Không nên dùng đồ mã trong cúng Táo quân
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS. Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng- UI cho biết, người Việt từ xa xưa đã có tục lệ cúng Táo quân chỉ có Cơm - Canh, nấu chín, thật đơn giản và rất Việt Nam, nhưng nó ẩn chứa một triết lý: Bếp lửa có thể nuôi chúng ta sống, nhưng nếu lầm lẫn sơ suất, thiếu cẩn trọng thì cũng có thể tạo ra những bi kịch hỏa hoạn.
Mâm cúng Táo quân tại một gia đình. Ảnh: NVCC. |
Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà mỗi gia đình có sự chuẩn bị về mâm cỗ cúng Táo quân khác nhau. Mâm cỗ cúng thường có canh mọc, đĩa xào thập cẩm, giò, xôi gấc, chè kho, đĩa hoa quả, ấm trà sen, 3 chén rượu, bưởi, trầu, cau, cành đào nhỏ, hoa cúc. Ngoài ra còn có đĩa gạo, đĩa muối, và các đồ lễ để tiễn nhanh Táo quân về chầu trời.
Đặc biệt, lễ cúng Táo quân của người Việt không thể thiếu bộ vàng mã thường bao gồm 3 bộ áo, 3 mũ và 3 đôi hài (2 bộ cho Táo ông và 1 bộ cho Táo bà). Ngoài ra còn có tiền giả, thoi vàng, các vật phẩm hàng mã khác…
Theo TS Vũ Thế Khanh, sự tưởng tượng ra đồ mã, tiền giả … là thiếu “logic” bởi đã là “sứ giả” Nhà Trời” thì khi “lên thiên đình họp phải mặc trang phục mũ mãng cân đai của “thiên đình” chứ đâu được phép “mặc trang phục” tùy tiện do trần gian may sắm mỗi nhà mỗi kiểu như thế? Và nếu đã là “sứ giả nhà Trời” thì đâu có đói ăn, khát uống như dân gian vẫn nghĩ, nhất là đồ biếu xén, hối lộ để “nói hộ” gia chủ cho tốt giống như các quan tham nhũng của trần gian.
“Vì thế, cúng Táo quân không cần theo lệ cũ là cúng đồ mã, lãng phí, ô nhiễm môi trường. Thay vào đó, nên cúng bằng tiền thật, sau đó dùng tiền này đi biếu tặng người có hoàn cảnh khó khăn sẽ ý nghĩa hơn”, TS Vũ Thế Khanh nói.
Về việc có nên cúng cá chép hay không, TS Vũ Thế Khanh cho hay, theo quan niệm người xưa, cá chép vàng (hay còn gọi là cá chép tiên) là một loài vật sống ở trên thiên đình, do phạm lỗi, nên bị Thượng đế đày xuống trần gian tu hành để chuộc lại tội lỗi của mình gây ra. Sau khi tu thành chính quả, thì cá chép sẽ hóa thân thành rồng và bay lên Trời. Còn Táo quân do Thượng Đế phái xuống trần tục để theo dõi loài người, xem ai là người thiện, người ác để trình thượng giới có hình thức “thưởng thiện phạt ác”
Khi cúng Táo quân, gia chủ có thể cúng thêm 3 con cá chép còn sống, sau khi cúng sẽ “phóng sinh” (thả ra ao hồ hay ra sông) với quan niệm để cá hóa rồng cõng Táo Công về Thiên Đình
Tuy nhiên, cần phải hiểu, mục đích sâu xa của tín ngưỡng này là nuôi dưỡng lòng từ bi. Phóng sinh chính là “thương yêu muôn loài”, bởi không chỉ con người mà ngay cả loài vật cũng có tánh linh, cũng muốn được sống. Chính vì thế, khi phóng sinh cá, cần chọn nơi hồ ao không ô nhiễm, cũng không đứng từ trên cao vứt cá xuống, cá dễ bị thương, khó sống, như vậy, ý nghĩa từ bi sẽ không còn, mà người phóng sinh cũng bị mất đi phước của chính mình, mất tài lộc.
“Tóm lại, trên phương diện tâm linh, “sứ giả nhà trời” chỉ ghi nhận lòng thành kính và công đức của tín chủ chứ không thể thọ dụng các đồ cúng do thế gian bày đặt, vì thế chỉ cần lòng thành kính, không quá chú trọng vào đồ lễ”, TS Vũ Thế Khanh lý giải.
Quan niệm phải cúng Táo quân trong bếp là không đúng
TS Vũ Thế Khanh cho hay, một trong những quan niệm sai lầm khi cúng Táo quân, đó là phải cúng trong gian bếp, vì cho rằng, đó là nơi Táo quân “làm việc”. Quan niệm đó là rất máy móc và hoàn toàn không đúng.
Theo TS Khanh, nên hiểu rằng việc “cúng lễ” cũng giống như “kính mời chiêu đãi trọng thể”, không thể làm kiểu “ăn xó mó niêu”. Do vậy khi mời chiêu đãi thì phải chọn địa điểm trang nghiêm thanh tịnh và sang trọng chứ không thể chọn nơi “làm việc ở đâu thì bày bàn mời chiêu đãi tại đó”.
“Chả lẽ chiêu đãi công nhân xây dựng thì lại phải bày cỗ tại công trường cát bụi? Chiêu đãi giáo viên lại mang lên lớp học bày cỗ, nơi các thày cô giảng dạy? Chiêu đãi lái xe lại bày cỗ trên đường giao thông, là nơi lái xe “ làm việc”? Chiêu đãi bác sỹ lại bày cỗ ở phòng khám chữa bệnh? Chiêu đãi các hộ lý đỡ đẻ thì lại bày cỗ ở phòng hộ sinh? Chiêu đãi nhân viên trong công ty vệ sinh môi trường lại phải bày cỗ ở “khu vệ sinh” là nơi họ làm việc?”, TS Vũ Thế Khanh đặt câu hỏi.
Vì vậy, theo ông Khanh, nơi cúng lễ Táo quân thì phải cúng nơi trang nghiêm thanh tịnh, không nên cúng trong bếp, vì nơi đó vừa rác rưởi, vừa khói bụi, vừa tanh tưởi, vừa thiếu trang nghiêm, vừa không thanh tịnh.
“Thực ra, chọn nghi thức cúng lễ chỉ là “mượn tướng để gửi tâm” và thông qua đó, tín chủ bày tỏ tín ngưỡng của mình trong việc giao tiếp tâm linh”, ông Khanh nói.
Cách khấn cúng Táo quân chuẩn Việt Nam
TS Vũ Thế Khanh cho biết, nhiều người máy móc, coi bài khấn cúng Táo quân theo tín ngưỡng của Đạo Lão bên Trung Quốc là chuẩn mực. Theo đó, đã khấn mời “Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần Quân”, rồi khấn mời Ngũ Đế (theo thuyết ngũ hành - Đông phương Thanh Đế, Nam phương Xích Đế, Tây phương Bạch Đế, Bắc phương Hắc Đế, Trung ương Hoàng Đế), mà không hề khấn mời các đấng thần linh theo tín ngưỡng của dân tộc Việt.
“Tại sao chúng ta không tôn thờ thần linh, nhân linh của người Việt, có truyền thống văn hóa riêng mà phải khấn vái các vị thần linh theo tín ngưỡng của người nước ngoài, quên đi cội nguồn dân tộc? Bài khấn cúng 23 tháng chạp cần thể hiện tính nhân văn của người Việt, là sự tri ân, là sự phát nguyện kế thừa truyền thống “ uống nước nhớ nguồn””, ông Khanh cho hay.
Dưới đây là bài cúng Táo quân, bạn đọc có thể tham khảo từ TS Vũ Thế Khanh:
Nguyện hương (ngũ phần hương)
Hương Giới hương Định cùng hương Huệ, hương Giải thoát, Giải thoát tri kiến
Đài mây sáng rực trùm Pháp giới
Cúng dường Chư Phật khắp Mười phương
Nạm mô Bồ Tát Hương cúng dường (3 lần)
Danh xưng :
Nam mô chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thiên,
Tín chủ chúng con tên là :……….đồng gia đẳng
Tại địa chỉ : …………
Kính bái thỉnh :
- Chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Thiên hộ trì Chánh Pháp
- Chư vị thần linh độ trì cho dân tộc Việt Nam
- Ngũ vị thần quan thành hoàng bản thổ
- Chư vị Táo Quân, Thổ thần Long mạch,
- Chư vị Thần linh Thổ địa
- Chư vị Anh linh Hùng thiêng sông núi
- Chư vị tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước
- Hội Đồng Tâm linh các Anh Hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc
- Các chư vị thánh linh hữu danh vô vị, hữu vị vô danh
Hôm nay là ngày 23 tháng chạp (hoặc ngày tất niên, hoặc ngày đầu năm mới), tín chủ chúng con thành tâm sắm sửa lễ nghi, lễ bạc lòng thành (hương, đăng, trà, hoa quả, phạn thực…) kính dâng lên các chư vị chứng minh và hạnh hưởng.
Kính xin sự gia hộ độ trì cho quốc thái dân an; thế giới hòa bình, gia đình hạnh phúc, tâm từ bi rải khắp muôn loài, mọi sinh linh đều được bình đẳng trong tình thương yêu của đấng thiêng liêng.
Sau khi cúng xong, thực hành lễ phóng sinh và làm thiện nguyện.
Chú ý: Khi cúng lễ, hãy phát nguyện rằng: ta luôn tin theo NHÂN QUẢ, nguyện sẽ có nhiều công đức, nguyện là bậc đại phú quý, đại trí tuệ để ban phát, cúng dường cho muôn chúng sinh. Không nên chọn thân phận nghèo hèn, cả đời chỉ biết đi cầu xin sự bố thí của kẻ khác (cho dù đi xin bố thí của “ sứ giả nhà trời” đi chăng nữa), bởi theo luật Nhân Quả, Trời và Phật cũng chẳng tùy tiện ban phước giáng họa cho bất cứ ai, mà các vị ấy chỉ trợ duyên, chỉ giúp đỡ chúng sinh thực hành Nhân Quả!