(Kiến Thức) - Sự cố tràn dầu là một trong những thảm kịch tồi tệ gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Để khắc phục hậu quả những vụ tràn dầu này, các bên liên quan phải dốc tận lực công sức, thời gian và không ít tiền bạc...
Tâm Anh (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Mới đây, dư luận xôn xao khi có khoảng 4.000 lít dầu bị tràn và chảy ra các khu phố tại địa bàn phường Quảng Hưng, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc là do dầu chảy ra từ kho xăng dầu khu vực Bắc Trung bộ (đóng trên địa bàn phường Quảng Hưng). Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ từng xảy ra vụ tràn dầu nghiêm trọng.
Cụ thể, vào ngày 20/4/2010, vụ tràn dầu tồi tệ nhất lịch sử Mỹ xảy ra đã gây hậu quả nghiêm trọng. Khi ấy, giàn khoan Deepwater Horizon của hãng dầu khí nổi tiếng BP (Anh) nằm cách bờ biển Louisiana hơn 80 km đã bất ngờ phát nổ.
Hậu quả là giàn khoan bốc cháy và bị chìm. Sự cố nghiêm trọng trên khiến 11 người thiệt mạng và 17 người bị thương.
Không những vậy, vụ nổ giàn khoan cũng gây ra tràn dầu trên một vùng rộng lớn trong khu vực vịnh Mexico.
Theo ước tính, khoảng 700 triệu lít dầu thô tràn ra biển. Sự cố này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sống, ngành ngư nghiệp và hệ sinh thái biển.
Tập đoàn dầu khí BP chịu trách nhiệm cho sự cố tràn dầu nghiêm trọng trên.
Để khắc phục sự cố tràn dầu do nổ giàn khoan Deepwater Horizon, 43.100 người, 6.470 phương tiện đường thủy, hàng chục máy bay đã tham gia công tác khắc phục hậu quả của thảm kịch tồi tệ này.
Theo ước tính, tổng chi phí cho việc khắc phục sự cố tràn dầu có thể lên đến 70 tỉ USD.
Là đơn vị chịu trách nhiệm cho sự cố tràn dầu, tập đoàn dầu khí BP bị tòa án tuyên phạt 20,8 tỷ USD. Trong số này, 5,5 tỷ USD là tiền phạt và số tiền còn lại để chi trả cho công tác phục hồi, dọn dẹp và xử lý sự cố.
Thêm nữa, tập đoàn dầu khí BP cũng chi hơn 5,8 tỷ USD để bồi thường cho người dân cũng như các doanh nghiệp ở các tiểu bang lân cận bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu.