Rắn cổ đại có khả năng tàng hình và có... chân dài
(Kiến Thức) - Kết quả phân tích ADN loài rắn cổ đại tiết lộ đó là loài săn mồi về đêm, sống trên đất liền và có chân dài.
Những khám phá mới về loài rắn cổ đại mới đây gây kinh ngạc cho các nhà khoa học. Theo đó, tổ tiên của loài rắn hiện đại có thể vẫn còn hai chân sau cho đến khoảng thời gian 110 triệu năm trước đây, lâu hơn hàng triệu năm so với các nghiên cứu trước đây nhận định.
|
Loài rắn cổ đại có chân dài và là loài săn mồi về đêm. |
Dựa theo kết quả phân tích ADN của loài rắn cổ đại, các nhà khoa học cho biết chúng là loài săn mồi về đêm, có khả năng tàng hình tài tình và chủ yếu nhắm mục tiêu vào các con mồi lớn.
Khám phá cũng giải quyết được cuộc tranh cãi bấy lâu nay về nguồn gốc của loài rắn, các nhà nghiên cứu cho biết có khả năng rắn cổ đại phát triển trên đất liền, thay vì dưới biển như suy nghĩ trước đây.
Công trình nghiên cứu về tổ tiên chung của loài rắn hiện đại được thực hiện bởi các nhà khoa học của Đại học Yale, Mỹ. Bác sĩ Allison Hsiang cho biết nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng tổ tiên chung gần nhất của tất cả các loài rắn đã nhắm mục tiêu vào các động vật ăn thịt sống về đêm, và tàng hình để săn mồi, có nhiều khả năng từng sống trong hệ sinh thái rừng ở Nam bán cầu.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu trên những loài rắn cổ nhất thế giới. Hóa thạch được tìm thấy của bốn con rắn cổ có niên đại khoảng 140 và 167 triệu năm tuổi mới được phát hiện hồi tháng 1/2014 có thể thay đổi cách chúng ta hiểu về nguồn gốc của loài rắn.
Nghiên cứu sinh Daniel Field, một thành viên nhóm nghiên cứu ĐH Yale cho biết họ nhận thấy rắn tách ra từ thằn lằn khoảng 128 triệu năm trước.
Hiện có hơn 3.400 các loài rắn còn sống trên Trái đất, nhưng thông tin về nguồn gốc và địa điểm mà loài rắn hiện đại xuất hiện vẫn còn là điều bí ẩn. Do đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ gen, giải phẫu các loài rắn hiện đại và tìm các thông tin mới từ các hóa thạch để tìm câu trả lời.