Tháng 3-1833, vua Minh Mạng thiết lập cửa ải trên núi Hoành Sơn nhằm kiểm soát dân chúng, phòng kẻ gian qua lại, nên gọi với cái tên là "Hoành Sơn Quan" - người địa phương quen gọi là "Cổng Trời". Khách bộ hành dọc đường thiên lý Bắc - Nam phải qua duy nhất cảnh cổng này.
Từ hướng Hà Tĩnh đi lên, có 1.000 bậc thang bằng đá lên xuống, xưa được quan quân nhà Nguyễn xẻ núi tạo thành, lên đỉnh thì thấy Cổng Trời. Ngày nay trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch ghé thăm, chụp hình.
Cổng có cửa cao 4m, hai bên có tường thành chạy dài, trên cổng đắp nổi ba chữ "Hoành Sơn quan". Di tích này có kiến trúc thành lũy được còn khá nguyên vẹn là chứng tích hùng hồn về những thăng trầm của lịch sử, với vẻ trầm mặc, cổ kính, rêu phong.
Được đánh giá là công trình có giá trị đặc biệt quan trọng trong lịch sử, nhưng Hoành Sơn Quan đang ngày một bị lãng quên, xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, phía trong cổng chi chít những hình vẽ, chữ viết, chữ ký được tẩy xóa trong rất nhem nhuốc; nạn bôi bẩn khiến diện mạo di tích trở nên biến dạng.
Theo ghi nhận, nằm trong hệ thống di tích, nhưng dấu tích thành cổ chỉ còn là tường thành rêu phong, chẳng ai chăm sóc nên xung quanh cây cối mọc um tùm, hoang phế.
Xung quanh Cổng Trời, nhiều hạng mục dần trở nên xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích...
Đáng nói, ngay sát di tích, khoảng 7 năm trước, người dân còn tự ý xây 1 cái miếu lớn xâm phạm di tích, nhưng đã bị Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình phát hiện, đập bỏ. Tại ngôi miếu này còn tồn lại phần móng, 1 cái am thờ, thi thoảng có đoàn người đến thắp hương, khấn bái.
Hoành Sơn Quan nhìn từ trên cao
Từ Hoành Sơn Quan nhìn ra phía Hà Tĩnh
Theo tìm hiểu, Hoành Sơn Quan được cả UBND tỉnh Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa thuộc tỉnh mình. Tháng 8-2002, Quảng Bình đã xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến tháng 3-2005, Hà Tĩnh cũng công nhận là di tích cấp tỉnh mình.
Cả 2 tỉnh cũng đều đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận là di tích quốc gia nhưng đều không được chấp nhận, lý do là tranh chấp...Năm 2002, Sở VH-TT-DL của 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình khi ấy đã tổ chức các cuộc họp bàn nhằm "hòa giải" vụ tranh chấp Hoành Sơn Quan. Tuy nhiên, phía Hà Tĩnh lại đưa ra bản đồ ranh giới mới khẳng định di tích thuộc về tỉnh họ, phía Quảng Bình cương quyết không đồng ý.
Bộ VH-TT-DL gợi ý 2 tỉnh làm hồ sơ chung nhưng không tỉnh nào chịu... Từ ấy đến giờ, Hoành Sơn Quan bị chia làm 2, mặt bắc Hà Tĩnh quản lý, phía Nam thì Quảng Bình quản lý, thế nên công tác bảo vệ di tích gặp nhiều khó khăn và lâm cảnh "Cha chung không ai khóc".