Việc nghĩa với người chết
Theo chân những người chuyên bốc mả thuê kiếm tiền, tôi đến bãi tha ma xã Nga Tân huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá để “mục sở thị” việc bốc mả cho người chết. Đêm tháng 11 trời rét căm căm. Ba người bốc mả là hai bố con ông Nguyễn Thành Nam và một người khác làm nghề này đã hơn chục năm nay quê ở Kim Sơn Ninh Bình, mang xẻng, mai ra tha ma theo sự chỉ dẫn của gia chủ. Công việc đầu tiên của họ là thắp đèn mangxông và đuốc làm bằng tre được tẩm dầu madút đốt hương “xin” người âm phủ để được đào mả.
Ông Nguyễn Thành Nam đang mò xương người từ khối nước đặc quánh trong hòm người chết. |
Bó hương được thắp lên cắm chung quanh phần mộ để những người thân của người quá cố khấn vái, bố con ông Nam liền cầm xẻng đào từng mảng đất hất ra hai bên. Hơn chục thép móng (khoảng 1,5 mét tính từ mặt đất sâu xuống lòng mộ) thì tới hòm. Ông Nguyễn Thành Nam luồn móc sắt, móc một đầu hòm, phía trên cột chặt vào một cây luồng, dùng sức bẩy đẩy hòm lên. Hai người kia dùng xẻng xúc đất chèn vào chỗ trống vừa bẩy.
Khi hòm được bẩy lên lưng chừng mặt đất, ông Nam mở nắp hòm và bắt đầu công việc “đặc biệt”. Giữa đêm đen, mùi hôi thối thịt xương của người chết chưa rữa hết xộc vào mũi. Chúng tôi vội né bằng cách đứng đầu gió. Không găng tay, không khẩu trang, đôi tay trần của ông Nam sục sâu dưới khối nước đặc quánh, đen sì mò xương người.
Ông xé từng mảng vải áo, quần chưa mục hết để lần từng đoạn xương nằm ngập sâu trong khối thịt người lùng nhùng. Mỗi khi mò được đoạn xương, ông lại ngửng đầu lên cười nói với lên “Đây là đoạn xương bả vai, đây là xương đốt chân của cụ…”. Ánh sáng của đèn mangxông, khói của ngọn đuốc tre tẩm dầu madút làm mắt ông cay sè. Ông vô tư đưa tay lên dụi mắt và gãi lên má mà không hề biết bàn tay ông đang chứa hàng triệu vi trùng độc hại xâm nhập vào cơ thể ông bất cứ lúc nào.
Sau hơn một giờ đồng hồ mò dưới hòm, ông Nam và người con trai đưa toàn bộ xương cẳng, xương đùi, xương tay, xương sườn và cuối cùng là xương sọ bày ra tấm nylon trải sẵn giữa bãi cỏ. Ông bắt đầu rửa xương người bằng nước vang đỏ. Theo quy định, hoa cái tức là sọ người được rửa trước, rửa kỹ ba lần nước và lau bằng khăn sạch, xương bên nào, để bên ấy kẻo lẫn lộn. Công đoạn tiếp theo là xếp xương vào tiểu sành. Tay ông Nam thoăn thoắt cầm xương sọ lên nhìn thẳng hốc xương mắt nói: “Con thay mặt cho gia đình dòng họ lau mặt cho cụ lần cuối, cụ yên nghỉ nơi chín suối và phù hộ cho con cháu làm ăn”, rồi đặt chính giữa phía trên cùng tiểu sành, tiếp sau đến xương vai, xương sườn và cuối cùng là xương đốt tay, đốt chân.
Xếp xương vào tiểu xong, những người bốc mả giao hài cốt cho gia đình hoặc đem hài cốt đặt vào “nhà mới”, tuỳ theo gia đình yêu cầu hay không. Trước khi giao tiểu cho gia đình, ông Nam lấy nước vang rửa tay, hơ vào lửa cho mất mùi, rồi giội qua một lần rượu. Quấn điếu thuốc lào, ông nói oang oang giữa bãi tha ma “người âm cho bố con tôi ăn lộc hơn chục năm nay. Nghề bốc mả đặc biệt linh thiêng, phải làm rất chu đáo và cẩn thận, tuyệt đối không có sự sai sót. Bên cạnh tiền công, kiếm sống, chúng tôi còn làm bằng tâm bằng đức và nghĩa cử đối với người đã chết”.
Việc nhân với người sống
Ở huyện Nga Sơn, Thanh Hoá có 6 xã trồng cói là Nga Thanh, Nga Thuỷ, Nga Tiến, Nga Liên, Nga Thái, Nga Tân. Phần lớn bãi tha ma ở các xã này ở gần bãi cói, hoặc vùng đất trũng thấp, nước bập bõm, sình lầy. Hễ có người chết, người dân lại mang họ ra “đồng” chôn. Cái “đồng” tha ma ấy cách nơi ở của dân xóm 8 xã Nga Tân chưa đầy 200 mét. Mùa nắng, từ bãi tha ma bốc mùi vô cùng khó chịu, còn mùa mưa nước ngập bãi tha ma và trong sân vườn, thậm chí trong nhà ở đều thành ao, còn đêm về từ bãi tha ma bốc lên những ngọn lửa (chất phốt pho từ mộ người chết bốc lên tự cháy) từ mả người chết mà dân cứ quen gọi là ma. Tất cả đời sống sinh hoạt, nước uống đều khoét một cái lỗ lấy nước ở đó mà nấu cơm, nấu nước, tắm giặt…
Người chết được chôn sâu 4 thép móng dưới lòng đất thịt nhão nhoét. Và phải “nằm” dưới nước lạnh lẽo suốt 3 đến 4 năm trời. Với ngần ấy thời gian, đủ để thịt người mục nát. Vì vậy ít có trường hợp khi bốc mộ, phải “xẻ thịt vạc xương” như ở các xã đồng bái đất cát như Nga Trung, Nga Hưng, Nga Mỹ. Nếu bốc mộ vào mùa mưa, nước ngập hòm, “thợ bốc mả” phải mò mẫm nhặt xương, thậm chí phải lội xuống hòm nửa đầu gối, cúi rạp người mò từng đoạn xương sau khi ngậm rượu trong miệng phun khắp hòm. “Nước” ở “môi trường đặc biệt” này, có hàng triệu các loại vi trùng, hôi thối rùng rợn mà người bốc mả tiếp xúc.
Anh Mai Văn Dũng ở xóm 7 Nga Tân, Nga Sơn, Thanh Hoá- gia chủ của người quá cố cho biết: “Bốc mộ là việc hệ trọng linh thiêng. Tuy đây là vấn đề tâm linh, nhưng vẫn vô cùng mất vệ sinh. Trước đây mỗi lần bốc mộ là gia đình mượn người con cháu trong gia tộc bốc cho người quá cố, song nay tất cả đều thuê người. Họ vừa có chuyên môn, vừa am hiểu về người âm. Bây giờ dân quê tôi bốc mộ đều nhờ đến họ. Những người thợ từ Ninh Bình, Phát Diệm bao giờ cũng làm tốt hơn”.
Bốc mả là một nghề đặc biệt. Bên cạnh mưu sinh, họ còn làm bằng tâm đức của người sống đối với người chết. Và để tồn tại với nghề, họ phải làm rất cẩn thận và “chuyên môn hoá”. Vấn đề đặt ra là việc bốc mả cho người chết rất mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường đối với người dân sống chung quanh. Song bởi là yếu tố tâm linh nên những người làm nghề này đã chấp nhận “sống chung với vi khuẩn” để đem lại sự yên lòng cho những người đang sống.
Người dân các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa gọi bốc mả, dân Hà Tĩnh, Quảng Bình gọi “cải cát”, và có thể khẳng định người làm nghề bốc mả phải hết sức can đảm và chấp nhận nhiều rủi ro. Điều khiến họ theo nghề không chỉ kiếm miếng cơm manh áo mà còn có “duyên” với người chết. Để kiếm được từ 500 đến 600 ngàn đồng, những người trong “tổ bốc mả” phải thức thâu đêm, canh đến “giờ hoàng đạo” xách xẻng cuốc ra tha ma, đốt đuốc hì hục đào, nhặt xương, xé thịt người mà không cần một phương tiện bảo hộ nào, dù là đôi găng tay hay khẩu trang.
BÀI ĐỌC NHIỀU