Phong thủy chùa Thiên Mụ quan trọng thế nào với nhà Nguyễn?
(Kiến Thức) - Thời nhà Nguyễn, chùa Thiên Mụ là nơi kết tụ linh khí của trời đất và núi sông, nơi rồng uốn khúc nhìn lại chốn kinh thành và nơi cọp ngồi trên cao cất tiếng rống vang động...
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
Nằm trên đồi Hà Khê, bên tả ngạn sông Hương, phía Tây Cố đô Huế, chùa Thiên Mụ là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng nhất Việt Nam. Lịch sử của ngôi chùa này gắn liền với một giai thoại phong thủy được ghi lại trong sử sách.
Theo Đại Nam thực lục - bộ chính sử của nhà Nguyễn - trong cuộc Nam tiến, chúa Nguyễn Hoàng đã khảo sát địa thế ở khu vực ngày nay là Huế và phát hiện một gò cao có hình tựa như đầu một con rồng đang ngoảnh lại, phía trước có sông bao bọc, phía sau có hồ nước lớn, địa thế rất đẹp.
Chúa hỏi chuyện dân địa phương thì biết rằng gò này rất thiêng. Tục truyền, một đêm kia bỗng có một bà già mặc áo đỏ quần xanh hiện ra trên đỉnh gò nói rằng: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến xây chùa trên gò này để kết tụ khí thiêng và giữ bền long mạch”. Nói xong liền biến mất.
Người trong vùng gọi bà già bí ẩn ấy là Thiên Mụ, tức bà già ở cõi trời xuống. Chúa Nguyễn Hoàng cho rằng nơi ấy có linh khí, bèn đặt tên gò đất là Hà Khê và sai người dựng chùa, gọi là chùa Thiên Mụ.
Xung quanh ngôi cổ tự này có nhiều câu chuyện huyền bí được lưu truyền. Điển hình là chuyện khi chùa xây xong chưa bao lâu thì có một con rùa khổng lồ từ sông Hương bò lên đồi Hà Khê để vào khuôn viên chùa cư trú. Mỗi lần khát nước rùa lại bò về hướng hồ nước sau chùa để uống.
Cứ bò qua bò lại như vậy, con rùa đã làm đổ bức tường phía sau chùa. Trong một cơn giông lớn, rùa đã bị sét đánh chết và hóa đá tại chỗ, sau hàng trăm năm vẫn nằm đó.
Do biến động lịch sử, chùa Thiên Mụ từng nhiều lần bị tàn phá. Sau khi lên ngôi ở Phú Xuân (Huế), vua Gia Long đã cho tôn tạo lại chùa và nói với quần thần đại ý rằng: “Đây là nơi linh thiêng của tiên đế ta đã chọn”.
Trong cái nhìn của một nhà cai trị phong kiến, chùa Thiên Mụ là nơi kết tụ linh khí của trời đất và núi sông, nơi rồng uốn khúc nhìn lại chốn kinh thành (long bàn hồi thủ) và nơi cọp ngồi trên cao cất tiếng rống vang động (hổ khiếu cao tôn). Có thể coi đây là đệ nhất quốc tự của triều Nguyễn.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An, chùa Thiên Mụ không chỉ là thắng cảnh tuyệt vời mà còn gắn liền đời sống tâm linh của dòng họ Nguyễn từ vị chúa đầu tiên cho đến vị vua cuối cùng và có ảnh hưởng sâu đậm đến cả cuộc tồn vong của một nền văn hóa.
Đến thời hiện đại, chùa Thiên Mụ là một di tích đặc biệt quan trọng, góp phần tạo nên diện mạo và giá trị của quần thể di tích Cố đô Huế – Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO công nhận vào năm 1993.