Sốc: "Sứ giả chiến tranh" tên lửa Tomahawk được Mỹ sản xuất trong... nhà tù?
Ông trùm buôn vũ khí người Nga Viktor Bout trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Sputnik tiết lộ thông tin bất ngờ khi cho biết rất nhiều bộ phận quan trọng của tên lửa hành trình Tomahawk được sản xuất ngay trong chính các nhà tù của Mỹ.
Theo Việt Hùng/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Từ lâu tên lửa hành trình Tomahawk đã được coi là đòn phủ đầu uy lực của Mỹ. Cho tới nay nó vẫn được coi là loại tên lửa hành trình cực hiệu quả, vượt trên cả Kalibr của Nga nếu xét tổng thể các thông số.
Loại vũ khí này cũng là "ngôi sao" sáng nhất trong hệ thống tên lửa của Mỹ.
Với trọng lượng 1.300 kg và chiều dài 5,56 m với phiên bản thường và trọng lượng 1.600 kg, chiều dài 6,25 m với phiên bản tăng cường, tên lửa Tomahawk mang được đầu đạn nặng 450 kg hoặc đầu đạn hạt nhân W80.
Phạm vi hoạt động khoảng 2.500 km ở phiên bản tiêu chuẩn.
Tuy chỉ bay với tốc độ cận âm nhưng nhờ khả năng né tránh linh hoạt hệ thống phòng thủ của đối phương nên Tomahawk dễ dàng bắn hạ các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
Với khả năng mang theo đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, tên lửa Tomahawk có khả năng phá hủy lớn hơn rất nhiều so với dáng vẻ bề ngoài có phần thon gọn của nó.
Trên thực tế, Tomahawk là một trong những tên lửa đa nhiệm bậc nhất thế giới. Với khả năng bắn từ mặt đất, trên tàu chiến hay tàu ngầm hoạt động dưới đáy biển, Tomahawk dễ dàng tham chiến ở mọi chiến trường.
Thua kém nhiều so với các loại tên lửa khác về tốc độ nhưng khả năng bay lắt léo theo sự điều khiển là thế mạnh vượt trội của Tomahawk.
Ngay sau khi rời bệ phóng, các chuyên gia vũ khí có thể điều khiển tên lửa thông qua hệ thống định vị toàn cầu.
Trong trường hợp tự hành theo lịch trình được cài đặt sẵn, tên lửa Tomahawk vẫn nhận các tín hiệu trực tiếp từ vệ tinh hoặc hệ thống do thám tối tân của Mỹ để dễ dàng bắn hạ mục tiêu mà không gặp phải bất kể sự cản trở nào của đối phương.
Điều đặc biệt là tên lửa hành trình Tomahawk vẫn có thể thay đổi mục tiêu ngay cả khi đang di chuyển.
Đây là điều mà hiếm có loại tên lửa hành trình nào trên thế giới có được. Thông thường mục tiêu thường phải nạp trước cho tên lửa hành trình trước khi khai hỏa.
Cặp cánh dài độc đáo giúp Tomahawk linh hoạt trong quá trình bay.
Không bay theo đường thẳng mà có khả năng di chuyển linh hoạt qua những “điểm mù” của radar phòng không đối phương giúp khả năng sống sót của Tomahawk rất cao.
Thực tế chứng minh việc phát hiện Tomahawk bằng radar hay các thiết bị quét hồng ngoại là việc rất khó.
Thêm vào đó, hệ thống dẫn đường phức tạp, tích hợp nhiều công nghệ khác nhau giúp Tomahawk trở nên chính xác vượt trội trong mọi điều kiện tác chiến.
Thậm chí, gần như chắc chắn Tomahawk biết nó đang bay ở địa hình nào, độ cao bao nhiêu với sai số 1m trên 1.000m đường bay.
Không chỉ vậy, Tomahawk còn có thể đọc địa hình theo chiều thẳng đứng để so sánh với bản đồ số được nạp sẵn, giúp tên lửa di chuyển an toàn và chính xác hơn.
Cuối cùng, hệ thống so sánh điện tử với mắt thần giúp Tomahawk lao vào mục tiêu với sai số dưới 10m. Đây là con số cực ấn tượng cho một loại tên lửa có tầm bay trên cả ngàn cây số.
Sau khi nạp sẵn dữ liệu mục tiêu, hệ thống điện tử của Tomahawk sẽ so sánh các bức ảnh mà mắt thần chụp lại để xác định mục tiêu.
Cuối cùng, Tomahawk sở hữu hệ thống định vị toàn cầu GPS, giúp xác định vị trí tên lửa và quỹ đạo bay.
Bên cạnh đó, khả năng kết nối và cập nhật thông tin mục tiêu từ các thiết bị do thám khác giúp đảm bảo khả năng bắn hạ.
Chính vì lẽ đó, Tomahawk có khả năng bắn lọt qua cửa sổ của căn nhà mục tiêu.
Mục tiêu gần như bị phá hủy hoàn toàn nếu trúng tên lửa Tomahawk.
Ngoài hệ thống ống phóng Mk-41 trên tàu chiến, Tomahawk còn được phóng từ những bệ phóng khác được lắp đặt trên tàu ngầm, máy bay ném bom và cả xe tải.
Từ khi ra đời cho tới nay, Tomahawk không ngừng được nâng cấp liên tục để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe trong chiến tranh hiện đại.
Tuy vậy ít ai biết rằng một số thành phần của loại tên lửa này đang được sản xuất tại các nhà tù Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Sputnik, ông trùm buôn vũ khí người Nga Viktor Bout - biệt danh "Lái buôn tử thần" (đang bị Mỹ giam giữ) tiết lộ rằng, tù nhân bên trong các trại giam trên khắp nước Mỹ đang phải thực hiện các hợp đồng sản xuất quốc phòng cho Lầu Năm Góc, trong đó có cả việc sản xuất tên lửa hành trình.
"Để tránh cảnh nhàn rỗi ngồi không, hầu hết các tù nhân đang thụ án ở nhà tù Liên bang Marion ở bang Illinois, Mỹ đều tham gia dây chuyền sản xuất linh kiện cho tên lửa Tomahawk, trong một phân xưởng ngay bên trong nhà tù", ông Viktor Bout cho biết.
"Có thể vì thế mà tên lửa Tomahawk không phải lúc nào cũng bay được", ông Viktor Bout vừa cười vừa nói.
Cũng theo Viktor Bout, khá mỉa mai là một tù nhân phải thụ án từ 5-7 năm ở Marion, có thể trở thành một công nhân có trình độ chuyên môn cao khi tham gia dây chuyền sản xuất tên lửa Tomahawk. Tuy nhiên, khi họ ra tù và đến xin việc tại các nhà máy sản xuất tên lửa của Raytheon thì lại bị từ chối vì từng có tiền án.
Trên thế giới việc sử dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi tại các nhà tù tham gia các hoạt động sản xuất kinh tế không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, việc sản xuất một vũ khí công nghệ cao như tên lửa hành trình lại là một chuyện khác, bởi muốn ráp loại vũ khí này đòi hỏi cần phải có tay nghề lẫn kinh nghiệm nhất định.
Bởi chỉ cần một sai sót nhỏ trong dây chuyền lắp ráp quả tên lửa sẽ trở nên vô dụng khi được triển khai, thậm chí là nổ trước khi kịp phóng lên.
Hiện tại, phía Lầu Năm Góc cũng như chính quyền Liên bang của Mỹ vẫn chưa có bất cứ bình luận nào về những vấn đề mà trùm buôn vũ khí Viktor Bout vừa tiết lộ.