Khi nhà báo "vào sinh ra tử"
Không có phương tiện bảo vệ, luôn phải đương đầu với hiểm nguy, sống trong cảnh mưa bom bão đạn, nguy cơ mất mạng bất kỳ lúc nào… Đó là những từ ngữ để miêu tả về những phóng viên chiến trường, loại hình báo chí nguy hiểm nhất nhưng cũng được coi là danh giá nhất trong nghề báo.
Phóng viên chiến trường - nghề nguy hiểm. |
Năm 2014, thế giới biết đến việc phóng viên chiến trường dũng cảm, dám xông pha và làm việc không biết mệt mỏi tại điểm nóng quân sự Syria đã phải bỏ mạng. Đó là nhà báo James Foley. Anh đã bị phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hành quyết.
Xuất hiện trong video tuyên truyền của IS, mặc trên người bộ quần áo màu cam, đôi mắt nhắm, đôi môi mím chặt, James Foley bị ép quỳ gối trước một tên khủng bố IS. Vài giây sau, anh bị hành quyết. Foley không có cơ hội nhìn thấy gia đình, bạn bè lần cuối và quan trọng hơn, anh không bao giờ được tiếp tục theo đuổi công việc mà bản thân đam mê: Đưa tin từ chiến trường.
Foley là một người luôn nỗ lực vì mục tiêu “phơi bày cho thế giới thấy sự khổ đau của người Syria”. Anh đã miệt mài làm nghề và cống hiến cho độc giả những tầng lớp của sự thật từ chiến trường Syria, nhưng cuối cùng đã hy sinh tại nơi đầy bom đạn, khi bước sang tuổi 41. Kết cục đó không phải điều gì quá hiếm hoi đối với những người có cùng lựa chọn nghề nghiệp như anh. Khi quyết định làm phóng viên chiến trường, một người làm báo chắc chắn biết rõ 3 điểm cực kỳ quan trọng sau đây.
Thứ nhất, phóng viên chiến trường hơn ai hết là những người dễ bị bắt cóc làm con tin và do đó cũng dễ bị sát hại nhất. Thứ hai, họ phải chịu áp lực cả về mặt thể chất và tinh thần vô cùng lớn. Cuối cùng, luôn có những thách thức sẵn sàng cản trở các phóng viên chiến trường trong quá trình tác nghiệp.
Những điều nêu trên luôn nằm trong ý thức của các phóng viên chiến trường, khi họ phải đối mặt với những gì đang diễn ra ở các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là mối đe dọa ngày càng tăng của tổ chức khủng bố IS đối với nền an ninh toàn cầu.
Chỉ riêng tại Syria từ năm 2011 tới nay, có ít nhất 122 nhà báo, phóng viên chiến trường đã thiệt mạng. Không có các phương tiện che chắn, bảo vệ như mũ, áo chống đạn nhưng luôn phải tác nghiệp trong cùng môi trường với những người lính. Họ cũng chẳng được đào tạo bài bản về cách đối phó với những tình huống có thể đe dọa mạng sống của bản thân.
Thứ duy nhất mà những phóng viên có trong tay là chiếc máy ảnh, máy quay phim và cây bút, quyển sổ, cùng với đó là niềm tin những gì họ đang làm ở một quốc gia xa lạ là rất đáng để bỏ công sức. Có thể nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu vì sao người ta lại sẵn sàng mạo hiểm mạng sống chỉ để viết về những câu chuyện đang diễn ra trong cuộc chiến. Có người còn nói rằng chỉ có những kẻ điên mới lao đầu vào chốn mưa rơi, đạn lạc. Nhưng đối với những phóng viên chiến trường, họ biết rằng, bản thân đang làm việc vì niềm tin, vì đam mê và vì sự thật.
Các nhà báo, phóng viên chiến trường không phải những người lính, nhưng công việc của họ cũng chẳng kém phần quan trọng so với những người cầm súng. Họ tìm kiếm sự thật và cho công chúng biết sự thật đó, bởi vì đó là quy tắc số một đối với những người làm báo.
Nữ nhà báo tự do Francesca Borri. |
Nói tới đây, không thể không nhắc tới Francesca Borri, một nữ nhà báo tự do người Italy đã từng làm việc ở Syria. Cô từng rất nổi tiếng vào thời điểm những năm 2013 với bài viết trên tờ Columbia Journalism Review kể lại quá trình tác nghiệp khiến cô mắc kẹt tại chiến trường Syria.
Mô tả về sự khốc liệt của chiến tranh, cô nhớ lại: “Lần đầu tiên tác nghiệp ở chiến trường, tôi gần như không thể chấp nhận thực tế về sự xuất hiện của những lưỡi lê tưởng như chỉ có trong các cuốn sách lịch sử. Giữa thời đại của tác chiến công nghệ cao và máy bay không người lái, người ta lại đang chiến đấu, tranh giành từng mét đất, trên từng con phố. Thực tế ấy rất đáng sợ”.
Đánh đổi cả sinh mạng
“Chúng tôi đánh đổi mạng sống của bản thân để lên tiếng cho những người không thể cất tiếng nói. Chúng tôi đã chứng kiến những cảnh tượng mà hầu như không ai thấy bao giờ. Chúng tôi là nhân vật chính của những câu chuyện trên bàn ăn, là khách quý mà chủ nhà nào cũng muốn mời tới”, nữ nhà báo chia sẻ về nghề nghiệp.
“Hai năm trôi qua, các độc giả gần như chẳng nhớ Damascus ở đâu. Một cách bản năng, cả thế giới nghĩ về Syria như “một bãi chiến trường”, bởi họ chẳng hiểu gì về Syria”, Francesca Borri viết.
Nhưng cuối cùng, sau tất cả những cảm xúc đó, dù những nỗ lực của bản thân có thể không được đối xử một cách xứng đáng nhưng nữ nhà báo Borri vẫn quyết tâm không bỏ cuộc, bởi cô là một nhà báo chiến trường, dám đương đầu để tìm và nói ra sự thật.