Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tất cả sai phạm BOT sẽ được xử lý nghiêm

(Kiến Thức) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận không ít dự án đầu theo hình thức BOT bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng đầu tư thấp như mức phí cao, thời gian thu phí dài...gây bức xúc dư luận, nhiều nơi đã phản ứng rất mạnh.

"Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thanh tra, kiểm tra tất cả các công trình đầu tư xây dựng xem việc chỉ định thầu có đúng quy định pháp luật không? Việc thực hiện đầu tư xây dựng các công trình đó có đúng quy trình pháp luật về đầu tư xây dựng quy định không?
Xem xét có việc thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn, thẩm định, thiết kế, với các cán bộ của cơ quan nhà nước để tăng khống khối lượng, tăng tổng đầu tư gây thất thoát vốn cho nhà nước", đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khi trả lời đại biểu Trương Trọng Nghĩa về hiện nay có tình trạng nhiều công trình xây dựng được chỉ định thầu cho một số ít doanh nghiệp, gây ra tình trạng lãng phí, thất thoát, kéo dài thời gian thi công, gây ra bức xúc trong dư luận.
Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Tất cả vấn đề sai phạm sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, về việc thực hiện đầu tư các công trình hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT. Trước hết phải khẳng định việc huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: VGP.
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: VGP.
“Trong những năm qua cùng nguồn vốn đầu tư nhà nước, việc thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội và lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đạt được kết quả quan trọng góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của đất nước và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Phó Thủ tướng cho biết.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, không ít dự án đầu tư theo hình thức BOT bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng đầu tư thấp như mức phí cao, thời gian thu phí dài, đặc biệt vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý, gây bức xúc dư luận, nhiều nơi đã phản ứng rất mạnh.
“Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều chỉ đạo lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng nói chung. Đặc biệt đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT như yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các dự án BOT để xác định đúng tổng mức đầu tư kiểm soát chất lượng công trình. Từ đó xác định chi phí và thời gian thu phí hợp lý, cũng như giải pháp khắc phục bất cập về vị trí trạm thu phí nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích trước hết của nhà nước, nhà đầu tư và lợi ích người dân sử dụng dịch vụ đường bộ”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước hết hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung, nhưng đặc biệt đầu tư theo hình thức hợp tác công tư nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục các kẽ hở làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Tiếp tục rà soát các dự án BOT và xử lý khắc phục những tồn tại như đại biểu Quốc hội và cử tri đã nêu. Xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định pháp luật.
Trên cơ sở phát triển quy hoạch hạ tầng giao thông từng giai đoạn phải tiến hành xây dựng kế hoạch đầu tư hay nói cách khác là kế hoạch hóa đầu tư thực hiện quy hoạch để cân đối nguồn lực cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong đó, xác định rõ tuyến đường các công trình đầu tư bằng hình thức BOT từ đó công bố công khai để nhà đầu tư, người dân biết và chúng ta tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu và người dân biết để kiểm tra, giám sát. Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến đường mới, không đầu tư trên các tuyến đường độc đạo, đảm bảo người dân có đủ sự lựa chọn trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông.
Cùng với đó cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng đối với các dự án BOT. Từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và tổng mức đầu tư đến quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa công trình vào khai thác, sử dụng, vận hành. Để đảm bảo giảm giá phí và giảm thời gian thu phí. Đồng thời đảm bảo chất lượng công trình, chống tiêu cực, thất thoát.
Thực hiện lựa chọn các nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh. Trước hết là tất cả các tuyến đường bộ Bắc - Nam và các tuyến đường sắp tới thi công đều phải thực hiện hình thức đấu thầu, không chỉ định thầu.
Xử lý nghiêm mọi vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình BOT theo đúng quy định của pháp luật.
Một số dự án BT gây thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận và nhân dân trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, để khắc phục tình trạng trên, trước hết Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát tất cả các dự án BT đang triển khai, xem xét việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án BT trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật như xác định giá trị, quyền sử dụng đất giao cho nhà đầu tư tại thời điểm giao đất. Giá trị công trình BT, xem có đúng với đầu tư không hay nâng khống.
Hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng trong đó có quy định về đầu tư bằng hình thức BT theo hướng kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư. Đảm bảo xác định đúng giá trị tài sản, giá trị quyền sử dụng đất. Chống thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước.
Có cơ chế để khuyến khích các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn để giải phóng mặt bằng. Tạo quỹ đất sạch tại các dự án đô thị để đấu giá, thay vì chúng ta chỉ thầu hoặc đầu tư bằng hình thức BT. Tạo nguồn vốn đầu tư trực tiếp để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Bởi vì, đấu giá theo Luật Đất đai, đấu giá được đất phải có đất sạch. Cái này cũng cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, sửa đổi pháp luật.