Rùng mình lợn tăng trọng mình phồng to, chân bé tí

Những con lợn tăng trọng có thân hình to như voi mà 4 chân bé tẹo, mổ ra thấy con nào bộ gan cũng đen sì do dùng Clenbuterol quá liều.

Nông dân làm ra sản phẩm để bán nhưng họ lại không dám ăn. Đã từ lâu, người tiêu dùng mỗi khi cho thứ gì vào miệng lại phải cảnh giác xem nó có gây hại cho sức khoẻ không. Đây là thực trạng phổ biến của một nền nông nghiệp đang sử dụng bừa bãi các loại thuốc độc hại.
Rùng mình lọn tang trọng mình phòng to, chan bé tí
Thị trường đang lưu hành vô số thương hiệu thuốc thú y, nhẩm tính sẽ không xuể, nhưng không chủ trại nào lại không biết đến loại thuốc tăng trọng, được ví như thần dược: Clenbuterol. 
Một chủ trại ở Bến Cát (Bình Dương) kể gia đình ông thường bán heo (lợn) cho một lò mổ ở gần nhà. Nghe đâu lò này chuyên cung cấp thịt về TP.HCM. Một hôm ông ghé vào lò, ra khu nhốt heo thì phát hiện khoảng mười con trọng lượng trên 140 – 150kg vừa được chở đến từ Đồng Nai nằm sóng soài ra chuồng. Bằng “trực giác” nghề nghiệp, ông này khẳng định nhìn con nào con nấy “mình to như voi”, nhưng chân “bé như kiến” nên chắc chắn là lợn tăng trọng
Đợi thêm vài chục phút, khi bầy heo được mổ thịt, ông kiểm tra bộ gan con nào cũng có màu đen sì. Đây đích thị là triệu chứng sử dụng thuốc tăng trọng Clenbuterol quá liều.
Kể xong câu chuyện, ông nói: “Thú thực, tui làm nghề nuôi heo ngót 20 năm nay nhưng chưa bao giờ tui ra ngoài chợ mua thịt heo về ăn. Nhiều khi mấy đứa nhỏ muốn ăn thịt heo thì tui bắt ở trại của nhà một con đem đến lò mổ nhờ họ làm rồi bỏ vào tủ lạnh ăn dần”.
Một chủ trại khác bình luận: “Chuyện đó có gì mới đâu. Từ lúc nuôi heo đến giờ tui cũng hổng dám ăn… heo chợ!”
Đã từ lâu giới chăn nuôi heo xem Clenbuterol là “giải pháp” tăng năng suất. Các chủ trại còn bị cánh thương lái thúc ép xài Clenbuterol, bởi con heo thuốc Clenbuterol thường cho tỷ lệ nạc cao hơn 30 – 40%, mang đến lợi nhuận hấp dẫn. Từ khi chúng đạt trọng lượng khoảng 70 – 80kg. “Cho ăn trong vòng một tháng con heo có thể tăng lên 30 – 40kg”, một chủ trại heo tiết lộ.
Năm 2014, Việt Nam nhập 654 triệu đôla thuốc thú y và các chất phụ gia chăn nuôi, tăng 20% so với năm 2013. Đó là chưa kể hàng trăm triệu đôla chi lén lút để nhập khẩu các loại thuốc cấm, như Clenbuterol chẳng hạn.
Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể nhận biết miếng thịt heo nào còn tồn dư thuốc tăng trọng, miếng nào không. Chỉ khi đưa vào các phòng kiểm tra hiện đại, tồn dư Clenbuterol trong thịt mới được phát hiện. Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM cho biết, nửa đầu năm 2015, cơ quan này phát hiện khá nhiều mẫu thịt còn tồn dư thuốc tăng trọng, được nuôi ở Tiền Giang và Đồng Nai.
Hàng năm, cơ quan thú y TP.HCM đều tổ chức các đợt lấy mẫu kiểm tra tồn dư chất độc trong thực phẩm, nhất là trên thịt heo và gia cầm. Một nguồn tin cho biết, qua các đợt kiểm tra, lần nào họ cũng phát hiện tồn dư chất cấm nhưng rất tiếc, cơ quan này chưa bao giờ công bố kết quả vì cho rằng sẽ tác động đến thị trường, đến tình hình chăn nuôi nói chung. Như vậy, với thực trạng sử dụng thuốc bừa bãi như hiện nay, không ai dám chắc hơn 10.000 con heo, 700 con trâu bò, gần nửa triệu con gia cầm, 5 triệu quả trứng tiêu thụ mỗi ngày ở thành phố được kiểm soát tốt.
Chưa hết, mới đây, từ thông tin có hàng chục container trứng cút của một doanh nghiệp ở Tiền Giang xuất khẩu sang Nhật Bản cũng bị trả về vì phát hiện tồn dư kháng sinh.
Ngay cả trứng vịt muối, trong khi người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng ngày thì khi đem đi xuất khẩu sang Singapore cũng bị họ phát hiện tồn dư chất sudan 4. Ông Trương Hữu Nghi, đại diện doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Nghiệp (Vĩnh Long), thừa nhận từ năm 2008, Singapore đã phát hiện trong các lô hàng trứng muối nhập khẩu từ Việt Nam có tồn dư chất sudan 4. Đây là chất tác dụng tạo lòng đỏ trứng vịt có màu sắc đậm hơn, nhưng lại có nguy cơ gây ung thư và đã bị cấm sử dụng. Từ đó đến nay, năm nào cũng có thêm nhiều lô trứng muối của Việt Nam bị trả về do chứa chất này. Trong cuộc họp gần đây, ông Nghi đã thật thà “khai” với bộ trưởng bộ Nông nghiệp, rằng “sau khi có lô hàng bị phía bạn phát hiện chất sudan, doanh nghiệp đưa về rồi đập lấy lòng đỏ bán cho các lò bánh”. Chính ông Cao Đức Phát, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng phải “té ngửa” trước câu trả lời này.
Ông Đàm Văn Hoạt, tổng giám đốc công ty SX-TM Trại Việt (Vietfarm), cho biết công ty nhận được khá nhiều đề nghị cung cấp trứng cút, trứng muối của các đối tác Nhật, Hong Kong, Singapore nhưng không dám thực hiện vì cảm thấy “nguồn trứng thu gom của dân không đảm bảo an toàn”. Môi trường chăn nuôi cộng với chất lượng con giống quá tệ là nguyên nhân khiến người chăn nuôi đang phải dựa vào kháng sinh và các chất cấm để cải thiện tình hình. Bởi vậy nên, con gà, con cút đẻ trứng từ lúc mở mắt ra là phải chích kháng sinh phòng ngừa các loại dịch bệnh. “Cũng có một số khách hàng ở Nhật đề nghị liên kết nuôi cút đẻ trứng tại Việt Nam, sau đó mỗi tháng họ lấy 10 container. Tôi nghĩ hướng này mới có thể khả thi, chứ nếu mua gom từ các trang trại sẽ rủi ro tồn dư kháng sinh là rất lớn”, ông Hoạt nói.

Hiểm họa thuốc tăng trọng: “Tạm biệt chim yến”

Gần đây, nhiều phụ nữ nông thôn miền Tây Nam bộ đồn đại với nhau về một loại thần dược giúp trẻ em ăn ngon, mau tăng cân nhưng lại không đắt tiền. Thần dược đó bà con gọi là “thuốc chim yến” vì bao bì dán bên ngoài chai thuốc có in hình hai chim yến. Đối với khá nhiều người, có sức khoẻ đồng nghĩa phải có thân hình mập mạp. Đặc biệt với trẻ con, mặc dù đã có sự cân bằng giữa thể trọng và chiều cao nhưng một số phụ huynh vẫn muốn con mình trông tròn trịa. Thế là, dẫn đến lạm dụng các loại “thuốc làm mập” hay “thuốc tăng trọng”. Thực chất của các thuốc tăng trọng Thuốc dễ gây tác dụng tăng trọng trước tiên là thuốc chống viêm glucocorticoid, thường được gọi tắt là corticoid. Thuốc corticoid gồm nhiều loại: Dexamethason (thường gọi nôm na là “đề xa” hay thuốc “hột dưa” vì có dạng viên hình hạt dưa), Prednison, Prednisolon… Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc rất quý dùng để chống viêm, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận, chứ không bao giờ được sử dụng làm mập. Khi uống thuốc này liên tục và kéo dài, cơ thể có vẻ mập ra và tăng trọng do một tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc là giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể gây phù, rối loạn chuyển hoá lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng, khiến người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (các biểu hiện trong hội chứng có tên Cushing). Thuốc còn gây cảm giác thèm ăn, làm người dùng thuốc ăn ngon hơn. Ngoài ra, còn có các tác dụng phụ nguy hiểm khác như gây loãng xương, tăng huyết áp, tạo huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm đề kháng của cơ thể dẫn đến dễ nhiễm trùng (như lao, nếu bị sẽ làm bệnh nặng thêm). Loại thuốc tăng trọng thứ hai cần phải kể là Durabolin, tên biệt dược của nandrolon phenylpropionat. Đây là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormone sinh dục nam testosterone nhưng có cấu trúc hoá học hơi khác: testosterone chủ yếu trị “yếu sinh lý” do thiếu hormone, còn Durabolin đồng hoá protein, giúp cơ thể hấp thu, biến dưỡng tốt chất đạm và vận chuyển các axít amin của chất đạm vào bên trong mô cơ, làm phát triển cơ bắp, tăng cân, tăng sức. Vì vậy, Durabolin còn gọi là thuốc steroid tăng đồng hoá (anabolic steroid, có tên steroid do cấu trúc của Durabolin có nhân hoá học là steroid, thuốc corticoid cũng thế). Thuốc được chỉ định trị chứng gầy ốm, sụt cân, mất sức sau khi bệnh nặng. Ta thường nghe nói đến doping trong thể thao, Durabolin chính là một trong những loại doping mà vận động viên hay dùng để tăng khối cơ bắp, tăng lực nhằm đạt thành tích cao trong thi đấu (có nghĩa là phạm pháp).
“Thuốc chim yến” không rõ nguồn gốc, bên ngoài toàn chữ Trung Quốc thế này, mua cho con uống tức là hại con! Ảnh: C.T.V
“Thuốc chim yến” không rõ nguồn gốc, bên ngoài toàn chữ Trung Quốc thế này, mua cho con uống tức là hại con! Ảnh: C.T.V
Dạng thuốc của Durabolin là thuốc tiêm, nhưng nhiều thuốc anabolic steroid được dùng dưới dạng uống. Chống chỉ định của thuốc là không được dùng cho trẻ dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ còn trẻ (vì đây là dẫn chất hormone sinh dục nam). Ở một số nước châu Á như Ấn Độ, người ta đã mất rất nhiều công sức trong thời gian dài chống lại tình trạng lạm dụng, dùng bừa bãi thuốc anabolic steroid ở trẻ em nhằm làm mập. Điều đặc biệt lưu ý là thuốc anabolic steroid được liệt vào bảng chất gây nghiện thứ ba vì tính nguy hiểm của nó (thế giới xếp các chất gây nghiện vào năm bảng, bảng 1 là bảng thuốc cấm như heroin). Hết sức cảnh giác với đông y giả mạo Không ít người từng biết và có khi sử dụng nhầm các loại thuốc đông y giả mạo, được quảng cáo “mát huyết, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn…” Trên thực tế, các thuốc đông y giả mạo này đã được cơ quan quản lý nhà nước về dược xác định có trộn tân dược là corticoid để tạo những tác dụng trước mắt: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức sẽ giảm ngay (do tác dụng giảm đau chống viêm của corticoid) khiến nhiều người cho là “thần dược”, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại đông dược giả mạo này thì không sao lường hết. Tóm lại, lạm dụng các thuốc trên để hy vọng mập ra, nhất là đối với trẻ em là điều hết sức nguy hiểm. Bà con nên cảnh giác, không tìm mua bất cứ thuốc gì, nhất là thuốc Trung Quốc được đồn đại là “thần dược” giúp trẻ em ăn ngon, mau tăng cân một cách lạ kỳ.


Lấy mẫu “thuốc chim yến” xét nghiệm

Trước thông tin nhiều bà mẹ miền Tây Nam bộ đang rủ nhau mua loại thuốc giống xirô có tên gọi “thuốc chim yến”, bên ngoài hộp toàn chữ Trung Quốc, cho trẻ uống để ăn, ngủ được, nhanh tăng cân, cuối tuần qua đoàn kiểm tra của sở Y tế tỉnh Sóc Trăng đã đến xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên tìm hiểu những trường hợp đã mua loại thuốc này và lấy mẫu xét nghiệm.

BS Nguyễn Thị Lạc, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết các loại thuốc kích thích ăn được rồi tăng cân nhanh thường chứa Dexamethason làm tăng cân, da mỏng, đỏ ửng và đặc biệt là mập tròn ở vùng ngực trở lên mặt. Thế nhưng sau đó tay chân các bé sẽ bị teo nhỏ vì hội chứng Cushing và dễ dẫn đến những biến chứng khác.

Theo BS Lạc, những loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là bên ngoài toàn chữ Trung Quốc, không có chữ Việt ghi rõ thành phần cũng như cách dùng, các bà mẹ không nên mua cho con uống vì rất nguy hiểm cho trẻ.
(Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên chính bộ môn dược, Đại học Y dược TP.HCM/SGTT)

Điểm mặt chất cấm trong chăn nuôi

- Những loại chất này không gây chết người ngay lập tức nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến những nguy cơ có hại cho sức khoẻ.

Tin mới