Phong thủy Kinh thành Huế qua góc nhìn của thành viên hoàng tộc Nguyễn
Phong thủy Kinh thành Huế là chủ đề thu hút sự quan tâm to lớn từ những người nghiên cứu về triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Người trong hoàng tộc Nguyễn nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
Trong ấn phẩm "Cố đô Huế xưa và nay" do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế và NXB Thuận Hóa ấn hành 2005, góc nhìn về phong thủy Kinh thành Huế của học giả Vĩnh Cao, một người trong hoàng tộc Nguyễn, đã được giới thiệu theo 4 ý chính. Ảnh: Ngọ Môn, cánh cổng chính của Hoàng thành Huế.
1. Kinh đô, theo quan niệm phong thủy ngày xưa đều hướng về Nam nhưng ngay tại vùng Thừa Thiên, mạch núi Trường Sơn, đặc biệt là quần sơn kề cận kinh đô cho đến dãy Bạch Mã đều chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Dựa vào thế đất ấy, kinh thành nhìn về hướng Đông Nam là tốt nhất. Ảnh: Núi sông xứ Huế nhìn từ đồi Vọng Cảnh.
2. Theo thuật phong thủy thì bất cứ một ngôi nhà hay cung điện gì thì ở phía trước gọi là chu tước (chim sẻ đỏ) thuộc hướng Nam, hành Hỏa. Phía trái (từ ngoài nhìn vào) gọi là bạch hổ (hổ trắng) thuộc hướng Tây, hành Kim. Ảnh: Cồn Dã Viên - "Bạch hổ" của Kinh thành Huế.
Phía phải gọi là thanh long (rồng xanh) thuộc hướng Đông, hành Mộc. Phía sau gọi là huyền vũ (rùa đen) thuộc hướng Bắc, hành Thủy. Ảnh: Cồn Hến - "Thanh long" của Kinh thành Huế.
Đặt kinh thành dựa theo hướng thiên nhiên, dùng ngũ hành mà sinh khắc chế hóa để sửa đổi, tạo thế quân bình, rồi dùng ngũ hành mà tạo lục thân để đoán vị và quy hoạch, bố trí cung điện. Ảnh: Từ Ngọ Môn nhìn về điện Thái Hòa, cung điện trung tâm của Hoàng thành Huế.
3. Phong thủy cũng quan niệm rằng: phía Tây thuộc về chủ; phía Đông thuộc về thê thiếp, bạn bè ti bộc, vật giá, châu báu, kho đụn, vật loại… tức là những thứ mà chủ sai khiến, sử dụng; phía sau thuộc về tử tôn, môn sinh, trung thần, lương tướng. Ảnh: Hiển Lâm Các, công trình cao nhất Hoàng thành Huế.
Từ đó, việc bố trí các cung điện, dinh thự… trong Kinh thành, Hoàng thành và Tử cấm thành cũng dựa vào nguyên tắc này mà phân bổ chức năng. Ảnh: Thế Miếu - điện thờ các vua nhà Nguyễn trong Hoàng thành Huế.
4. Kinh thành Huế xây dựng ở vùng đất có nước phủ bốn bề, theo phong thủy là nơi tụ thủy, đất phát tài. Nhưng phía Tây kinh thành lại có khí núi xung sát, sông Hương uốn khúc vì thế hành kim rất vượng. Điều này sẽ có hại cho phía Đông, chủ hành mộc (kim khắc mộc). Ảnh: Sông Hương và cầu Trường Tiền.
Mộc yếu sẽ dẫn đến sự hạn chế về của cải, dân chúng, thương mại…, kim động sẽ gây hại cho dương trạch nên dễ sinh tật bệnh, tổn hại gia đạo. Vì thế phải xây chùa miếu ở phía Tây để trấn. Đó là lý do ra đời Văn Miếu, chùa Thiên Mụ ở phía Tây kinh thành Huế. Ảnh: Chùa Thiên Mụ.
Mời quý độc giả xem video: Món ngon tiến vua ở xứ Huế / VTV Life.