Quê buồn

Quê buồn
- Về quê thấy đường sá trong thôn đang được sửa sang. Mấy bác nông dân đang rải đá trên đường phấn khởi khoe, làm đường trong chương trình nông thôn mới đấy. Nhà nước cho tiền xi măng, còn bà con góp tiền mua gạch, đá và bỏ công làm. Tốn kém một ít nhưng được con đường mới, sướng lắm. Nhưng bên thôn nhà ông ngoại tôi vẫn không sửa được đường vì dân không có cả tiền mua gạch, đá.

Ảnh rminh họa.
Ảnh rminh họa.

Quê ngoại tôi nổi tiếng với giống khoai lang vàng và bở tơi như đỗ xanh. Khi còn sống, ông tôi thường dặn, khi nào ông chết nhớ cúng cho ông khoai lang. Ngon là thế nhưng cũng không ai giàu được vì khoai lang. Về làng giờ thấy vắng teo. Người ta lũ lượt bỏ quê đi làm ăn khắp nơi, vào trong Nam, ra nước ngoài, lên miền núi... Chỉ còn mấy ông bà già và lũ trẻ con ở nhà. Và cái cảnh trẻ con cởi truồng, bụng ỏng, thò lò mũi xanh, ruồi bu quanh cả đám... mấy chục năm nay vẫn không thay đổi.

Có nhà đã thành nhà hoang, cỏ mọc lút sân vì người trẻ thì đi xa, người già thì đã khuất núi. Ngay cổng nhà ông bà tôi có một ngôi nhà đang xây dở từ mấy năm nay, mới xây được phần tường, chưa có mái. Lần đầu về nhìn thấy đã mừng vì gia đình ấy nghèo nhất làng, giờ xây được nhà như thế chắc là khá lắm. Nhưng mấy năm sau về vẫn thấy cái sự dở dang ấy. Thì ra con cái nhà họ đã vào Nam tìm việc, chỉ còn bà mẹ già ở nhà thì vẫn ở trong gian nhà cũ. Ngôi nhà mới xây mãi không xong, nhìn buồn hiu hắt hơn cả căn nhà lợp lá cũ.

Đất bao giờ cũng vẫn thế, may lắm thì chỉ có thể cho con người một cuộc sống đủ ăn nhưng vất vả chứ không giàu được. Còn con người thì lắm tham vọng quá. Nên người ta cứ bỏ đất mà đi, bỏ quê mà đi. Lên thành phố thì cũng làm thuê, buôn bán, gồng gánh nhọc nhằn, lắm bất trắc lắm. Nhưng, mấy năm nay thất nghiệp nhiều như thế, mà có mấy ai trở về. Chỉ đến khi chết họ mới không muốn chết ở nơi đất khách quê người mà muốn được nằm trên mảnh đất quê hương.

Đường làng đang làm mới đấy, nhưng cũng chưa đủ sức để kéo những người đi xa trở về.
Minh Anh
[links()]