Các dấu hiệu cảnh báo ngộ độc thực phẩm dễ bị bỏ qua
Vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao do đó tình trạng ngộ độc thực phẩm cũng dễ xảy ra hơn. Vậy ngộ độc thực phẩm có biểu hiện gì? Tùy vào nguyên nhân, biểu hiện của ngộ độc thực phẩm sẽ khác nhau.
- Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật: Người bệnh sẽ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; các triệu chứng của việc mất nước như khô môi, khát nước; hoặc nhiễm trùng khiến cơ thể liên tục vã mồ hôi, sốt…
- Ngộ độc do thực phẩm nhiễm hóa chất: Người bệnh sẽ có triệu chứng phức tạp hơn, không chỉ biểu hiện ở hệ tiêu hóa mà còn xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, trụy mạch, nhịp tim nhanh bất thường...
Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm
Vì sao bị ngộ độc thực phẩm? Ngộ độc thực phẩm là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc khi ăn uống phải những thực phẩm (đồ ăn, nước uống) bị biến chất, ôi thiu, thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc thực phẩm vượt quá liều lượng cho phép các chất phụ gia, bảo quản…
Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể khôi phục lại trạng thái bình thường sau vài ngày. Còn với các trường hợp nặng có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Một số nguyên nhân thường gặp gây ngộ độc thực phẩm là:
- Vi khuẩn: Salmonella
- Độc tố vi khuẩn: tụ cầu, Clostridium botulinum trong thịt cá bị ươn, ôi thiu.
- Độc tố vi nấm Aflatoxin: trên các loại hạt bị nấm mốc.
- Virus, ký sinh trùng.
- Các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, selenium lẫn trong thực phẩm.
- Tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.
- Các chất bảo quản thực phẩm, chất phụ gia dùng quá liều, quá thời hạn hoặc không được phép sử dụng.
Lựa chọn thực phẩm an toàn, bảo quản và chế biến đúng cách là biện pháp để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết. |
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm vào ngày Tết
Nguyên tắc chung để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần chọn lựa thực phẩm an toàn. Đồng thời bảo quản thực phẩm đúng cách và đảm bảo giữ vệ sinh trong khi chế biến, ăn uống hợp vệ sinh theo nguyên tắc ăn chín uống sôi.
Lựa chọn thực phẩm: Cần chọn những thực phẩm an toàn về nguồn gốc xuất xứ phải rõ ràng, còn hạn sử dụng, kiểm tra thực phẩm không ôi thiu, kém/biến đổi chất lượng. Không chọn những thực phẩm có dấu hiệu bất thường hoặc thực phẩm chứa độc như các loại nấm lạ, khoai tây mọc mầm, cá nóc,...
Bảo quản thực phẩm: Cần bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp và trong thời gian cho phép. Không nên để thức ăn ở ngoài quá hai giờ; trong trường hợp thời tiết nóng thì không nên để quá một giờ đồng hồ vì có thể gây ôi thiu, hư hỏng.
Chế biến thức ăn: Cần rửa tay trước khi tiếp xúc, trong và sau khi chế biến thực phẩm nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn qua đường ăn uống. Lưu ý phải làm sạch các nguyên vật liệu trước khi chế biến. Bên cạnh đó không quên vệ sinh sạch sẽ dụng cụ ăn uống, nấu nướng bằng xà phòng, nên rửa bằng nước ấm.
Đảm bảo nguyên tắc "ăn chín uống sôi": Tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, chỉ nên ăn ở những nơi đảm bảo vệ sinh, tránh những nơi ẩm thấp, bụi bẩn…