Sinh con cho ai?

Anh chỉ muốn phân tích thêm cho em hiểu, quan trọng nhất là sinh con cho ai?

Sinh con cho ai?

Em bảo, muốn sinh thêm một đứa, để cha mẹ chồng vui lòng, vì ông bà muốn nhìn mặt cháu trai để yên tâm nhắm mắt. Vợ chồng mình đã có hai công chúa, vậy mà em cứ thập thò đòi đi tháo vòng tránh thai. Em bảo, hai vợ chồng đều không làm việc ở cơ quan Nhà nước, sinh con thứ ba cũng chẳng sao. Anh vốn có xu hướng chiều theo ý em, nhất là lần này, em muốn sinh thêm con vì muốn làm đẹp lòng cha mẹ anh, hà cớ gì anh không chiều?

Anh biết, em là một trong những nàng dâu hiếm hoi trên trái đất này, được cha mẹ chồng chiều chuộng còn hơn chiều con ruột. Những bữa cơm gia đình, cha mẹ không lo cho con trai, nhưng cứ gắp đồ ăn cho con dâu. Gặp ai, cha mẹ cũng kể về con dâu với vẻ hãnh diện ra mặt. Mà em cũng xứng đáng được cha mẹ dành cho “phần thưởng” như vậy vì xinh đẹp, nết na, lại có tài kinh doanh. Anh cảm thấy vui lây.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tất nhiên, ở góc độ xã hội, “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”. Mà có làm việc ở cơ quan Nhà nước hay không, vẫn chỉ nên sinh hai con. Anh chỉ muốn phân tích thêm cho em hiểu, quan trọng nhất là sinh con cho ai?

Gia đình mình người Hoa, nên khát khao có cháu trai, con trai lại càng mãnh liệt. Từ bao giờ, hai vợ chồng mình phải sống trong sự trói buộc của nỗi lo không có con trai? Bản thân anh đã tự hóa giải được chuyện đó, thực sự cảm thấy có hai con gái là đủ. Nhưng anh biết, cha anh là người không dễ “hạ nhiệt” khát khao có được đứa cháu trai nối dõi tông đường. Công việc kinh doanh bận rộn, lại vất vả chăm sóc hai con gái nhỏ, vợ chồng mình còn phải đau đáu nghĩ đến “món nợ” sinh con trai từ ngày này qua tháng nọ. Bây giờ, sau một thời gian xuôi xuôi, từ bỏ ý định sinh con, em lại tuyên bố “sẽ cố gắng sinh con trai cho cha mẹ chồng vui lòng”.

Anh ghi nhận và thầm biết ơn em vì tấm lòng hiếu đễ với cha mẹ chồng, nhưng em cần đưa ra một quyết định có lý. Nói thì hơi bẽ bàng, nhưng cha mẹ anh đã trên 70 tuổi, cũng chẳng sống với con cháu được lâu. Nếu vợ chồng mình cố sinh một đứa con trai, là sinh cho vợ chồng mình, chứ cha mẹ có ăn đời ở kiếp với con cháu đâu mà hưởng? Em có thể báo hiếu cha mẹ bằng nhiều hình thức khác, như chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang, quà cáp để cha mẹ có thêm niềm vui, chứ không thể lấy đứa con làm “quà”.

Nếu có con, đứa con ấy sẽ gắn bó từ thời gian, không gian đến tình cảm với anh và em. Số phận và cuộc đời của con gắn với cha mẹ là chính, chứ không phải ông bà. Anh chẳng phải người vô cảm, anh cũng rất thích trẻ con. Khi nhắc đến chuyện sinh con, anh đã hồ hởi tưởng tượng ra đủ thứ tốt đẹp. Nhưng dẫu sao, vợ chồng mình cũng cần căn cứ vào điều kiện thực tế. Đối với em, hai lần mang nặng đẻ đau chỉ cách nhau chưa đến hai năm, đã khiến em gần như kiệt sức. Em cần có thời gian chăm sóc hai con, cần để tâm lực lo cho gia đình, công việc. Anh cũng không đủ sức kham thêm việc nuôi một đứa trẻ.

Khi có gia đình, ai nấy đều muốn toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, nhưng cũng cần nghĩ đến bản thân, bởi mỗi người cần sống tốt cho mình mới lo cho người khác được, đúng không em? Nếu em sinh thêm một đứa con, nói hơi quá là gần như em sẽ “chôn” vùi cuộc sống của em vào việc chăm con, khó có thể cân bằng được. Hơn ai hết, chính em cần “gạch đầu dòng” những yếu tố nên và không nên để xem xét khách quan vấn đề. Việc cha mẹ chồng khao khát một đứa cháu trai, chỉ nên là một ý nhỏ trong những “gạch đầu dòng” ấy.

Anh không muốn lấy quyền làm chồng để ép em dừng việc sinh nở, mà thực ra, anh cũng không có cái quyền cấm đoán ấy. Anh chỉ muốn em bình tâm để hiểu đúng vấn đề, từ đó có quyết định hợp lý hơn.

Vợ đòi chia của mới chịu sinh con

Trót lấy vợ đẹp, vợ giỏi, nhiều ông chồng cứ phải nịnh nơi nịnh rớt vợ mới chịu sinh con, nhưng kèm theo những điều kiện "trên trời".

Vợ đòi chia của mới chịu sinh con

"Cho miếng đất thì em mới đẻ"

Điều ước chung

Hôm đưa cô lên xe về quê xong, tự dưng chồng lặng lẽ ôm vợ: “Mình sinh con đi em. Trễ quá rồi”.

Điều ước chung

Hai vợ chồng hợp nhau nhiều mặt nên cưới đã sáu năm mà vẫn khăng khít mặn nồng. Một trong những điều “đồng nhất quan điểm” của cả hai là chuyện không thích sinh con.

Mặc gia đình hai bên nói tới nói lui, vợ chồng vẫn khăng khăng giữ vững lập trường. Đâu phải hễ cưới nhau là buộc phải có con. Vợ không thích bầu bì, không ưa chuyện lúc nào cũng có một đứa trẻ kề bên mè nheo khóc lóc. Chồng càng sợ việc chăm sóc trẻ con hơn. Vất vả khi chúng còn bé dại đã đành, con lớn, lại phập phồng lo chúng không thành danh, đua đòi, hư hỏng.

Buổi sáng, hai vợ chồng thư thả bật ti vi, uống cà phê, đọc báo. Hôm nào hứng thú, hai đứa lại chở nhau đi ăn điểm tâm ở nơi yêu thích, vi vu dạo qua những đoạn phố vắng rợp bóng cây xanh còn đẫm hơi sương. Trong khi đó, bạn bè trang lứa tất bật “chạy sô” đưa đứa lớn, đứa nhỏ đến trường rồi vội vã phóng xe đến công ty cho kịp giờ làm.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Vợ còn tham gia hội gia đình trẻ không muốn sinh con trên mạng. Cuối tuần, các thành viên trong hội cùng tập hợp đi chơi, ăn uống, hát hò. Cuộc sống của hai đứa tràn đầy niềm vui. Nhóm có khoảng 10 cặp vợ chồng, đa số cưới nhau chưa lâu. Theo thời gian, vài cặp “bỏ cuộc chơi” vì bận… chăm sóc em bé. Không phải ai cũng “giữ vững lập trường” như vợ chồng mình. Cuối cùng, nhóm tan rã. Vợ bắt đầu lung lay: “Hay mình sinh con? Nhà mình khác gia đình người ta quá”. “Mình thấy thoải mái là được, đâu cần phải giống ai”. Sự kiên định của chồng khiến vợ phần nào yên tâm.

Nhưng rồi vợ không còn cảm thấy vui nữa. 34 tuổi, trong khi bè bạn bận túi bụi, vợ lại có những khoảng thời gian rỗi dài lê thê, nhất là vào hai ngày lúc tệ hơn nữa là những cuối tuần chồng vắng nhà. Để “giết thời gian”, vợ tập đan móc. Làm được vài cái áo thì chán. Chuyển sang thêu thùa. Tỉ mẩn với kim chỉ được một phần ba bức tranh, tự dưng hết hứng. Sang nhà bạn chơi, thấy bạn ôm con hôn hít cười giỡn, lòng vợ lại phân vân.

Chuyện trôi vào lãng quên cho đến khi ba mẹ gọi điện bảo hai vợ chồng vào bệnh viện chăm sóc cô Tư. Cô là em ruột của ba chồng. Vợ chồng cô Tư không có con cái. Năm ngoái, cơn đột quỵ khiến dượng ra đi mãi.

Mấy ngày ở viện, thấy vợ chồng đứa cháu lui tới, cô mừng lắm. Biết chuyện hai đứa không thích có con, cô trừng mắt nhìn rồi mắng: “Con ơi là con, cả đời cô cầu khẩn, chạy chữa khắp nơi mà không được, về già mới khổ như vầy. Tao cứ tưởng tụi bây hiếm muộn…”. Cô Tư nằm viện gần hai tháng. Vợ chồng mình vào thăm thì cũng chỉ được một chút rồi về, vì không thể bỏ bê nhà cửa, công việc. Hôm đưa cô lên xe về quê xong, tự dưng chồng lặng lẽ ôm vợ: “Mình sinh con đi em. Trễ quá rồi”.

Vợ ngưng uống thuốc đã gần một năm, vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì. Hai vợ chồng bắt đầu sốt ruột. Bác sĩ bảo sức khỏe của cả hai đều tốt, cứ lạc quan, đợi thêm thời gian nữa.

Đón sinh nhật tuổi 35, chồng hỏi vợ thích quà gì, hiếm cỡ nào chồng cũng tìm mua. Vợ lặng lẽ ngả đầu vào ngực chồng: “Giờ em chỉ mong ước tụi mình sớm sinh được một đứa con”. Chồng khẽ xoa xoa vợ dỗ dành: “Ừ, chồng cũng chỉ ước như vậy”.

“Em mà cứ lớ xớ, anh tước quyền nuôi con“

Từng đó thời gian, tôi vẫn “ngụp lặn” với câu hỏi: Phụ nữ phải chăng không có quyền khẳng định bản thân và thể hiện năng lực với xã hội.

“Em mà cứ lớ xớ, anh tước quyền nuôi con“

Mới rồi, sau 15 năm ra trường, lớp đại học của chúng tôi tổ chức họp lớp lần đầu tiên. Thật may, lại họp vào đúng buổi trưa của ngày thứ 2 mà tôi mới có thể tham dự được. Từ ngày lập gia đình đến nay, tôi có một luật bất thành văn là không vui chơi, không bạn bè, không bù khú vào ngày nghỉ cuối tuần (vì lúc đó cả hai con tôi đều nghỉ học, làm gì có người trông), không đi vào lúc chiều tối (vì tôi còn phải lo đón con, rồi tạt qua chợ mua đồ ăn tối), cũng không đi đâu quá xa nhà.

Bao năm xa cách, nay hội ngộ, tôi thấy bạn bè mình đều thay đổi. Trừ một số ít có phần già đi, xuống sắc, đa phần các bạn đều “phát” theo hướng rất là tích cực. Con trai tự lái xe ô tô riêng, con gái thì váy vóc, làm đầu xoăn, nhuộm tóc màu hạt dẻ, đánh má phấn môi son rất nét. Nhiều bạn khoe đã mua được nhà, hơn thế còn là nhà ở phố trung tâm, hoặc chí ít cũng là chung cư cao cấp với 3-4 phòng ngủ. Chỉ có tôi là mỗi vậy, không lên, không xuống.

- Trông cậu vẫn vậy, Thương nhỉ?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cậu bạn tên Hải, hồi còn đi học ngồi trước tôi, tiến lại gần, nhận xét. Tôi cười. “Ừ mình vẫn vậy”. Hải lại nói tiếp: “Có nhiều bạn, mình phải nghĩ mới ra tên. Riêng Thương thì không lẫn đi đâu được. Vẫn kiểu tóc ngắn “vừa nhanh vừa tiện”, kiểu quần bò áo phông “vừa tiện, vừa nhanh”… Bao năm rồi, Thương cứ là Thương của ngày nào, đứng ngoài mọi đổi thay của xã hội, không chạy theo mốt, không cần biết thiên hạ đang sắm sửa gì".

Tôi không biết Hải nói vậy là khen hay chê tôi. Nhưng tôi thì tự cho rằng, đó là lời chê ngầm. Thực tế thì không chỉ có mỗi hình thức thôi đâu, ngay cả sự nghiệp, tiếng tăm của tôi cũng không có gì thay đổi so với thời chỉ là một cô cử nhân.

- Dạo này Thương làm gì? Chắc hẳn giỏi như Thương, giờ đã là trưởng phòng, mà có khi còn là giám đốc nữa ý chứ-lại một cô bạn khác tên Doan đon đả hỏi thăm.

Tôi chỉ gượng cười, khe khẽ nói rất nhỏ: “Đâu có. Mình thất bại trong mọi việc, ngoại trừ niềm tự hào đã có hai con, đủ nếp đủ tẻ”.

Tôi nói vậy bởi ngày còn học đại học, tôi là lớp phó của lớp. Và chỉ thiếu một chút xíu nữa thôi là tôi đủ điều kiện để được giữ lại trường làm giảng viên. Khi chứng tôi chia tay sau lễ tốt nghiệp, rất nhiều người nghĩ tôi sẽ nằm trong nhóm sẽ sớm có “tương lai tươi sáng”.

Kỳ thực ngược lại. So với các bạn bây giờ, tôi là kém nhất. Không phải là vì tôi không có năng lực, mà có lẽ, tôi đã không quyết tâm phấn đấu để được tỏa sáng.

Lý do bởi vì, tôi có một gia đình để luôn phải bận tâm, lo lắng. Gia đình tôi gồm 4 người: tôi, chồng và hai con. Một đứa lớp 3, một đứa sắp vào lớp 1 nên không còn cảnh phải bế bồng, cháo lão. Nhiều người sẽ bảo, tưởng gì chứ có thế thôi mà cũng kể lể. Nhiều cô dâu còn phải lo vun vén trong gia đình tam tứ đại đồng đường mới gọi là khó và vất vả.

Nhưng, tôi lại khác. Chồng tôi có quan niệm, phụ nữ là người xây tổ ấm, còn đàn ông thì chỉ… xây nhà thôi. Anh tuyên bố, tôi không phải phấn đấu nhiều. Chỉ cần tìm một việc làm ổn định, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, chủ yếu là để khỏi buồn và bị mang tiếng là “ăn bám”. Còn lại tôi cứ dành hết thời gian mà chăm lo cho chồng con. Chồng tôi có thể đi suốt ngày thì được. Nhưng, anh không chấp nhận tôi mở miệng kêu “em bận”. Với anh, phụ nữ không được quyền bận. Không công việc nào quan trọng bằng công việc nội trợ. Mọi việc xảy ra trong nhà đều chỉ có tôi gánh vác là chính. Con ốm-cũng chỉ tôi xin nghỉ để đưa đi khám. (trừ khi con ốm nặng anh mới “xuất chiêu”). Con tan học-nhiệm vụ đưa đón cũng thuộc về tôi. Rồi chợ búa, cơm nước-không tôi thì còn ai lo. Chồng về mà thấy tôi đã ở nhà chăm con, nấu nướng thì tỏ ra rất hài lòng. Nhưng, ngược lại, anh về trước tôi là mặt nặng mày nhẹ tra cật xem tôi làm gì, đi đâu mà muộn vậy.

Như tôi đã nói, tôi không phải là người kém cỏi, dốt nát gì. Ở cơ quan, nhiều lần tôi cũng được cấp trên “dấm” vào vị trí này, chức vụ nọ. Đổi lại, sếp muốn tôi hãy chứng tỏ mình nhiều hơn. Làm việc thì không phải cứ 4 giờ chiều là đứng dạy mà có thể ở lại cống hiến cùng anh em. Rồi tôi cũng nên đăng ký tham gia học thêm về nghiệp vụ, hay là học “nâng cấp bằng” lên thạc sĩ, tiến sĩ, sau này rất tiện cho quá trình quy hoạch. Vừa hay cơ quan tôi được thành phố rót về chỉ tiêu học thạc sĩ, kinh phí nhà nước cho toàn bộ. Người học chỉ phải sắp xếp thời gian học ngoài giờ. Tôi hý hứng về hỏi ý kiến chồng thì anh vội vàng gạt đi. Rồi anh nhìn như thể tôi là vật thể lạ mới rớt xuống: “Em tỉnh lại đi. Học hành cái gì. Sự nghiệp của em là gia đình, là con cái. Em đi học thì ai lo cho con. Vớ vẩn”. Tôi chưng hửng, đành im lặng.

Nhà thì có hai người lớn và hai đứa trẻ. Nhưng, tôi bận mà người lớn còn lại là anh mà không chịu giúp đỡ thì làm sao tôi tự mình xoay sở được. Thôi đành vậy. Tôi gãi đầu gãi tai đến xin sếp cho khất học đến lần sau. Và cứ thế, đã 10 năm, tôi vẫn cứ lấy tiếng “con nhỏ” để khước từ các cơ hội. Trong khi đó, nhiều nhân viên trẻ, vào cơ quan sau tôi cả vài năm, nhưng đều đã lần lượt học xong bằng ngày cấp nọ. Có em, còn được đề bạt làm phó phòng.

Tôi không thuộc dạng ưa chức tước. Nhưng, tôi chỉ mong được cống hiến nhiều hơn cho công việc, được phép hăng say hơn thay vì suốt ngày phải lo đón con lúc nào, tối nay ăn gì. Bây giờ, mỗi lần nhìn các đồng nghiệp miệt mài bên bàn làm việc mà tôi thèm. Chồng tôi thì vẫn giữ quan điểm rằng: “Đàn bà con gái thì làm được gì. Nếu vợ mà thành danh trong sự nghiệp thì chỉ tổ vênh mặt với chồng, rồi hênh hoang mà thôi. Chi bằng, cứ ở nhà làm dâu hiền, vợ thảo, mẹ đảm đang”. Để dập tắt ý định mới nhen nhúm trong tôi, anh còn tiếp tục dội cho tôi gáo nước lạnh: “Phụ nữ nào có gia đình rồi mà còn mơ thành đạt là ảo tưởng. Em mà cứ lớ xớ, anh… tước quyền nuôi con. Lúc đó, em mới thấy công việc và con cái, cái nào cần cho mình hơn”.

Suy nghĩ đó của anh rất là phiến diện và quá ư bất bình đẳng. Nhưng, tôi đã phải chấp nhận nó mười mấy năm qua. Và cũng từng đó thời gian, tôi vẫn đang “ngụp lặn” với câu hỏi: Phụ nữ phải chăng không có quyền khẳng định bản thân và thể hiện năng lực với xã hội.

Tin mới