So kè ông lớn ngành xây dựng Coteccons và Hòa Bình quý 4/2023

(Vietnamdaily) - Sang quý 4 vừa qua, bức tranh ngành xây dựng đã khởi sắc thấy rõ, điển hình là tại hai nhà thầu lớn - HBC và CTD đều có sự cải thiện về biên lợi nhuận và chi phí quản lý.

Xây dựng Hòa Bình đạt doanh thu 2.191 tỷ đồng, giảm 32% so với quý 4/2022. Tuy nhiên giá vốn giảm mạnh giúp lãi gộp đạt 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 426 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HBC được hoàn nhập 223 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp, so với cùng kỳ khoản này lên tới 496 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Công ty lỗ sau thuế 777 tỷ đồng, so với năm 2022 lỗ gần 2.600 tỷ đồng; nâng lỗ lũy kế lên gần 2.900 tỷ đồng.

So ke ong lon nganh xay dung Coteccons va Hoa Binh quy 4/2023
 

Đối với Xây dựng Coteccons, trong quý 2 của năm tài chính 2024 (từ ngày 01/07/2023 đến 30/06/2024), công ty đạt doanh thu 5.660 tỷ đồng, sụt giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 3,6 lần, đạt 69 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ quý 1/2021.

Biên lợi nhuận của CTD tăng từ mức 2,7% của cùng kỳ lên 3%. Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ giảm mạnh 33% xuống mức 122 tỷ đồng. Mức giảm này phần lớn đến từ khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, về còn 48 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng được tiết giảm 49% xuống còn hơn 30 tỷ đồng.

Lũy kế cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc vào ngày 31/12/2023, CTD ghi nhận doanh thu 9.783 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 136 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần. Trong năm tài chính 2024, CTD đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.793 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 274 tỷ đồng. Như vậy sau 2 quý đầu, công ty đã hoàn thành 55% chỉ tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Theo đánh giá của SSI Research, Xây dựng Coteccons được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ trong cả năm 2024 sau quá trình tái cơ cấu. Đặc biệt, đối với mảng xây dựng công nghiệp, dự án nhà máy LEGO (tỉnh Bình Dương) hiện vẫn là dự án lớn nhất của Xây dựng Coteccons.

Tính tới cuối tháng 11/2023, tỷ lệ bàn giao tại dự án này đã đạt 30%, do đó Xây dựng Coteccons được kỳ vọng sẽ ghi nhận phần doanh số bán hàng còn lại, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng, vào khoản doanh thu trong năm tài chính 2024 và quý I năm tài chính 2025.

Ngoài ra, CTD cũng đang tham gia xây dựng nhà máy lắp ráp sản phẩm Apple cho Foxconn ở Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) với tổng mức đầu tư 300 triệu USD (khoảng 7.330 tỷ đồng). Công ty Chứng khoán VnDirect ước tính giá trị hợp đồng của Coteccons trong dự án này đạt khoảng 45 triệu USD (tương đương 1.099 tỷ đồng).

Theo đại diện của CTD, 2023 là một năm khó khăn chung của ngành xây dựng khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng "đóng băng". Doanh nghiệp này kỳ vọng từ nửa sau năm 2024 tới nửa đầu năm 2025 sẽ là thời gian xoay chiều của ngành địa ốc.

Ngoài ra, FDI cũng đang là điểm sáng của Việt Nam với mức tăng trưởng rõ rệt về sản lượng đăng ký mới trong năm qua. Do đó, CTD hy vọng các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc xây dựng nhà máy cho các công ty toàn cầu trong tương lai.

Mặc dù tình hình kinh doanh đã khởi sắc hơn nhưng khoản phải thu, trích lập dự phòng lớn vẫn là thách thức với hai doanh nghiệp. Tại thời điểm cuối năm 2023, Coteccons có hơn 11.800 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, trong đó phải trích lập dự phòng gần 1.300 tỷ đồng.

Khoản trích lập dự phòng trên của CTD đến từ 1.700 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, 3 khoản phải trích lập 100% là từ Công ty Ngôi Sao Việt - thuộc Tân Hoàng Minh (hơn 483 tỷ đồng), Công ty Saigon Glory - chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon (gần 143 tỷ đồng) và Công ty Đầu tư Minh Việt - chủ đầu tư dự án Tricon Towers (122 tỷ đồng).

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Xây dựng Hoà Bình cũng là khoản phải thu ngắn hạn với 8.492 tỷ đồng, trong đó có 4.980 tỷ phải thu của khách hàng và 3.083 tỷ phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.

Tại thời điểm cuối năm 2023, HBC phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 2.127 tỷ đồng, giảm 378 tỷ đồng sau một quý.

Thoát khỏi diện hạn chế giao dịch, cổ phiếu HBC liền tăng trần

(Vietnamdaily) - Sau hơn 7 tháng bị hạn chế giao dịch, cổ phiếu HBC đã được giao dịch toàn thời gian kể từ ngày mai.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) quyết định chuyển cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) từ diện hạn chế sang kiểm soát giao dịch kể từ 19/1. Theo đó, HBC được giao dịch toàn thời gian kể từ 19/1.

Lý do là công ty đã khắc phục được tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Trước đó, HBC bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên chiều) kể từ 23/5/2023. Nguyên do từ việc chậm nộp báo cáo tài chính năm 2023 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Phản ứng với thông tin trên, cổ phiếu HBC đã tăng trần vào phiên chiều 18/1. Thanh khoản cũng tăng cao với khối lượng giao dịch khoảng 5,2 triệu đơn vị. Trong 1 tháng gần nhất, cổ phiếu đã tăng giá 13%, khối lượng giao dịch bình quân phiên khoảng 1,1 triệu đơn vị thấp hơn phân nửa so với bình quân qua 1 năm.

Thoat khoi dien han che giao dich, co phieu HBC lien tang tran
 Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình - ông Lê Viết Hải.

Trong diễn biến gần đây, HBC đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường 2024 đã thông báo trước đó, đồng thời công bố mục tiêu kinh doanh năm nay với doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 433 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tương đương với năm 2019, trước khi các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

Năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Tuy nhiên sau 9 tháng, công ty mới đạt 5.356 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 884 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế của công ty lên mức 2.980 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ (2.741 tỷ đồng).

Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 17/10, ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HBC cho biết, khả năng để công ty đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của tập đoàn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.

Công ty có kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group, dự kiến thu về 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên kế hoạch này đã được huỷ bỏ. Vì vậy, HBC ước tính doanh thu hợp nhất năm 2023 sẽ đạt 7.800 tỷ đồng, còn lợi nhuận âm.

Xây dựng Hòa Bình lỗ lũy kế 2.900 tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ

(Vietnamdaily) - Tại thời điểm cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình vẫn đang lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu giảm gần 63% so với tại đầu năm 2023 còn gần 454 tỷ đồng.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố BCTC quý 4/2023 với doanh thu 2.190 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh giúp công ty lãi gộp 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 462 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính đạt hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là âm gần 113 tỷ đồng. Chi phí tài của Xây dựng Hòa Bình giảm trong khi chi phí bán hàng tăng nhẹ. Ngoài ra công ty còn ghi nhận khoản lỗ 32 tỷ đồng từ công ty liên kết.

Tuy nhiên HBC lại được hoàn nhập 223 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp. Theo thuyết minh BCTC, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng. Kết quả, Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 103 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.

Xay dung Hoa Binh lo luy ke 2.900 ty dong, an mon von chu
 

Lũy kế năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ 777 tỷ đồng cả năm, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2.600 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình vẫn đang lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu giảm gần 63% so với tại đầu năm 2023 còn gần 454 tỷ đồng. 

Tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt 13.054 tỷ đồng, giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của công ty chiếm phần lớn tài sản, ở mức 8.820 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ so với đầu năm. Lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty chỉ còn 390 tỷ đồng.

Các khoản phải thu (cả ngắn và dài hạn) của công ty tại ngày cuối cùng của năm 2023 cũng giảm 20% so với đầu năm còn 8.820 tỷ đồng, chủ yếu giảm do hoạt động thu hồi công nợ từ khách hàng trong năm qua. Đây cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của doanh nghiệp.

Tổng dư nợ vay tài chính của Hòa Bình ở mức 4.718 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm đầu năm 2023, song cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.