Do xe thiết giáp BTR-152 đã qua nhiều năm sử dụng, đến nay không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện và cơ động, nên Bộ tư lệnh Quân khu 2 đã chỉ đạo tập trung cải tiến, lắp động cơ diesel thay cho động cơ xăng trước đây, lắp ly hợp, hộp số mới; chuyển đổi hệ thống lái sang trợ lực thủy lực; lắp hệ thống tín hiệu, đèn, còi ưu tiên, gương chiếu hậu; nâng cấp hệ thống truyền lực, phanh, treo chạy, nóc xe; sửa chữa nâng cấp thân xe, gạt mưa, cứu hỏa, thông gió, thông tin, ghế đệm, bơm lốp; bảo dưỡng đồng bộ, thay dầu, mỡ các cụm.
Sau cải tiến, nâng cấp xe đã được hoạt động thử nghiệm ở các loại đường khác nhau, đặc biệt đã được thử nghiệm trong huấn luyện ở thao trường và thực hiện nhiệm vụ cơ động. Qua hoạt động, xe đều có tình trạng kỹ thuật tốt, các cụm, hệ thống trên xe đồng bộ hoạt động ổn định...
Hội đồng nghiệm thu cải tiến kỹ thuật Quân khu 2 đã tiến hành nghiệm thu cải tiến, nâng cấp xe thiết giáp BTR-152. |
Qua trực tiếp kiểm tra và tổ chức cho xe chạy ở các địa hình khác nhau, Hội đồng nghiệm thu cải tiến kỹ thuật Quân khu 2 đánh giá cao kết quả và chất lượng các nội dung nâng cấp, cải tiến của xe BTR-152 và nhất trí cho xe đi vào hoạt động phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
BTR-152 là dòng xe bọc thép chở quân bánh lốp do Cục thiết kế BM Fitterman (Liên Xô) nghiên cứu phát triển từ cuối những năm 1940. Mẫu xe này được sản xuất với số lượng khoảng 15.000 chiếc trong giai đoạn 1950-1962. Việt Nam nhận được những chiếc BTR-152 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Xe bọc thép BTR-152 dài 6,55m, rộng 2,32m, cao 2,40m và nặng 9,91 tấn. Xe được chế tạo động cơ nằm trước, tiếp đó tới cabin và khoang chở quân.
Xe bọc giáp dày 9-15mm để chống loại đạn súng máy hạng nhẹ, mảnh đạn pháo. Tuy nhiên lớp giáp này khó chống lại đạn súng máy hạng nặng, chưa nói tới vũ khí chống tăng chuyên dụng.
BTR-152 có thể chở tới 18 binh lính cùng trang bị. Binh sĩ ra vào xe bằng cách leo qua nóc xe hoặc đi cửa sau.