Năm 2017, Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sharif Al-Emadi khẳng định quốc gia vùng Vịnh quyết tâm chuẩn bị hoàn hảo cho World Cup 2022, trước khi người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đổ về Trung Đông.
Ngay sau đó, ông tiết lộ Doha đã chi khoảng 500 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng cho giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.
Máy bay phản lực Eurofighter Typhoon do BAE Systems sản xuất bay trình diễn tại Triển lãm hàng không Farnborough, tây nam London ngày 24/7/2004. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Liên quan vấn đề an ninh, Qatar sẽ thuê các sĩ quan cảnh sát nước ngoài để ngăn chặn và đấu tranh với các cổ động viên quá khích (hooligan) và khẳng định World Cup 2022 sẽ là kỳ Cúp thế giới an toàn nhất từ trước đến nay. Qatar đã mua một loạt tiêm kích Eurofighter Typhoon do Anh sản xuất, với tổng giá trị lên đến 8 tỷ USD, để đảm bảo an ninh trong suốt thời gian World Cup.
Từ nay đến khi World Cup 2022 bắt đầu, Qatar còn khoảng 4 năm rưỡi để chuẩn bị. Đến nay, họ đã đạt được những kết quả nhất định. Trong số 8 sân vận động nước này dự kiến xây mới hoặc cải tạo cho Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới, sân vận động quốc tế Khalifa sẽ được khánh thành và là nơi diễn ra giải vô địch điền kinh thế giới vào năm tới.
Hai sân vận động khác là Al-Wakrah và Al-Bayt dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay và chính thức khai trương đầu năm 2019. Mọi bước chuẩn bị cũng đang được đẩy nhanh tại dự án sân vận động Lusail, nơi dự kiến tổ chức trận mở màn và chung kết World Cup 2022.
Có thể nói, nước chủ nhà Qatar đã giúp các đội tuyển tham dự giải đấu tiết kiệm đáng kể sức lực để di chuyển khi khoảng cách lớn nhất giữa các sân vận động chỉ là 55 km.
Trong 13 tháng qua, kể từ khi Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng các đồng minh quyết định "đóng băng" quan hệ ngoại giao với Qatar, nước chủ nhà World Cup 2022 vẫn thể hiện ý chí kiên cường. Lệnh cấm vận, có hiệu lực kể từ ngày 5/6/2017, đã khiến nguồn cung vật liệu xây dựng từ Saudi Arabia và UAE bị cắt đứt, nhưng ngay lập tức, Doha đã tìm được nguồn thay thế bằng cách nhập khẩu từ Malaysia và Trung Quốc. Những con đường mới, khách sạn, viện bảo tàng, khu phố, thậm chí cả một thị trấn - bao gồm thành phố mới ven biển Lusail trị giá 45 tỷ USD - đã được xây dựng để phục vụ cho World Cup. Hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên của Doha có tổng giá trị lên đến 36 tỷ USD dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2019.
Nhà chức trách Qatar ước tính sẽ có khoảng 1,5 triệu người hâm hộ sẽ đến nước này để tham dự ngày hội bóng đá toàn cầu và họ sẽ được đón tiếp với sự kết hợp giữa các khách sạn, các dịch vụ của Airbnb, các lều trại, thậm chí là các du thuyền hạng sang trên Vịnh Persic.
Doha sẽ tiếp tục thực hiện các công việc cần thiết sau khi một số nhà bình luận cho rằng họ sẽ không thể đáp ứng đủ số phòng khách sạn cho một kỳ World Cup. Theo quy định của FIFA, mỗi nước chủ nhà phải có ít nhất 60.000 phòng khách sạn để đón tiếp các đội bóng và du khách.
Các khu vực dành cho người hâm mộ xem bóng đá qua màn hình lớn (fanzone) sẽ được hình thành theo quy định của nhà chức trách, kèm theo các dịch vụ ăn uống cần thiết để phục vụ du khách. Chính quyền Qatar cũng đã tính đến phương án nới lỏng lệnh cấm mua bán và uống rượu bia để người hâm mộ được thoải mái hơn. Bên cạnh đó, nước chủ nhà cũng đã tính toán phương án sử dụng đảo Kish làm nơi tập trung cho các đội tuyển và quyết định sẽ được đưa ra sau khi số lượng đội tham dự World Cup 2022 được FIFA chốt 32 hay 48 đội tuyển.
Như vậy, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do khủng hoảng chính trị, nhưng với tiềm lực tài chính dồi dào, đến nay nước chủ nhà Qatar đã hoàn thành được một khối lượng công việc đáng kể, dần cụ thể hóa cam kết về một kỳ World Cup ấn tượng tại Trung Đông.