Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân thuộc địa phận Thị trấn Lăng Cô, (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). |
Dưới thời Nguyễn, do nằm ở vị trí chiến lược của đèo Hải Vân, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng. |
Tháng Hai năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh đèo Hải Vân, cửa trước viết ba chữ Hải Vân Quan, cửa sau viết sáu chữ Thiên hạ đệ nhất hùng quan, hai bên tả hữu xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. |
Từ đó, muốn vượt qua ải Hải Vân đều phải qua hai lần cửa xây bằng gạch vồ theo lối vòm cuốn, giống cửa ở kinh thành Huế, nhưng không có vọng lâu, bên trên cửa là sân thượng dùng để quan sát bốn phía, có xây bậc thang lên xuống. |
Hải Vân Quan đã trở thành là một thành lũy quân sự quan trọng trên con đường thiên lý Bắc - Nam. |
Các vua nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) đã nhiều lần ra chỉ dụ liên quan đến Hải Vân quan nhằm bảo vệ an toàn cho Kinh đô Huế và dân chúng qua lại để có thể kiểm soát, phòng trừ bất trắc, bảo vệ an toàn mặt phía nam Kinh đô Huế. |
Tuyến phòng thủ ngày càng được tăng cường củng cố khi Đà Nẵng bị phương Tây nhòm ngó: Tháng 8/1848, vua Tự Đức cho đắp thêm pháo đài ở cửa ải Hải Vân, năm 1849 lại đặt thêm 7 cỗ thần công để phòng thủ cả trên núi cao lẫn ngoài mặt biển. |
Các chuyên gia đánh giá: Nằm ở vị trí chiến lược của đèo Hải Vân, Hải Vân Quan là một cơ cấu phòng thủ rất kiên cố, có khả năng đẩy lui các cuộc tấn công và kiểm soát có hiệu quả sự qua lại ở nơi đây. |
Sau nhiều thế kỷ tồn tại, Hải Vân quan chịu chung số phận với sự suy tàn của triều đình nhà Nguyễn. Năm 1876, trước khi người Pháp lập nền Bảo hộ nơi đây có 50 lính canh phòng. Năm 1885, sau khi ký Hòa ước Giáp Thân (1884), số lính chỉ còn khoảng 5 người. |
Di tích Hải Vân quan đã có sự biến đổi rất nhiều so với các tư liệu chính sử triều Nguyễn. |
Năm 1918, khi H.Cosserat khảo cứu Hải Vân quan khẳng định nơi đây tuy bị hoang phế nhưng diện mạo các công trình xây dựng còn tương đối rõ nét về vị trí, quy mô, cấu trúc... Nhưng trong giai đoạn 1946 - 1975, Hải Vân quan và đèo Hải Vân đã bị xây thêm phía trên để tăng thêm độ cao của các cổng nhằm mở rộng tầm kiểm soát. |
Một vài đoạn tường lũy, hệ thống bậc cấp, đường đi nội bộ… đã bị triệt giải, hạ thấp độ cao hoặc xây mới lệch khỏi vị trí nguyên gốc. Các ụ súng thần công đều bị các dãy nhà binh, nhà trại, kho ngầm, ụ súng của thời kỳ quân đội Pháp, Mỹ đồn trú thay thế. |
Đường Thiên lý từ phía Nam dẫn lên Hải Vân quan và từ đèo Hải Vân đi Huế cũng bị san ủi, bồi lấp. Bên cạnh đó, xung quanh Hải Vân quan, các đơn vị quân đội Pháp, Mỹ đã xây thêm 5 lô cốt tại các vị trí xung yếu để bảo vệ cứ điểm này. |
Sau năm 1975, một số công trình như trạm Viba, đường điện cao thế, ... được xây dựng cùng với những công trình do quân đội Pháp, Mỹ xây dựng trước đây đã làm thay đổi nhiều so với mặt bằng nguyên gốc của di tích Hải Vân quan. |
Hiện nay, cùng với Lăng Cô - Bạch Mã - Cảnh Dương, Hải Vân Quan là một điểm đang thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng và biển. |
Mời độc giả xem video:Làm sao để xử lý những hành vi phản cảm nơi công cộng. Nguồn: VTV24.