Soi chiếc tiêm kích MiG chưa được ra trận ở Việt Nam
(Kiến Thức) - Dù nằm trong đội hình KQND Việt Nam giai đoạn chống Mỹ, thế nhưng MiG-15UTI chưa bao giờ tham gia bất kỳ trận không chiến nào dù nó là phiên bản của dòng tiêm kích huyền thoại.
Hoàng Lê
Xem toàn bộ ảnh
Nhắc tới cái tên “MiG” ở Việt Nam, chúng ta thường nghĩ tới những chú “én bạc” huyền thoại đã tham gia hàng trăm trận không chiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và lập nên vô số chiến công huyền thoại. Tuy nhiên, không phải chiếc MiG nào từng biên chế trong KQND Việt Nam cũng tham gia chiến đấu. Ít nhất có một trường hợp máy bay tiêm kích MiG không ra trận. Nguồn ảnh: Airliners.net
Đó là những chiếc MiG-15UTI – phiên bản của tiêm kích đánh chặn MiG-15 huyền thoại Liên Xô trong chiến tranh Triều Tiên. Chúng ta từng có trong trang bị loại phi cơ này nhưng không sử dụng chúng để chiến đấu mà làm nhiệm vụ huấn luyện phi công lái MiG-17. Nguồn ảnh: Wikipedia
Theo tác giả cuốn sách "MiG Over North Vietnam: The Vietnam People's Air Force in Combat, 1965-1975", các phi công Việt Nam đã bắt đầu huấn luyện bằng MiG-15UTI từ cuối những năm 1950 tại Liên Xô, Trung Quốc. Phải tới tháng 12/1962, Liên Xô bắt đầu cung cấp cho ta một số lượng rất nhỏ các máy bay MiG-15UTI. Trong ảnh là các chiến sĩ của ta đang tiến hành phủ bạt che chiếc MiG-15UTI số hiệu "Đỏ 2618". Nguồn ảnh: Thông tấn xã VN
Hình ảnh cực hiếm chuyến bay MiG-15UTI "Đỏ 3033" cất cánh làm nhiệm vụ huấn luyện phi công từ căn cứ Trung đoàn 923. Trong thời gian dài (có thể hết cuộc kháng chiến chống Mỹ), chưa có ghi nhận nào cho thấy MiG-15UTI từng tham gia chiến đấu ở Việt Nam. Nguồn ảnh: Thông tấn xã VN
Đáng quan tâm, cũng có một số nguồn tin không chính thức cho rằng mẫu MiG-15UTI Việt Nam sử dụng thực ra là phiên bản do Trung Quốc sản xuất mang tên JJ-2. Cơ bản thì chúng giống hệt nhau, thậm chí dùng chung linh kiện bởi thời kỳ những năm 1950 Liên Xô giúp đỡ Trung Quốc nhiệt tình trong việc thiết kế máy bay chiến đấu nội địa. Nguồn ảnh: Wikipedia
Cận cảnh cabin hai chỗ ngồi của MiG-15UTI mà phi công Việt Nam từng huấn luyện trên nó. Kết cấu trông khá đặc biệt, nắp mỗi buồng lái có hai kiểu mở khác nhau (một mở sang bên và một dạng trượt về sau). Nguồn ảnh: Wikipedia
Ghế lái của phi công – học viên ngồi trước với thiết bị điều khiển đơn giản, đặc trưng máy bay phản lực thế hệ đầu. Nguồn ảnh: Wikipedia
MiG-15UTI dùng chung khung thân phiên bản chiến đấu MiG-15 thường nên nó được trang bị động cơ turbojet Klimov VK-1 cho tốc độ bay tối đa cận âm 1.076km/h ở độ cao thấp và trên 3.000m là 1.107km/h, tốc độ hành trình 850km/h, tầm bay 2.520km, trần bay 15.500m, tốc độ leo cao 51,2m/s. Nguồn ảnh: Wikipedia
Liên quan tới MiG-15UTI, ngoài những chiến công vẻ vang trong chiến tranh Triều Tiên, chiếc máy bay này còn gắn liền với vụ tai nạn đang buồn. Ngày 27/3/1968, chiếc MiG-15UTI do Yuri Gagarin - người đầu tiên bay vào vũ trụ cùng phi công Serjogin lái đã gặp nạn vào lúc 10h31 phút sáng trong khu vực làng Novosjolovo cách thị trấn Kirzhach, tỉnh Vladimir 18 km. Thảm kịch đã khiến Gagarin hi sinh cùng đồng đội, khi đó ông mới 34 tuổi. Nguồn ảnh: Airliners.net
MiG-15 được đánh giá là một trong những tiêm kích phản lực thành công nhất trong lịch sử Liên Xô và thế giới. Hơn 13.130 chiếc đã được sản xuất tại Liên Xô và 4.180 chiếc được chế tạo ở Ba Lan, Trung Quốc... Nó có mặt trong trang bị khoảng 30-40 quốc gia trên thế giới. Thậm chí ngay cả Mỹ, những năm 1980 họ đã cố mua một vài chiếc MiG-15 phiên bản Trung Quốc để đánh giá. Nguồn ảnh: Airliners.net
Cho tới tận ngày nay, cánh bay MiG-15 vẫn hoạt động trong các công ty tư nhân ở khắp nơi trên thế giới. Nguồn ảnh: Airliners.net
Cận cảnh bộ vũ khí từng là “tử thần” cho nhiều máy bay Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên gồm cả “pháo đài bay” B-29. Bộ vũ khi này gồm hai khẩu pháo NR-23 cỡ 23m (160 viên đạn), một khẩu 37mm N-37 (40 viên đạn). Nguồn ảnh: Wikipedia
Mời độc giả xem video máy bay MiG-15UTI cất cánh. Nguồn: Youtube