Theo tờ Izvestia, các công ty trúng thầu của Bộ Quốc phòng trong hai năm tới sẽ tiêu huỷ toàn bộ lựu đạn F-1 còn trong kho (được lính Nga gọi là “quả chanh”) dưới sự giám sát của cơ quan Rosoboronzakaz.
“Như vậy là nhiều hơn trước đây, bởi vì khi đó một phần đạn dược đã được huỷ ở đơn vị bằng cách cho nổ, còn bây giờ đã chuyển sang tiêu huỷ công nghiệp. Các tổ chức khác nhau của công nghiệp sử dụng các phương pháp và biện pháp tiêu huỷ khác nhau. Lựu đạn đã hết thời hạn sử dụng, và phải loại bỏ chúng. Việc cất giữ chúng nguy hiểm, bởi vì một số lựu đạn F-1 không nhồi thuốc nổ trotil, mà dùng trinitrofenol, một chất không bền vững và dễ phát nổ”, đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Lựu đạn cầm tay F1 - "quả chanh chết người". |
Lựu đạn F-1 nổi tiếng đã bị đưa ra khỏi trang bị gần 25 năm trước, thay cho chúng là lựu đạn RGO. Theo Đại tá Tổng cục Tình báo Quốc phòng (GRU) đã xuất ngũ, người từng tham gia cuộc chiến tranh lần thứ nhất ở Chechnya cho biết, F-1 là vũ khí luôn rất khó dự đoán và không nên luyến tiếc nó.
“3 trong 10 trường hợp chắc chắn lựu đạn này không nổ để tạo thành mảnh, mà chỉ xoè ra như bông hoa hồng do tính chất của kim loại. Thay cho nó là một loạt lựu đạn tốt, ví dụ RGO và RGN có chung ngòi nổ. Một vài tướng lĩnh có thể nói là loại lựu đạn này có hiệu quả, là ông cha ta đã dùng nó chiến đấu, nhưng ông cha ta đã từng dùng cả RGD-42 (lựu đạn chày, được cải tiến từ các loại kém hơn EGD-33, EG-41) và sử dụng một thời gian dài kể từ năm 1942”, cán bộ ngành vũ khí cho biết.
Ông này nói thêm, 5 năm trước Bộ Quốc phòng đã đưa ra vấn đề tính không hiệu quả của loại vũ khí này và nhận định, ở Belarus vấn đề tiêu huỷ đạn dược được tổ chức tốt hơn cả 10 lần, có cả những nhà máy chuyên trách và điều kiện làm ăn công khai minh bạch hơn.
Phó Tiến sĩ Khoa học Quân sự Alexander Sharavin cùng nhận định triển vọng hợp tác lớn với Belarus về tiêu huỷ đạn dược đã hết hạn sử dụng.
“Nếu chúng ta không đủ sơ sở để tiêu huỷ vũ khí, nhất là đạn dược, thì phải chuyển nó đi, đã có biết bao nhiêu phàn nàn về giới quân nhân vì họ dùng lực lượng của mình tiêu huỷ đạn dược bằng phương pháp cho nổ và gây không ít thương vong. Công nghiệp, các ngành sản xuất công nghệ cao phải làm việc này, đây là việc cần trình độ chuyên nghiệp để đảm bảo an toàn. Khi các chiến sĩ nghĩa vụ phải làm việc tiêu huỷ đạn dược thì làm sao có được sự an toàn kia chứ. Tôi nghĩ cách làm đúng là công nghiệp phải phụ trách sản xuất và tiêu huỷ đạn dược”, ông Sharavin nói.
Chuyên gia này tin chắc là lựu đạn “quả chanh”, bất chấp đến nay không được sử dụng nữa, đã để lại kinh nghiệm tốt cho lựu đạn thế hệ tương lai, ông cũng nhận định là F-1 đã chiếm vị trí xứng đáng trong lịch sử.
“Lạy chúa là F-1 được mang đi tiêu huỷ, nó đã không chỉ hao mòn vô hình, do cất giữ lâu ngày nhiều lựu đạn đã không dùng được nữa. Còn trong vũ khí thì bao giờ người ta cũng tính đến cái gì đã từng có đến lúc này, không phải ngẫu nhiên mà các mẫu vũ khí mới có khi giống những mẫu cũ, sự giống nhau này chả có gì đáng sợ. Trọng lượng chất nổ có thể ít hơn, mà bán kính sát thương lại lớn hơn. F-1 sẽ có vị trí xứng đáng trong các bảo tàng quân sự. Nhất định nó sẽ có mặt tại đó, trang bị kỹ thuật không phải lúc nào cũng được trưng bày ở bảo tàng, còn lựu đạn, tất nhiên, có thể”, Aleksandr Sharavin nói.
Việc tiêu hủy 365.681 quả lựu đạn F1 sẽ giúp ngành luyện kim Nga "thu lời" 182,8 tấn gang. |
Ở Viện luyện kim bột Belarus, nơi tiêu huỷ lựu đạn F-1, họ tiết lộ cho tờ Izvestia là công nghệ đã được thử nghiệm tốt và hoàn toàn an toàn, chỉ có các cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc này.
“Đạn dược được tiêu huỷ bằng cách rửa bằng nước và paraphin - thuốc nổ trotil sẽ được cuốn trôi ra. Nó có thể được dùng làm thuốc nổ công nghiệp hoặc sẽ mang đi đốt. Còn phương pháp đơn giản nhất là phá nổ trong lò bọc thép. Cho dù hiệu quả hơn là tháo rời lựu đạn trong buồng bọc thép: tháo ngòi nổ, lấy thuốc nổ ra, còn vỏ đúc thì mang đi nấu lại”, cán bộ viện này nói.
Phó Giám đốc Công ty NPP Samaravzryvtehnologiya - cơ sở có khả năng tiềm tàng sẽ tiêu huỷ lô lựu đạn này, ông Yuri Zhelunitsyn thông báo, dù đã có những quy tắc mới về sử dụng các sản phẩm sau tiêu huỷ, chất nổ của lựu đạn không thể được dùng tiếp, chỉ có gang là có thể sử dụng lại được.
“Hiện nay tiêu huỷ là tháo đạn dược và nhận lấy các sản phẩm thu hồi để tiêu thụ trong nền kinh tế quốc dân. Trong lựu đạn F-1 có khoảng nửa cân gang, lấy thuốc nổ trotil ra rất khó, và chỉ có khoảng 50 gam chất nổ, người ta thường đốt nó, còn gang thì mang nấu lại”, Yuri Zhelunitsyn nói.
Tổng cộng các xí nghiệp Nga sẽ phải tiêu huỷ 365.681 quả lựu đạn F1, như vậy ngành luyện kim sẽ nhận được 182,8 tấn gang. Giá để tiêu huỷ một quả lựu đạn do những tổ chức sẽ làm xác định, dao động trong khoảng 31-372 Rub. Để thực hiện công việc này trong các năm 2014-2016 ngân sách liên bang dành một khoản kinh phí là 4,8 triệu Rub.