So găng sức khoẻ 2 'ông lớn' Xây dựng Hoà Bình và Coteccons quý 2

(Vietnamdaily) - Sau nửa năm 2022, bức tranh kinh doanh tại hai "ông lớn" Xây dựng Hoà Bình và Coteccons tiếp tục lệch pha.
 

Áp lực từ cơn sốt giá nguyên vật liệu cùng với sự hoành hành của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng.

Cho tới năm 2022, các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng đã sẵn sàng lên kế hoạch cho năm 2022 - năm với dự báo thị trường sẽ hồi phục đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới.

Theo đó, ngành xây dựng lại tiếp tục chứng kiến một bức tranh trái chiều giữa hai "ông lớn": Xây dựng Hoà Bình (HBC) đặt tham vọng mới sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, trong khi Coteccons (CTD) tiếp tục tái cấu trúc và hạ chỉ tiêu lợi nhuận về mức thấp nhất lịch sử.

Sau nửa năm 2022, bức tranh kinh doanh tại hai "ông lớn" này tiếp tục lệch pha.

Biên lãi gộp trái ngược

Phải nói rằng trong quý 2/2022, HBC cùng CTD ghi nhận doanh thu cùng tăng trưởng 29% nhưng CTD đã kiểm soát chi phí giá vốn tốt hơn nên biên lãi gộp cải thiện lên 6,6% từ mức 5,3%. Ngược lại, Hoà Bình lại ghi nhận biên lãi gộp giảm sâu mức 6,1% của cùng kỳ xuống 3,2%.

Nhờ các hoạt động tài chính tăng đột biến nhờ bán các khoản đầu tư cùng việc nhận về phần lãi khác giúp HBC có lãi 50 tỷ đồng, nhưng con số này giảm 14% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Xây dựng Hoà Bình đạt 7.063 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 61 tỷ đồng, giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái.

Còn với CTD, việc trích lập dự phòng nợ khó đòi cho các dự án tồn đọng từ 2018 - 2020, cùng những khó khăn của ngành bất động sản, xây dựng hiện nay, đã tạo áp lực rất lớn lên biên lợi nhuận ròng quý 2 của công ty.

Coteccons cho biết một trong những dự án công ty phải trích lập dự phòng nặng nề nhất là của Công ty Ngôi sao Việt - một công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Dự án đã được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2019 và mặc dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ, nhưng trong quý 2/2022, Coteccons vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng 242 tỷ đồng cho dự án này, nâng số trích lập dự phòng lũy kế 2020-quý 2/2022 lên đến 484 tỷ đồng.

Điều này là nguyên nhân khiến CTD lỗ 24 tỷ đồng trong quý 2. Lũy kế 6 tháng 2022, Coteccons ghi nhận doanh thu thuần 5.193 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 5,4 tỷ đồng, giảm 94,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

So gang suc khoe 2 'ong lon' Xay dung Hoa Binh va Coteccons quy 2
CTD và HBC có lợi nhuận trái ngược quý 2.
Gia tăng vay nợ khiến chi phí tài chính phình to

Tại ngày 30/6, nợ vay của Hòa Bình là 6.534 tỷ đồng, tăng 28% so đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 5.461 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm, chủ yếu từ các ngân hàng.

Hiện ngân hàng BIDV đang cho HBC vay ngắn hạn nhiều nhất lên đến 2.266 tỷ đồng, tiếp đến là ngân hàng Vietinbank cho vay hơn 1.286 tỷ đồng. Ngoài ra còn có ngân hàng MSB cho vay 480 tỷ đồng; MB cho vay hơn 195 tỷ đồng; Techcombank cho vay hơn 287 tỷ đồng;…

Đặc biệt, về nợ vay dài hạn tăng tới 170% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 675 tỷ đồng, lên gần 1.074 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ qua trái phiếu. Tại thời điểm 30/6/2022, dư nợ trái phiếu hơn 982 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 290 tỷ đồng.

Việc vay nợ ở mức cao khiến công ty chịu áp lực lớn về chi phí lãi vay, riêng trong quý 2, chi phí lãi vay của công ty ở mức gần 148 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.

Đáng kể là tổng vay nợ của Coteccons tăng đột biến lên hơn 1.314 tỷ đồng, tăng thêm 528 tỷ đồng, trong khi đầu năm chưa được 2 tỷ đồng. Theo đó, Coteccons đã huy động nợ từ cả hai kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu.

Đối với kênh tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp huy động khoản vay ngắn hạn hơn 922 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Mặt khác, Công ty xây dựng này huy động khoản vay dài hạn gần 530 tỷ đồng cho hoạt động thi công hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.

Đối với kênh phát hành trái phiếu, Coteccons thu về gần 494 tỷ đồng sau đợt phát hành trái phiếu trong nửa đầu năm. Số tiền này sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh và tăng quy mô vốn hoạt động cho Công ty.

Thực tế, dưới trướng chủ mới, Coteccons tăng cường vay nợ, tính đến 30/6, tổng nợ vay chiếm 8% tổng nguồn vốn. Trong khi dưới thời ông Lê Bá Dương, doanh nghiệp xây dựng này nói không với nợ vay.

Ghi nhận trong kỳ thì chi phí lãi vay của doanh nghiệp này hơn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số lãi phải trả chưa tới 200 triệu đồng.

Dòng tiền kinh doanh chính gặp khó

Dòng tiền kinh doanh như nguồn sống của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xây dựng. Tuy vậy trong thời gian vừa qua, 2 đại gia đầu ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn khi dòng tiền âm nặng.

Dòng tiền kinh doanh của Coteccons đang âm hơn 1.298 tỷ đồng, ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 15,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.311,3 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Nửa đầu năm, số tiền gửi ngân hàng đem về cho Coteccons 56,5 tỷ đồng cùng với khoản lãi từ cho vay và đầu tư góp vốn giúp công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính gấp đôi cùng kỳ lên 228 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Xây dựng Hòa Bình cũng cho thấy dòng tiền của công ty đang gặp vấn đề khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.364 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương 692 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản phải thu, vốn chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng tài sản Xây dựng Hòa Bình ghi nhận mức tăng thêm hơn 1.050 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Cổ phiếu vẫn tìm về thời hoàng kim

Sau khi nhóm Kusto trực tiếp nắm quyền hành, áp lực tứ phía từ khách quan đến chủ quan, thị trường dần rời bỏ cổ phiếu CTD, tất nhiên bên cạnh giá thép, câu chuyện nội tại của CTD cũng khiến nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào cổ phiếu.

So gang suc khoe 2 'ong lon' Xay dung Hoa Binh va Coteccons quy 2-Hinh-2
 Diễn biến cổ phiếu CTD trong vòng 1 năm.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu CTD liên tiếp giảm mạnh. Hiện CTD được mua bán xung quanh mức giá 64.000-65.000 đồng/cp, tương ứng tăng 2,3% trong vòng một năm qua.

Ở diễn biến khác, trong 1 năm qua, giá cổ phiếu HBC tăng 65% lên mức 21.300 đồng/cp ở thời điểm hiện tại. Tuy vậy khi nhìn về quá khứ, cổ phiếu HBC từng hút dòng tiền và chạm đỉnh vào năm 2017, kể từ đó cổ phiếu lao dốc mạnh và chỉ giao dịch quanh mức 20.000-21.000 đồng/cp trong thời gian gần đây.

Dù triển vọng kinh doanh của HBC cải thiện, tuy nhiên cổ phiếu vẫn ở mức thấp khiến nhiều cổ đông đặt dấu hỏi về sự thao túng, làm giá?

Trả lời điều này, Thành viên HĐQT, ông Đặng Doãn Kiên phân trần giá cổ phiếu HBC đi xuống là nỗi buồn với các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thị trường hiện cũng còn rất nhiều cổ phiếu có thị giá không bằng giá trị sổ sách, không riêng HBC.

So gang suc khoe 2 'ong lon' Xay dung Hoa Binh va Coteccons quy 2-Hinh-3
Diễn biến cổ phiếu HBC trong 1 năm. 

Phía HBC khẳng định "không biết có ai đang thao túng cổ phiếu, và nếu cổ đông biết thì xin thông báo với cơ quan chức năng".

Còn nhớ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, Chủ tịch Lê Viết Hải đã ủy quyền cho cố vấn cấp cao đưa ra tầm nhìn ba năm sau rằng giá HBC sẽ lên 68.000 đồng/cp. Thực tế đã 2 năm trôi qua, HBC mới chỉ dừng ở 21.000 đồng/cp.

"Tôi tin trong 2 năm tới, tình hình sẽ cải thiện nhiều, chắc chắn giá cổ phiếu cũng sẽ được cải thiện" - Chủ tịch HBC khẳng định.

HBC: Biên lãi gộp quý 2 giảm phân nửa, lãi ròng sụt 24% còn 50 tỷ đồng

(Vietnamdaily) - Quý 2/2022, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ghi nhận lãi ròng giảm 24% dù cho doanh thu tăng mạnh 28%.

Trong kỳ, doanh thu ghi nhận mức tăng 28% lên gần 4.080 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng cao nên lãi gộp giảm đến 31%, biên lãi gộp giảm mạnh phân nửa từ mức 6,1% về 3,2%. 

Điểm sáng là doanh thu tài chính gấp gần 3 lần lên 183 tỷ đồng phần lớn đến từ lãi bán các khoản đầu tư. Chi phí tài chính cũng tăng đến 88%.

Coteccons báo lỗ 24 tỷ trong quý 2 do nợ khó đòi liên quan Tân Hoàng Minh

(Vietnamdaily) - Xây dựng Coteccons trích lập dự phòng khó đòi lớn từ dự án D’Capitale nên lỗ gần 24 tỷ đồng trong quý 2.

Theo BCTC quý 2 của CTCP Xây dựng Coteccons (CTD), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu hơn 3.280 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ xây dựng và cho thuê thiết bị xây dựng tăng trưởng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp tương ứng tăng 60%.