Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Ảnh: REUTERS |
“Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG)” - liên minh gồm những nghị sĩ của chính phủ dân sự trước chính biến, thành viên các nhóm vũ trang thiểu số và những nhân vật trong phong trào biểu tình phản đối chính quyền quân sự - cho rằng "việc giải thể NLD là một âm mưu quân sự nhằm bám lấy quyền lực".
"Thông báo về việc ủy ban bầu cử của chính quyền quân sự đang cấm đảng NLD là một nỗ lực phi dân chủ trắng trợn nhằm kéo dài sự cai trị của quân đội bất chấp sự phản đối của nhân dân" – Tiến sĩ Sasa, người phát ngôn của NUG, cho biết.
Quân đội Myanmar hôm 1-2 đã bắt giữ bà Suu Kyi cùng các lãnh đạo đảng NLD cầm quyền với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020, sau đó lên nắm quyền và tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm trên cả nước.
Tình hình chính biến tại Myanmar ngày càng căng thẳng khi làn sóng biểu tình ngày càng lan rộng trong nhân dân phản đối chính quyền quân sự, khiến lực lượng an ninh phải sử dụng nhiều biện pháp mạnh để đối phó.
Theo Hiệp hội Tù nhân Chính trị, đến nay, Myanmar đã ghi nhận hơn 800 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình và gần 5.000 người bị bắt giữ.
Chính biến Myanmar cũng đã khiến các nước láng giềng của quốc gia này cũng như cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các tướng lĩnh có ý định thỏa hiệp với phong trào ủng hộ dân chủ.
Nhật, nước viện trợ hàng đầu cho Myanmar, đã đình chỉ tất cả viện trợ mới sau khi bà Suu Kyi bị bắt.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 21-5, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi cảnh báo về khả năng đóng băng toàn bộ viện trợ của Tokyo dành cho Myanmar.
"Chúng tôi không hề muốn làm vậy, nhưng buộc phải nói rõ rằng sẽ rất khó để tiếp tục với tình hình như hiện nay. Là một quốc gia ủng hộ quá trình dân chủ hóa Myanmar theo nhiều cách, và với tư cách một bằng hữu, chúng tôi phải đại diện cho cộng đồng quốc tế và truyền đạt thông điệp một cách rõ ràng" - ông Motegi cho biết.