Saudi Arabia: Mua S-400, mua luôn cả THAAD tại sao không?
(Kiến Thức) - Với độ giàu có của Saudi Arabia chẳng quá ngạc nhiên khi quốc gia Trung Đông này sở hữu đồng thời cả S-400 lẫn THAAD.
Chí Linh
Xem toàn bộ ảnh
Việc làm trên của Saudi Arabia đã gây ra một số dự đoán trái chiều từ các nhà quan sát. Ý kiến đầu tiên cho rằng họ đánh tiếng tới Nga chỉ là một “đòn gió” nhằm ép Mỹ nhanh chóng chấp thuận việc cung cấp THAAD cho Riyadh. Nguồn ảnh: Rajya Sabha.
Ý kiến thứ hai cho rằng việc Saudi Arabia đề nghị Nga cung cấp S-400 chỉ nhằm mục đích chia rẽ Moscow với đồng minh thân cận bậc nhất trong khu vực là Iran, S-400 cũng đồng thời là phương án dự phòng trong trường hợp thương vụ đặt mua THAAD gặp trở ngại. Nguồn ảnh: Sputnik.
Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế rằng S-400 và THAAD là hai tổ hợp phòng không được thiết kế nhằm đảm trách những nhiệm vụ khác hẳn nhau, nếu Saudi Arabia mua cả hai hệ thống này cũng chẳng phải là điều quá bất ngờ. Nguồn ảnh: Sputnik.
Đầu tiên khi so sánh tính năng, THAAD là một tổ hợp được thiết kế chuyên để tiêu diệt các loại tên lửa đạn đạo tầm xa khi chúng bước vào giai đoạn xâm nhập trở lại bầu khí quyển, đây là nhiệm vụ chủ chốt và gần như là duy nhất của nó. Nguồn ảnh: foxnews.com.
Đặc tính của đạn tên lửa thuộc tổ hợp THAAD là nó có tầm bay rất cao, tốc độ rất nhanh nhưng lại rất ít cơ động. Quả đạn đánh chặn hầu như chỉ bay theo quỹ đạo đơn giản đến địa điểm dự kiến theo tính toán của đài radar điều khiển. Trong ảnh là quy trình đánh chặn tên lửa đạn đạo của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc trong đó có THAAD. Nguồn ảnh: flux24.ro.
Yêu cầu đối với đài dẫn bắn là phải đưa nó đến gần như đúng vị trí mà tên lửa đối phương sẽ bay qua, lúc đó quả đạn phòng không chỉ cần hiệu chỉnh một chút đường bay rồi lao thẳng vào để thực hiện cách thức phá hủy bằng động năng nổi tiếng. Nguồn ảnh: The Duran.
Thuật toán đánh chặn của THAAD phụ thuộc rất nhiều vào radar mặt đất, do đặc thù của việc chống tên lửa và độ cơ động kém của đạn phòng không, chỉ cần tính toán sai một tích tắc sẽ dẫn tới độ lệch hàng ngàn mét ngay lập tức, nghĩa là bỏ lọt đối tượng cần tiêu diệt. Nguồn ảnh: Business Insider.
Trong khi đó S-400 lại là một hệ thống phòng không đa năng, nó có khả năng chống tên lửa nhưng không mạnh bằng THAAD mà chủ yếu chỉ dùng để tiêu diệt tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn hoặc tầm trung (tầm bắn không quá 2.000 km). Nguồn ảnh: Análisis Militares.
Vai trò chính của S-400 là tạo lập chiếc ô phòng không bảo vệ các mục tiêu mặt đất tránh khỏi cuộc tập kích đường không bằng máy bay của đối phương. Lợi thế triển khai đồng thời hàng trăm tên lửa cùng lúc của S-400 giúp nó ăn đứt THAAD trong khoảng tác chiến phòng không. Nguồn ảnh: En Son Haber
Đạn S-400 có độ cơ động cao, vận tốc lớn, thích hợp để bám theo mục tiêu có tốc độ chậm hơn nó ở các dải độ cao khác nhau, nhưng độ chính xác lại không bằng THAAD, thể hiện qua việc nó phải dựa vào đầu đạn nổ phá mảnh nặng hàng tạ để bắn rơi phương tiện bay của kẻ địch. Nguồn ảnh: Sina.
Mặc dù các loại đạn trang bị cho S-400 có khả năng vận động tốt hơn THAAD rất nhiều, nhưng để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa thì đài radar dẫn bắn vẫn yêu cầu phải tính toán được đường bay dự kiến của mục tiêu để đưa đạn 48N6E3 hay 40N6 tới cự ly thật sát. Nguồn ảnh: New Europe
Đáng tiếc rằng khả năng này của đài 91N6, 92N2 hay 96L6 thuộc S-400 không đủ tinh vi như AN/TPY-2 trang bị cho THAAD, độ sai lệch mặc dù không quá lớn nhưng như đã nói ở trên, đối phó với mục tiêu có tốc độ quá nhanh (lên tới 5 - 6 km/s) mà không ngoại suy và dẫn tên lửa đánh chặn lên “chặn đầu” thì gần như cầm chắc thất bại, vì tên lửa đánh chặn có ngoặt nhanh đến mấy cũng không kịp. Nguồn ảnh: delfi.lt.
Với những tính năng kỹ chiến thuật kể trên, S-400 và THAAD rõ ràng không dùng để thay thế lẫn nhau mà phải được triển khai song song để bù trừ nhược điểm của nhau. Vì vậy việc Saudi Arabia sau khi đã ký hợp đồng trị giá 15 tỷ USD để mua các hệ thống THAAD vẫn tiếp tục đặt hàng S-400 là không có gì khó hiểu. Nguồn ảnh: Strategic Culture.