“Quái điểu” F-22 đến Trung Đông sau khi Iran tấn công Israel
Lầu Năm Góc thông báo Không quân Mỹ điều thêm loạt chiến đấu cơ trong đó có tiêm kích tàng hình F-22 Raptor cùng hàng nghìn nhân sự tới Trung Đông như một động thái ủng hộ đồng minh Israel, giữa lúc căng thẳng leo thang.
Theo Việt Hùng/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Mỹ luôn sát cánh cùng đồng minh Israel. Khi tình hình địa chính trị khu vực này trở nên ngày càng căng thẳng, Washington đã điều động loạt chiến đấu cơ trong đó có cả tiêm kích tàng hình F-22 tới hỗ trợ đồng minh.
"Chúng tôi sẽ mở rộng một số đơn vị đã được triển khai tại Trung Đông. Lực lượng luân chuyển sắp tới khu vực này đã được bổ sung", phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh ngày 30/9 cho biết.
Theo bà Singh, khí tài tăng cường cho các đơn vị Mỹ đóng quân tại Trung Đông gồm tiêm kích F-15E, F-16, tiêm kích tàng hình F-22, cường kích A-10 cùng vài nghìn nhân sự đi cùng.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cơ quan phụ trách hoạt động tại Trung Đông, sau đó cho biết ba phi đoàn F-15E, F-16 và A-10 bổ sung đang trên đường tới khu vực, một phi đoàn đã đến nơi. Mỗi phi đoàn có 12-24 máy bay.
Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông trong lúc tình hình khu vực leo thang sau loạt sự kiện, trong đó có vụ hạ sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cuối tuần trước, Israel điều lính dù cùng biệt kích tiến vào miền nam Lebanon và mới nhất là vụ Iran vừa phóng tên lửa đạn đạo tập kích Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ngày 1/10 điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin để thông báo về "các cuộc đột kích khoanh vùng mục tiêu trên bộ".
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đêm 1/10 thông báo tiến hành chiến dịch "Lời hứa Đích thực 2" nhắm vào ba căn cứ quân sự Israel gần thành phố Tel Aviv gồm sân bay Nevatim, Tel Nof và Hatzerim, khẳng định 90% tên lửa "đã đánh trúng mục tiêu".
Theo ước tính của quân đội Israel, Iran đã phóng khoảng 180 tên lửa đạn đạo trong chiến dịch này. Có hai người Israel bị thương vì mảnh vỡ tên lửa ở Tel Aviv và một dân thường Palestine thiệt mạng vì mảnh vỡ ở Jericho.
Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari khẳng định không quân nước này "vẫn đảm bảo năng lực hoạt động bình thường và sẽ tiếp tục không kích quyết liệt ở Trung Đông". Ông cảnh báo Iran đã "phạm sai lầm nghiêm trọng" và đang khiến xung đột Trung Đông leo thang.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo Iran sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng khi trực tiếp tập kích Israel để đáp trả việc quân đội nước này tấn công Hezbollah, nhóm vũ trang mà Tehran hậu thuẫn.
Hiện Mỹ đang có sẵn một số chiếc F-22 đóng tại các căn cứ của Mỹ khắp Trung Đông, việc điều động thêm lần này nhằm sẵn sàng cho kịch bản xung đột leo thang.
F-22 mang biệt danh Raptor nghĩa là “Chim ăn thịt”, nó có chuyến bay đầu tiên vào năm 1997, chính thức đi vào biên chế năm 2005, và lần thực chiến đầu tiên là nhiệm vụ phá hủy bộ chỉ huy của quân khủng bố IS vào năm 2016.
F-22 Raptor sở hữu những công nghệ đỉnh cao trong lĩnh vực quân sự như: có khả năng tàng hình, có thể bay hành trình với vận tốc siêu âm mà không cần đốt tăng lực động cơ lần 2.
Dòng chiến đấu cơ tàng hình này cũng được trang bị một radar mảng pha chủ động tiên tiến thế hệ mới mạnh nhất thế giới hiện nay.
Hiện tại Mỹ có 187 chiếc trong biên chế, theo các chuyên gia quân sự, sức mạnh và hiệu năng chiến đấu của một chiếc Raptor có thể cao hơn 4 đến 5 lần máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4.
Điều này đồng nghĩa là một chiếc F-22 Raptor có thể đối đầu và giành thắng lợi trong không chiến với 4 chiếc tiêm kích thế hệ thứ 4 (MiG-29, Su-27, Su-30, Su-35...) một lúc.