Không chỉ các doanh nghiệp, công ty lớn trồng và nhân giống loại “thần dược” này, nhiều người dân sống dưới chân núi Ngọc Linh cũng đang trồng sâm Ngọc Linh.
Tuy nhiên, nguồn giống sâm Ngọc Linh bản địa ngày càng khan hiếm và khó mua là thách thức cho tỉnh Kon Tum trong việc bảo tồn và nhân giống loại sâm này.
Những củ sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN) |
Cạn kiệt nguồn giống bản địa
Những năm gần đây, trước việc săn lùng giống sâm Ngọc Linh quý hiếm ngày càng gia tăng đang khiến cho nguồn giống sâm Ngọc Linh cạn kiệt.
Hầu hết nguồn giống sâm Ngọc Linh bây giờ chủ yếu dựa vào việc tự nhân giống của các công ty, hộ dân.
Thế nhưng, công đoạn nhân giống và phát triển giống sâm này không phải dễ dàng, chủ yếu phục vụ cho mục đích của từng cá nhân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc nhân giống đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, yếu tố khí hậu đang khiến nguồn giống sâm Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum khan hiếm.
Trồng sâm Ngọc Linh đã nhiều năm, nhưng đến nay người trồng sâm dưới chân núi Ngọc Linh mới thấy được giá trị của việc nhân giống và bảo tồn loại sâm này.
Nếu như trước đây, việc tìm thấy những giống sâm Ngọc Linh tự nhiên trong các cánh rừng già của núi Ngọc Linh mang về gieo trồng trong các hộ dân dễ dàng thì nay trở nên cực kỳ khan hiếm.
Ông A Hình, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông cho biết, trước đây gia đình ông lấy giống từ việc tìm kiếm nguồn giống sâm tự nhiên và kết hợp mua giống của các hộ cùng trồng sâm trong khu vực. Việc mua được một lon sữa bò hạt giống sâm Ngọc Linh với giá từ 10 đến 15 triệu đồng là rất dễ dàng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây giống sâm này càng ngày càng khan hiếm, giá thành lại đắt nên khó kiếm giống. Để duy trì việc phát triển và nhân giống vườn sâm, nhiều hộ gia đình sử dụng các phương pháp thủ công như tích trữ hạt, nhân giống bằng cành… nhưng không đem lại hiệu quả cao.
“Bây giờ một hạt giống sâm Ngọc Linh có giá bán từ 100.000 đến 120.000 đồng, nhưng không phải muốn mua là có. Nguồn giống tự nhiên đã khó kiếm, còn nhân giống lại phụ thuộc vào các hộ gia đình, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng cũng chỉ đủ phục vụ nhu cầu mở rộng, gieo trồng của họ, chứ họ chưa bán ra ngoài,” ông A Hình chia sẻ.
Là một công ty lớn thực hiện việc trồng và nhân giống sâm Ngọc Linh nhiều năm nay, nhưng đến nay việc nhân giống sâm này của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cũng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu của công ty.
Theo ông Hoàng Văn Chất, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô, khó khăn nhất trong việc nhân giống và bảo tồn loại sâm này chính là nguồn gen từ giống tự nhiên đã cạn kiệt do sự săn lùng của người tiêu dùng.
Cùng với đó, điều kiện thời tiết những năm gần đây biến đổi xấu cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng, nhân giống và bảo tồn giống sâm Ngọc Linh. Trong quá trình nhân giống chỉ cần thời tiết có sương muối, mưa đá là hỏng hết. Hơn nữa, thời gian cho hạt của loại sâm này rất dài, phải từ 5 năm trở lên cây mới bắt đầu cho hạt.
Cẩn trọng với các giống sâm lạ
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum mới chỉ có hai đơn vị là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Duy Tân đang nghiên cứu và nhân giống loại sâm này, nhưng phải đến năm 2020 mới bán giống rộng rãi trên thị trường.
Trước việc nguồn giống sâm Ngọc Linh ngày càng khan hiếm, những giống sâm lạ đã bắt đầu xuất hiện trên địa bàn các xã dưới chân núi Ngọc Linh như Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây…
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu của giống sâm Ngọc Linh vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp địa chỉ dẫn địa lý vào cuối tháng 8/2016, mà còn có nguy cơ làm lai tạp giống sâm quý này.
Theo ông Hoàng Văn Chất, hiện nay đã có một số người mang giống sâm tam thất ngoài Bắc vào bán trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu sâm Ngọc Linh, nguy hiểm hơn là có thể làm lai tạp giống sâm này. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng đối với việc mua giống và thực hiện trồng trên vùng rừng Ngọc Linh.
Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tu Mơ Rông cho hay, huyện có nghe nói về việc giống sâm lạ ở ngoài đưa vào địa bàn nhưng thực tế đi kiểm tra chưa phát hiện.
Tuy nhiên, để ngăn chặn tình trạng đưa giống sâm lạ từ nơi khác về trồng trên vùng rừng núi Ngọc Linh, huyện đã kiến nghị với tỉnh thành lập đoàn kiểm tra và thực hiện kiểm tra một số vườn sâm trong nhân dân.
Mặc dù vậy, việc xác định được giống sâm thật hay giả còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là để xác định đâu là giống sâm Ngọc Linh thật hay giả phải đưa đi xét nghiệm, nhưng để thực hiện được đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Hơn nữa, khi xác định được giống sâm giả thì hướng xử lý ra sao cũng chưa có căn cứ nào để thực hiện.
Vì vậy, huyện chỉ khuyến cáo người dân không nên phát triển vườn sâm của mình bằng mọi giá vì hiện nay nguồn giống sâm Ngọc Linh đang rất khan hiếm.
Trong nhiều năm qua, để thực hiện việc bảo tồn và nhân giống giống sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều đề tài, dự án khoa học bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh với kinh phí hàng tỷ đồng.