Quặn lòng chứng tích tội ác của Pol Pot tại Nhà mồ Ba Chúc
40 năm sau khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot kết thúc, một ngôi nhà mồ đã được dựng lên chứa 1.159 bộ hài cốt thường dân đã bị sát hại dã man.
Theo Minh Sơn - Sơn Bách/Vietnamplus
Xem toàn bộ ảnh
40 năm sau khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot kết thúc, một ngôi nhà mồ đã được dựng lên chứa 1.159 bộ hài cốt thường dân đã bị sát hại dã man. Cách thị trấn Châu Đốc hơn 40 km về phía Tây Nam, Nhà mồ Ba Chúc mang vẻ trầm lặng bao trùm lên những chứng tích đau thương còn lại thời kỳ diệt chủng Pol Pot. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).
Ngày 18 tháng 4 năm 1978, Pol Pot tràn vào Ba Chúc, thẳng tay chém giết những dân thường vô tội. Chỉ trong vòng 12 ngày đêm, hơn 3.000 thường dân đã bị hành quyết dã man. Chỉ có duy nhất 3 người còn sống sót sau vụ thảm sát ấy. Năm 1979, chính quyền và nhân dân An Giang đã xây dựng tại đây một quần thể chứng tích tội ác của Pol Pot, bao gồm 7 hạng mục: nhà mồ, bia căm thù, nhà truyền thống, nhà thủy tạ, hồ sen, nhà khách và vòng rào. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khu nhà mồ tĩnh lặng có hình lục giác, mỗi góc là một trụ cột đỡ mái nóc nhà bằng hình tượng bàn tay cầm chuôi kiếm đẫm máu. Chính giữa là khung hộp kiếng 8 cạnh bằng nhau, chứa đựng 1.159 xương cốt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết hoặc xé đôi người, nắm hai chân đập đầu vào gốc cây. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Xương cốt của các nạn nhân được phân chia theo độ tuổi từ trẻ đến già. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nằm cách đó không xa là khu nhà Trưng bày chứng tích tội ác của Pol Pot. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nơi đây lưu giữ những công cụ mà Pol Pot đã dùng để tàn sát người dân Ba Chúc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong ảnh là cây dùi gỗ mà Pol Pot dùng để đập vào đầu, tàn sát người dân Ba Chúc. Dấu vết của những cuộc hành hình năm xưa giờ vẫn còn vẹn nguyên ở những vết chày xước ăn sâu vào đầu chiếc dùi đen đúa ấy. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lưỡi lê - một công cụ hành quyết khác hiện đại hơn nhưng cũng không kém phần man rợ (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chùa Phi Lai nằm ngay dưới chân núi Tượng, quả núi nằm trọn trong lòng thị xã Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang). Ngày 18/4/1978, Pol Pot tràn vào bao vây chùa Phi Lai và một cuộc hành quyết kinh thiên động địa đã diễn ra tại ngôi chùa này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bức tường dài đến hơn chục mét loang lổ những vết đỏ thẫm là những vết máu của đồng bào Ba Chúc trong cuộc thảm sát kinh hoàng khiến hơn 200 người dân thiệt mạng. Hơn 40 năm đã qua đi, nhưng dấu máu vẫn chưa thể phai mờ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)