Chế tạo găng tay phản hồi xúc giác từ sự đồng cảm
Tại cuộc thi Sáng tạo trẻ năm 2024 do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, công trình găng tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo của Đội DNA Mechatronics gồm Mai Bá Nghĩa, Tăng Hoàng Đức và Lê Đức Anh, sinh viên K66 Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đoạt giải Nhất.
Đội DNA Mechatronics từ trái qua: Lê Đức Anh, Tăng Hoàng Đức, Mai Bá Nghĩa. |
Mai Bá Nghĩa chia sẻ, cách đây 11 năm, em đã từng bị tai nạn giao thông. Tai nạn này khiến tay trái của em đến giờ vẫn chưa hoạt động được như người bình thường. Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thế giới hiện có khoảng 2 triệu người suy giảm chức năng vận động. Tính riêng Việt Nam, số người bị suy giảm chức năng vận động chiếm 7%.
Tại Việt Nam, trong 40.000 người mới có 1 người làm trong lĩnh vực phục hồi chức năng, người bệnh còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận phục hồi chức năng, chưa có động lực trong việc tập luyện. Kết quả có khoảng 80% người có nhu cầu phục hồi chức năng vẫn chưa được đáp ứng.
“Thấu hiểu và đồng cảm với những nỗi đau của người bệnh gặp phải, cùng nhìn thấy những khó khăn trên, nhóm DNA Mechatronics của chúng tôi ra đời”, Bá Nghĩa chia sẻ.
Theo chia sẻ của nhóm nghiên cứu, găng tay phản hồi xúc giác trong không gian ảo là đề tài mới, chưa có nhiều tài liệu tham khảo. Bắt đầu từ con số 0, cả đội hầu như vừa làm vừa mày mò, đảm bảo tính ứng dụng thực tế của sản phẩm.
Nhiều lần phải chạy deadline để kịp tiến độ cuộc thi, có thời điểm, sản phẩm tưởng chừng ‘toang’ ngay trước hạn nộp, nhưng nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ và sự hỗ trợ, động viên từ các thầy, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành sản phẩm của mình.
Mở ra cách tiếp cận mới trong vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Sản phẩm hệ thống phục hồi chức năng sử dụng công nghệ thực tế ảo gồm 2 phần: phần cứng gồm 1 găng tay phản hồi xúc giác và 1 chiếc kính thực tế ảo, phần mềm là môi trường ảo xây dựng trên phầm mềm Unity.
Với công nghệ cảm biến hiện tại, găng tay phản hồi xúc giác có khả năng đo lường chính xác chuyển động của từng ngón tay và lòng bàn tay. Từ đó, mở ra cách tiếp cận mới trong quá trình tập luyện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Mô phỏng bệnh nhân thực hiện cầm nắm “vật thể ảo” với thiết bị đeo tay và kính thực tế ảo. |
Dữ liệu được phân tích trong thời gian thực giúp các bệnh nhân và chuyên gia theo dõi tiến độ phục hồi và có lộ trình cho các bài tập tiếp theo. Dự án này không chỉ dành cho các trung tâm trị liệu mà còn phù hợp để sử dụng tại nhà, giúp bệnh nhân giảm bớt gánh nặng nhân lực, những bài tập được thiết kế cá nhân hóa phù hợp với từng người bệnh.
Hệ thống cảm biến tích hợp trong thiết bị có khả năng ghi lại các thông số quan trọng như lực cầm nắm, độ rung của ngón tay hay phạm vi chuyển động. Những dữ liệu này sẽ được phân tích và cung cấp cho bác sĩ, giúp đánh giá tiến trình hồi phục, điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Đặc biệt, thiết bị sử dụng công nghệ thực tế ảo mô phỏng môi trường tương tác trực quan, giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập vận động tay một cách hiệu quả và sinh động hơn.
Nghiên cứu này, có thể giảm bớt gánh nặng nhân lực chăm sóc bệnh nhân, nâng cao việc tập luyện cho bệnh nhân so với việc tập luyện truyền thống.Đặc biệt, sự đa dạng trong không gian ảo có thể giúp bệnh nhân tích cực luyện tập", Nghĩa
So với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường quốc tế, sản phẩm này có chi phí thấp hơn khoảng 12%. Còn tại Việt Nam, các sản phẩm tương tự đang rất hiếm hoặc không có, do vậy sản phẩm này hứa hẹn rất nhiều tiềm năng trong hiện tại và tương lai. Nhóm dự kiến định giá khoảng 4 triệu đồng/sản phẩm (bao gồm găng tay, bộ cảm biến và phần mềm.
Nhóm DNA Mechatronics cho biết sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng thêm các tính năng và thương mại hóa sản phẩm.