Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay đội tàu bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) có khoảng 90 chiếc, trong đó chiếm nhiều nhất là các loại máy bay của Airbus, Boeing và ATR-72. Trong đó, dòng máy bay Airbus A321 chiếm tỷ trọng cao nhất trong đội bay của Vietnam Airlines với gần 30 chiếc.
Airbus A321 do Airbus Industries sản xuất, là loại máy bay thuộc dòng công nghệ cao phù hợp với nhu cầu khai thác của Vietnam Airlines trong mạng đường bay khu vực và nội địa. Đây cũng là loại máy bay tầm trung hiện đại và là một trong những loại máy bay chở khách được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.
Máy bay A321 của Vietnam Airlines. Ảnh: Internet. |
Bên cạnh đó, Airbus A321 còn được trang bị một hệ thống máy vi tính và các thiết bị liên lạc thế hệ mới cho phép truyền tải tức thời các dữ liệu, cung cấp đầy đủ tình trạng tổng thể cũng như của từng bộ phận máy bay, góp phần ngăn chặn từ xa những sự cố có thể gây uy hiếp an toàn. Phần đuôi máy bay rất tiên tiến vì được làm bằng sợi carbon tổng hợp, cực nhẹ nhưng rất vững chắc giúp máy bay vận hành nhẹ nhàng và ổn định hơn. Dòng máy bay này giúp các hãng hàng không tiết kiệm nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng tối đa, đồng thời còn giảm tiếng ồn. Đây chính là nguyên nhân tại sao Vietnam Airlines và các hãng hàng không thế giới rất ưa chuộng loại máy bay này.
Tuy nhiên, dù hiện đại như vậy nhưng Airbus A321 vẫn gặp phải những sự cố về hàng không. Hành khách của Vietnam Airlines đã được phen hú tim khi máy bay Airbus A321 của hãng gặp sự cố nguy cấp vào ngày 6/8 vừa qua. Chiếc máy bay này chở theo 104 hành khách và 8 nhân viên phi hành đoàn xuất phát từ Hà Nội đi Bangkok lúc 14h. Trong lúc đang bay bằng ở độ cao 36.000 feet (tương đương 10.973 mét), tiếp viên đang phục vụ bữa ăn, máy bay bất ngờ đi qua vùng nhiễu động trời trong (clear air turbulence). Đây là loại nhiễu động hiện nay rada thời tiết của máy bay chưa phát hiện được, khiến máy bay bị tụt độ cao 400 feet (tương đương khoảng 122 mét).
Quang cảnh trong khoang hành khách sau vụ "rơi tự do" của Airbus A321 ngày 6/8. Ảnh: Facebook T.Q.A |
Trước đó, chuyến bay VN1516 Đà Nẵng - Hà Nội trên máy bay Airbus A321 ký hiệu VNA397, chở theo 182 hành khách hạ cánh lúc 16h25 chiều 14/6 của hãng này cũng đã xảy ra sự cố. Khi cất cánh từ sân bay Đà Nẵng, hệ thống cảnh báo nguy hiểm trên máy bay đã phát hiện ra áp suất lốp máy bay bị giảm. Tuy nhiên, đại diện hãng cho biết lốp không bị vỡ (khi lốp bị vỡ áp suất sẽ về 0), nên máy bay vẫn hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài vào chiều cùng ngày.
Không chỉ Airbus A321, máy bay Airbus A330 của Vietnam Airlines cũng gặp phải sự cố về hàng không. Chiếc máy bay này khi đang hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thì bất ngờ bị xì khói từ động cơ số 2, khiến hơn 100 hành khách trên máy bay lo lắng. Khói bốc ra tại động cơ số 2 khi máy bay đang trong quá trình vào bãi đỗ. Toàn bộ 166 hành khách và 13 nhân viên phi hành đoàn phải xuống bằng đường ống lồng. Chuyến bay gặp sự cố mang số hiệu VN780 từ Melbourne về Tân Sơn Nhất lúc 15h55 chiều ngày 3/6. Máy bay mang số hiệu đăng ký A376, xuất xưởng ngày 27/8/2008. Vietnam Airlines đã đưa máy bay này vào khai thác ở Việt Nam từ ngày 20/7/2010.
Các máy bay Boeing của Vietnam Airlines cũng từng gặp sự cố về hàng không. Điển hình là vụ việc mới đây nhất xảy ra tối 20/7, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu VN773 của Vietnam Airlines, xuất phát từ Hà Nội lúc 16h, dự kiến hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 18h cùng ngày đã gặp sự cố nguy cấp. Theo đó, trong quá trình bay, tổ lái phát hiện cảnh báo nhiệt độ cao bất thường tại khu vực khoang hàng phía sau. Theo đúng quy trình xử lý, cơ trưởng của chuyến bay đã hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất (sân bay Đà Nẵng) vào lúc 17h15 cùng ngày. Toàn bộ 268 hành khách và 11 nhân viên phi hành đoàn xuống khỏi máy bay an toàn. Các hành khách sau đó đã được chuyển sang chuyến bay thay thế khởi hành từ Đà Nẵng đi TP.HCM. Được biết, máy bay Boeing 777 được hãng đưa vào khai thác từ cuối năm 2012.
Trước đó, ngày 8/1/2010, chiếc máy bay Boeing 737 số đăng ký VNA191 thực hiện chuyến bay từ Sài Gòn đi Đà Nẵng, khi máy bay đạt độ cao 33.000 feet, hệ thống ga tự động hỏng, hệ thống va chạm trên không không hoạt động, hệ thống báo động cabin cho thấy độ cao đạt 10.000 feet, tổ lái phải sử dụng mặt nạ và yêu cầu hạ độ cao nhưng kiểm soát viên không lưu từ chối. Trong trường hợp này, tổ lái đã xử lý hợp lý và hạ cánh an toàn tại Đà Nẵng mà không cần trợ giúp. Kiểm tra cho thấy cần thay thế bộ phận cảnh báo an toàn của càng chính.
Những sự cố về hàng không của các máy bay của Vietnam Airlines cũng không ít lần khiến hành khách phải lo lắng. Tuy nhiên, do phi hành đoàn xử lý kịp thời nên các sự cố không gây thiệt hại lớn về kinh tế và con người.