làm được".
|
Camera là điểm nhấn của Bphone B86. |
Thậm chí, gần đây nhất, ông Quảng còn so sánh ảnh chụp đêm giữa Bphone B86 và hai smartphone của "hãng A" và "hãng G", chỉ ra những nhược điểm trên hai sản phẩm đối thủ.
"Các bạn có thể nhận thấy điều này khi so sánh trong cùng một điều kiện, sNight 2.0 trên B86 với ảnh chụp phía sau cũng dùng chế độ chụp đêm trên 2 thiết bị flagship của hãng A và hãng G (dù luật Việt Nam đã sửa đổi để cho phép so sánh các sản phẩm trực tiếp, nhưng tôi vẫn dùng ký hiệu cho đỡ gây tranh cãi", ông Quảng viết trên mạng xã hội.
|
Một bức ảnh chụp đêm của Bphone B86 được CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng chia sẻ. |
Sau những phát ngôn "gây sốc" của ông Nguyễn Tử Quảng, mới đây, thêm một quan chức của BKAV tiếp tục đưa ra những nhận định không mấy tích cực về camera của những hãng smartphone khác.
Cụ thể, trong một buổi giao lưu với cộng đồng fan Bphone, ông Lê Thanh Nam, Phó chủ tịch mảng camera của Bphone đã phủ nhận tầm quan trọng của camera tele (zoom) trên smartphone. Khi được hỏi về camera tele, ông này cho biết:
"Cho đến hiện tại thì tính hữu dụng chính của tele trên điện thoại là marketing, móc túi khách hàng và khè nhau"
Khởi nguồn từ chiếc iPhone 7 Plus ra mắt năm 2016 với camera zoom 2X, trong một vài năm trở lại đây, camera tele là trang bị mà gần như tất cả smartphone cao cấp hiện nay đều có. Một số nhà sản xuất như Huawei, Samsung hay Xiaomi liên tục cải tiến khả năng zoom, trong đó phát kiển nổi bật nhất là công nghệ ống kính tiềm vọng.
Nhờ ống kính tiềm vọng, cảm biến độ phân giải cao và AI, một số smartphone như Huawei P/Mate 40, Xiaomi Mi 11 Ultra hay Samsung Galaxy S21 Ultra giờ đây đã có thể chạm ngưỡng zoom quang học từ 5-10X, trong khi zoom số có thể lên tới 100-120X.
Đương nhiên, do bản chất của zoom số, vậy nên chất lượng ảnh nằm trong khoảng 30-120X của smartphone thường rất tệ, không thể sử dụng được và thường chỉ mang tính chất "khè nhau", đúng như những gì vị quan chức chức của BKAV nói. Tuy nhiên, việc có thể zoom để tiếp cận một vật thể nào đó từ khoảng cách xa, trong một số trường hợp đôi khi lại rất hữu ích. Lúc này, camera zoom sẽ đóng vai trò như công cụ hỗ trợ người dùng, chứ không phải là một thứ để ghi lại khoảnh khắc nữa.
|
Những bức ảnh được chụp ở các tiêu cự khác nhau, sử dụng cụm camera của Mi 11 Ultra. Rõ ràng, bức ảnh cuối cùng (zoom 120X) không đẹp mắt một chút nào, nhưng việc nó cho phép người dùng có thể tiếp cận vật thể ở một khoảng cách mà mắt thường không thể thấy được vẫn đem lại giá trị sử dụng nhất định. |
Ngoài ra, nếu như những bức ảnh zoom số 30X, 50X hay 100X có thể coi là vô dụng, thì những bức ảnh trong phạm vi của ống kính quang học (2X-10X) hoàn toàn có thể sử dụng tốt. Đây là điều đã được minh chứng bởi nhiều người dùng.
|
Một bức ảnh chụp bằng camera tele của S21 Ultra cho chất lượng rất tốt.
|
Về phía BKAV, mặc dù đánh giá camera tele trên điện thoại là "marketing, móc túi khách hàng và khè nhau", thế nhưng, BKAV lại mang đến cho Bphone B86 một camera phụ mang đầy tính chất "khè nhau", đó là camera 5MP dùng để đo chiều sâu.
Camera này không đem lại bất cứ giá trị nào cho người sử dụng, bởi lẽ chế độ chụp ảnh xoá phông của Bphone B86, cũng như nhiều điện thoại khác, hoàn toàn có thể hoạt động được kể cả khi người dùng lấy tay che camera phụ này. Ngoài ra, việc nhiều smartphone có thể chụp ảnh xoá phông tốt dựa trên phần mềm chứ không cần đến camera đo chiều sâu chuyên biệt càng cho thấy sự thiếu thiết thực của camera này.
|
Mặc dù có hai camera, nhưng camera phụ của Bphone B86 chỉ để đo chiều sâu, không đem lại giá trị sử dụng rõ rành. |
BKAV từng tự hào rằng mình có công nghệ "truyền dữ liệu nhanh nhất" mang tên TransferJet trên Bphone thế hệ đầu tiên vào năm 2015, nhưng rồi hãng này phải âm thầm loại bỏ nó trên thế hệ Bphone 2017 bởi chẳng hãng nào chịu sử dụng nó. Trái ngược lại, việc loại bỏ jack cắm tai nghe không đem lại bất cứ lợi ích nào cho người dùng, nhưng rồi hàng loạt nhà sản xuất, trong đó bao gồm BKAV, cũng phải chạy theo trào lưu.
Camera tele cũng vậy. Có thể BKAV cho rằng camera tele trên điện thoại chỉ là "marketing, móc túi khách hàng và khè nhau", nhưng một khi nó đã trở thành một xu hướng tất yếu và được người dùng chấp nhận (thể hiện qua doanh số của các dòng máy được tích hợp công nghệ này); thì có lẽ đã đến lúc BKAV buộc phải thay đổi cách thức suy nghĩ của mình trước khi quá muộn.