Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh của Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh (gọi tắt Công ty Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh) vừa bị xử phạt số tiền 213,685 triệu đồng liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh. (Ảnh:NB&CL). |
Theo tìm hiểu, Công ty Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh được xây dựng năm 2011 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013. Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh là công ty con do Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã chứng khoán: SAB) sở hữu 100% vốn. Doanh nghiệp này có địa chỉ tại Km12, đường tránh TP Hà Tĩnh, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Công ty Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh có nhà máy bia công suất 50 triệu lít bia/năm, sản phẩm sản xuất chính là bia chai Sài Gòn và bia lon 333. Đến năm 2022, nhà máy nâng công suất lên 70 triệu lít bia/năm.
Số liệu từ Cục thuế tỉnh Hà Tĩnh cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh đóng góp hơn 504,8 tỷ đồng tiền thuế và cũng là doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Hà Tĩnh, theo báo Hà Tĩnh. Đây là lần đầu tiên, Công ty Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh vươn lên dẫn đầu, trước đó thường xếp vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 trong bảng xếp hạng 10 công ty nộp thuế lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh.
Doanh nghiệp nộp thuế lớn thứ 2 trong thời gian thống kê là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (hơn 358,8 tỷ đồng).
Ảnh minh họa. |
Về Sabeco - Công ty mẹ của Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh, do Tập đoàn của tỷ phú Thái Lan nắm 53,58% vốn điều lệ từ cuối năm 2017 và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước còn sở hữu hơn 36% vốn.
Năm 2022, Sabeco đạt đỉnh cao lợi nhuận khi ghi nhận con số 5.500 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước. Tính đến cuối năm 2022, Sabeco - công ty mẹ của Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh có 26 nhà máy bia trên cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam với tổng công suất lên tới 2,4 tỷ lít/năm. Sabeco hiện có hơn 200.000 địa điểm bán hàng và sản phẩm của công ty được phân phối trên 30 quốc gia trên thế giới.
Nửa đầu năm 2023, Sabeco đạt doanh thu 14.622 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.214 tỷ đồng, giảm lần lượt 11% và 27% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này đến từ sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi các loại chi phí bán hàng, quản lý, nguyên vật liệu tăng.