Vài ngày gần đây, Trang Trần - người mẫu đã tuyên bố giải nghệ đăng đàn mắng chửi, miệt thị một nghệ sĩ lớn tuổi bằng những lời lẽ thô tục và thái độ xấc xược chỉ vì một dòng bình luận “vô văn hóa” được cho là xuất phát từ tài khoản xã hội của người này. Sự việc đúng – sai còn chưa phân rõ nhưng rất nhiều ý kiến phê phán cách hành xử, phát ngôn tục tĩu của cô người mẫu trong clip.
Những người đã biết hoặc nghe tiếng chân dài này đều hiểu, lối ăn nói của cô đã không ít lần khiến chính mình bị vạ miệng. Điều nghiêm trọng hơn khi chân dài này là người của công chúng, mỗi status, mỗi clip đăng tải có đến hàng chục ngàn người xem.
Trang Trần gây xôn xao dư luận khi đăng đàn mắng chửi nghệ sĩ Xuân Hương. (Ảnh: Internet) |
Từ đây, một dấu hỏi được đặt ra. Chính những người hâm mộ, từng nhấn nút like, theo dõi tài khoản mạng của người mẫu này đã làm gì với những điều được tiếp nhận. Không phải là người nổi tiếng thì có quyền xỉa xói, dạy dỗ người khác. Người nói phải có người nghe, ấy là tất yếu. Nếu tất cả người hâm mộ đều phản ứng lối ăn nói chợ búa, sử dụng từ ngữ thô tục của chân dài này, ắt hẳn, cô ấy sẽ chẳng thể giữ mãi một lối nói chuyện. Khi bị cô lập, con người sẽ buộc phải thay đổi để thích nghi.
Trước vụ ồn ào của Trang Trần, Minh Béo gây rúng động khi vướng vào vụ án ấu dâm bên Mỹ. Sau khi anh về nước, việc làm của Minh Béo khiến dư luận bức xúc đòi tẩy chay.
Liên quan đến việc này, dù hiện tại không có quy định nào có thể cấm diễn Minh Béo sau ồn ào từ việc diễn viên này phạm tội ấu dâm tại Mỹ nhưng trong buổi họp định kỳ cuối tháng 5, sở VH-TT TP. HCM đã khuyến cáo Minh Béo không nên biểu diễn.
Sở VH-TT TP.HCM cũng kêu gọi khán giả hãy “hành động hóa” thái độ của mình bằng việc không ủng hộ, không mua vé xem các sản phẩm của diễn viên này. Lúc này, người ta mới nhận ra, công chúng có "đặc quyền tẩy chay”. Nếu họ phẫn nộ vì Minh Béo vừa bị trục xuất khỏi Mỹ lại về Việt Nam đăng đàn khóc lóc xin lỗi khán giả để tiếp tục hoạt động, thì họ có quyền không tiếp nhận những sản phẩm của nam diễn viên này.
Diễn viên Minh Béo xin lỗi sau vụ ấu dâm. (Ảnh: Zing) |
Nghệ sĩ luôn không thể sống thiếu khán giả. Bị công chúng tẩy chay chính là “bản án tử” cho những người của công chúng ở bất kỳ lĩnh vực nào. Thế nhưng, với sự phát triển chóng mặt của làng giải trí , công nghệ lăng xê… đã khiến công chúng dường như trở nên dễ dãi và quên mất đặc quyền “được từ chối” của mình.
Ngay cả diễn viên Trấn Thành cũng nhắc nhở công chúng về đặc quyền khủng của mình “Nếu khán giả không thích hài nhảm, hãy tắt tivi đi” khi anh bị công chúng công kích. Đúng vậy, thay vì ồn ào la lối, phản đối việc các nhà đài sản xuất quá nhiều chương trình hài dung tục, thiếu tính nghệ thuật, giáo dục khán giả có quyền chuyển kênh để lựa chọn một món ăn tốt hơn. Khi một chương trình không có khán giả, không có rating, nó sẽ tự chết mà không cần đến “gạch đá”.
Không thể phủ nhận, khán giả Việt đang ngày càng khẳng định quyền lực của mình một cách rõ ràng. Bằng chứng là nhiều trào lưu xấu đã được chặn đứng. Hay mới đây, trước áp lực quá lớn của dư luận, Hương Giang Idol đã phải cúi đầu xin lỗi và nhận sai khi làm tổn thương nghệ sĩ Trung Dân trong một gameshow. Cũng chính áp lực từ khán giả, gameshow có hai nghệ sĩ này tham gia phải ngừng phát sóng.
Nói theo cách khác, tẩy chay chính là cách công chúng bảo vệ chính mình. Thay vì phải nhận “rác ngôn từ”, những sản phẩm kém giá trị… khán giả có quyền từ chối. Nên thay vì trở thành những anh hùng bàn phím để nổi giận, dư luận hãy biết cách từ chối một cách có văn hóa để xây dựng một đời sống trong lành cho xã hội.