Làn sóng của “những nhà giàu mới nổi”
Có thể thấy rằng, việc nhiều nước phương Tây lo ngại và tìm cách ngăn chặn người Trung Quốc đầu tư vào nước mình phản ánh một hiện thực phức tạp, vừa là động thái chính trị, vừa thể hiện tinh thần kiêu hãnh của quốc gia, vừa bộc lộ thái độ bài ngoại, chống lại sự khuếch trương của những “nhà giàu mới nổi” đến từ Trung Quốc.
“Ấn tượng chung là Trung Quốc đang nổi lên trên mọi mặt trận và vấn đề là làm thế nào để đối phó. Hầu hết các quốc gia đều chưa biết phải làm sao cho hợp lẽ” - nhận xét của chuyên gia Philippe Le Corre tại Trường Harvard Kennedy.
Mỹ là quốc gia có thái độ cứng rắn nhất đối với Trung Quốc. Trung tuần tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định chặn một thương vụ sáp nhập trong lĩnh vực công nghệ cao giữa Công ty Broadroom đặt tại Singapore với Qualcomm của Mỹ. Lý do của sự can thiệp này được cho là vì nước Mỹ lo ngại vụ sáp nhập, trong đó Broadroom mua lại Qalcomm, có thể đặt lợi thế vào tay các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc.
Để kiểm soát chặt chẽ các dự án mua bán, sáp nhập và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Mỹ đã thành lập Ủy ban Kiểm soát đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS). Dựa trên cơ sở “an ninh quốc gia”, ủy ban này có quyền chặn các dự án đầu tư, mua bán sáp nhập, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài mua công ty Mỹ và thời gian qua đã chặn một số dự án có dính líu đến người Trung Quốc.
Châu Âu khởi sự chậm hơn Mỹ. Năm 2017, cựu lục địa mới bàn tính tìm biện pháp ngăn chặn người Trung Quốc đầu tư. Đức, Pháp và Italia đã kêu gọi thiết lập một cơ chế áp dụng toàn châu Âu để kiểm tra chặt chẽ hơn các vụ sáp nhập với nước ngoài. Bước đầu tiên để hiện thực hóa cơ chế này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề xuất xây dựng một khu kiểm soát để sàng lọc các dự án đầu tư từ các công ty nước ngoài.
Nghị viện Đức cũng đã thông qua một luật cho phép kiểm tra kỹ các giao dịch đầu tư trên cơ sở an ninh quốc gia nếu một nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần vượt quá 25%.
Châu Âu cũng chung nỗi lo như Mỹ, đó là lo các công nghệ tiên tiến của mình rơi vào tay người Trung Quốc. Nỗi lo ngại này bắt đầu tăng lên kể từ sau vụ một công ty Trung Quốc mua lại Công ty Kuka, nhà sản xuất robot lớn nhất và tiên tiến nhất của Đức. Nỗi lo càng lớn hơn khi Trung Quốc gia tăng đầu tư vào ngành đường sắt, cảng biển và nhiều cơ sở hạ tầng chiến lược khác khắp vùng Nam và Trung Âu.
Nhật Bản, Anh, Australia được cho là những nước quyết liệt hơn hẳn trong các biện pháp ngăn chặn dòng đầu tư Trung Quốc. Australia không chỉ có nỗi lo Trung Quốc thâu tóm những mảng kinh tế quan trọng, nước này còn một nỗi lo lớn khác đó là khi các nhà đầu tư, doanh nhân Trung Quốc hiện diện khá nhiều ở đất nước chuột túi đã kéo theo tệ nạn tài trợ, hối lộ chính khách, lũng đoạn chính trường gây rối ren cho đất nước.
Năm 2015, Chính phủ Australia đã củng cố các quy định về mua bán sáp nhập có yếu tố nước ngoài, bắt buộc phải được sự đồng ý của Hội đồng Giám sát quốc gia nếu một nhà đầu tư nước ngoài mua tài sản nông nghiệp trị giá 15 triệu USD trở lên. Canberra cũng đã chặn một số công ty Trung Quốc xin đầu tư vào ngành điện.
Dây chuyền sản xuất tại một nhà máy của Công ty Kuka chuyên sản xuất robot lớn nhất nước Đức. |
Nhường bên này, né bên kia
Tuy nhiên, tìm cách ngăn cản người Trung Quốc đầu tư là việc không đơn giản, đó là một thách thức lớn về chính sách, với nhiều trở ngại cần phải xem xét. Các chính phủ ở châu Âu không muốn làm mất lòng Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay, khi mà họ cần thúc đẩy để hàng hóa của mình xâm nhập tốt hơn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, dù e ngại người Trung Quốc thâu tóm tài sản, nhưng các công ty châu Âu vẫn mong ngóng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc nhiều hơn.
Trong nội bộ các quốc gia châu Âu cũng đang chia rẽ quanh chuyện tiếp nhận hay không tiếp nhận sự đầu tư của Trung Quốc. Vừa nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngay lập tức bắt tay thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh vì Trung Quốc đang là thị trường quan trọng nhất của hãng xe Volkswagen của Đức.
Trong khi đó, Hy Lạp, Hungary và các quốc gia nghèo hơn ở Nam và Trung Âu từng được Trung Quốc cứu giúp trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 10 năm qua là những nước phản đối chính sách siết chặt kiểm soát đầu tư nước ngoài vì những nước này lo sợ bị mất đi nguồn tài chính dồi dào từ Trung Quốc. Sự bất đồng này khiến Chủ tịch EC Juncker phải hết sức thận trọng trong đề xuất sàng lọc dự án đầu tư.
Chính vì phải nhường bên này, né bên kia nên kế hoạch kiểm soát đầu tư của ông Juncker bị cho là “hổ không có răng”. Cụ thể, kế hoạch chủ yếu chỉ yêu cầu các nước thành viên EU thông báo cho Brussels về các giao dịch đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những dự án có thể ảnh hưởng đến an ninh của một quốc gia khác. Cho đến nay, mới có 12 trên 28 nước thành viên EU xây dựng xong cơ chế sàng lọc.
Không chỉ yếu về biện pháp kiểm soát, kế hoạch của EU còn bị xem là lạc hậu, không bắt kịp với chiến lược đầu tư đầy sáng tạo của các nhà đầu tư Trung Quốc. Tháng 2-2018, Chính phủ Đức đã bị “thủng lưới” sau khi nhà đầu tư giàu có Li Shufu, Chủ tịch Tập đoàn ôtô Geely của Trung Quốc, thâu tóm số cổ phần trị giá 9 tỉ USD, trở thành cổ đông lớn nhất trong tập đoàn xe hơi Daimler của Đức.
Ông Li được cho là đã dùng thủ đoạn tinh vi để phù phép các giao dịch tài chính một cách tài tình, đến khi mọi người phát hiện thì chuyện đã rồi. Năm 2017, Daimler từng từ chối đề nghị mua cổ phần từ một công ty Trung Quốc, nhưng lần này, ông Li dùng kế che mắt nên đã thành công.