Sài Gòn trong nỗi ám ảnh mang tên chung cư Carina Plaza

Sau vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina khiến 13 người chết và hàng chục người bị thương khiến hàng vạn hộ dân cũng như hàng chục ban quản lý, ban quản trị chung cư nháo nhào kiểm tra lại hệ thống PCCC, cùng những bất cập.

Phòng cháy bằng… thông báo
“Nếu hệ thống báo cháy của chung cư Carina hoạt động, các cửa ngăn cháy được đóng lại, liệu có nhiều người tử vong và bị thương đến vậy?”, chị Hoà, cư dân chung cư Sơn Kỳ 1 (quận Tân Phú) nói. Một ngày sau khi cháy chung cư Carina, cư dân chung cư Sơn Kỳ 1 – với năm bloc nhà và cả ngàn hộ dân đã đồng loạt kiến nghị phải xem lại hệ thống PCCC.
Kết quả kiểm tra hệ thống PCCC do ban quản lý chung cư và cán bộ PCCC quận Tân Phú cho thấy hệ thống báo cháy, hệ thống dập lửa tự động và hệ thống thoát hiểm, các thiết bị chiếu sáng khẩn cấp, các cửa ngăn khói… hoạt động tốt. “Cũng may là mọi thứ được kết luận là chạy tốt nhưng nói thật vẫn băn khoăn lắm, bởi trước khi xảy ra cháy cư dân ở chung cư Carina vẫn được thông báo là mọi thứ đều ổn thông qua kiểm tra an toàn PCCC định kỳ”, chị Hoà lo ngại.
Trong khi đó, tại chung cư Thái An 3 và 4 (phường Đông Hưng Thuận, quận 12), sáng 26.3, ban quản lý chung cư này phòng cháy bằng cách gửi thông báo về việc đề phòng cháy nổ đến các cư dân. Thông báo ghi rõ yêu cầu không tự ý che chắn, chèn vật cản ở các cửa chống cháy cầu thang bộ thoát hiểm, không để vật dụng lấn chiếm hành lang chung; đề nghị toàn thể cư dân khi có tín hiệu báo cháy phải giữ bình tĩnh và liên lạc ngay với đường dây nóng; không được hút thuốc, vứt tàn thuốc tại khu vực công cộng, đặc biệt là tầng hầm để xe; không đốt vàng mã trong căn hộ, hành lang chung.
15 chung cư xuống cấp nghiêm trọng mới chỉ có hai chung cư có chủ đầu tư. Những người dân ở đây bị nỗi ám ảnh Carina nhiều nhất. Ảnh: TL.

15 chung cư xuống cấp nghiêm trọng mới chỉ có hai chung cư có chủ đầu tư. Những người dân ở đây bị nỗi ám ảnh Carina nhiều nhất. Ảnh: TL.

Bình luận về động thái này, ông Hoàng, cư dân chung cư Thái An 3 nói, phòng cháy bằng thông báo ai cũng làm được. Lẽ ra trước thực trạng nhiều người chưa biết phải tự cứu mình khi cháy, ban quản lý phải hướng dẫn; kế đến là phải tập huấn PCCC tại chỗ cho cư dân và thường xuyên kiểm tra hệ thống PCCC, chứ thông báo kiểu trên ai cũng biết từ lâu rồi.
Quận 7 – nơi có thể nói là có nhiều chung cư nhất nhì TP.HCM – ngay sau khi vụ cháy chung cư Carina xảy ra, chính quyền đã yêu cầu các chung cư trên địa bàn kiểm tra an toàn hệ thống PCCC. Tuy nhiên, theo ghi nhận, ngoài những chung cư làm tốt khi phối hợp với lực lượng PCCC kiểm tra, cũng có không ít các chung cư chỉ ra thông báo yêu cầu cư dân phải đảm bảo này nọ, còn bản thân ban quản lý “ổn hết” nên khỏi làm.
“Tham tiền hơn mạng sống”
Trở lại câu chuyện của chị Hoà, dù hệ thống PCCC qua kiểm tra của chung cư Sơn Kỳ 1 hoạt động tốt nhưng chị vẫn lo là vì, các căn hộ tầng trệt ở chung cư này đều kinh doanh ăn uống. Theo đó, hộ nào kinh doanh cũng nấu nướng liên tục và xài bình gas khủng nên các hộ ở trên rất sợ. Lo sợ của chị Hoà cũng là lo sợ của hàng loạt hộ dân ở các chung cư Bàu Cát thuộc quận Tân Bình, khi tầng trệt trở thành quán ăn, quán nhậu.
Ở chung cư Thái An 3 và 4, cư dân lại bức xúc chuyện đường nội bộ trước chung cư có hàng chục ô tô đậu lấn chiếm cả ngày lẫn đêm, nhưng cư dân kiến nghị không được ban quản lý giải quyết, mà cố tình phớt lờ để tăng thêm thu nhập từ bãi giữ xe. “Việc ô tô đậu như vậy, không may xảy ra cháy thì làm sao xe chữa cháy tiếp cận được. Vụ này đã có bài học từ việc cháy chung cư Phúc Thịnh năm 2012”, chị Yến, cư dân chung cư Thái An, bức xúc.
Thảm cảnh mang tên Carina ai cũng biết bắt nguồn từ hầm để xe. Vậy mà đi khảo sát hàng loạt bãi để xe của chung cư, chúng tôi chỉ có thể nói là: khó chữa nếu xảy ra cháy. Tại chung cư Nguyễn Thái Bình (quận 1) hay chung cư Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận), bãi xe không đủ đáp ứng nên xe máy để tràn ra, thu hẹp cả lối vào chung cư.
Nhưng có lẽ người dân ở hàng chục chung cư cũ ở TP.HCM là lo sợ nhất. Theo sở Xây dựng TP.HCM, thành phố hiện có đến 15 chung cư đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập và xảy ra sự cố về an toàn cháy nổ bất cứ lúc nào, đe doạ mạng sống hàng ngàn người dân. Ngoài ra, đáng quan ngại nhất là tình trạng cơi nới bất chấp an toàn. Cụ thể, ở chung cư 23 Lý Tự Trọng (quận 1) do diện tích căn hộ ở chung cư này rất nhỏ, từ 30 – 40m2 nên các hộ đã tự ý đập tường bên trong, trổ cửa để mở rộng diện tích phòng, khiến cho kết cấu tổng thể bị biến dạng và yếu đi. Đó là chưa kể đường dây điện mới nhìn đã sợ và hơn cả là hệ thống PCCC là con số không.
Hiện có 15 chung cư nguy cấp có thể sập đổ bất cứ lúc nào, nhưng chỉ hai trong số đó đã có chủ đầu tư. Số còn lại vẫn còn nhiều thủ tục chưa hoàn thành. Trách nhiệm này giao quận/huyện chủ động thực hiện, vị lãnh đạo sở Xây dựng nói và dự báo với tình hình hiện tại khó đạt được tiến độ. Lý do thứ nhất là muốn đập bỏ phải đồng thuận 100% hộ dân sống trong chung cư. Kế đến, nhiều chủ đầu tư sau khi “xí phần” rồi không chịu triển khai dự án, dẫn đến trễ hẹn. Việc này đồng nghĩa với hàng ngàn mạng người đang bị treo lơ lửng vì chung cư có thể sập, nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào.