Xem toàn bộ ảnh
Đây là một mẫu hóa thạch bọ ba thùy Ductina vietnamica tuổi Devon (383–359 triệu năm) phát hiện tại tỉnh Bắc Kạn, hiện vật của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội. Hóa thạch loài bọ này được đặt theo tên Việt Nam, nơi đầu tiên chúng được tìm thấy và xác định là một loài mới. |
Loài bọ ba thùy này từng hiện diện đông đảo dưới những vùng đáy biển sâu nhiều trầm tích vào kỷ Devon. Nét đặc trưng của chúng là có cơ thể giống hình quả trứng ngược. |
Thùy đầu và đuôi của bọ ba thùy Ductina vietnamica hình bán nguyệt, bề mặt trơn nhẵn và cấu tạo đơn giản hơn các loài khác cùng thời. |
Đáng chú ý nhất, đây là loài không có mắt. Chúng sống ở tầng nước sâu 1.000–3.000 mét nơi ánh sáng không thể chiếu đến và nghèo oxy. |
Bọ ba thùy Ductina vietnamica được biết đến rộng rãi trong giới khoa học quốc tế do số lượng mẫu vật được khá nhiều. Hóa thạch của chúng được tìm thấy chủ yếu ở Việt Nam và Trung Quốc. |
Theo tư liệu của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội, bọ ba thuỳ là nhóm động vật Chân khớp sống ở biển trong đại Cổ sinh, cách đây 541-254 triệu năm. Cơ thể bọ ba thuỳ có nhiều đốt và khớp linh động với lớp giáp kitin cứng dày bao phủ. |
Hai rãnh sâu chia cơ thể ra thành ba thùy: thùy dọc, thùy giữa và thùy bên. Từ đặc điểm ngoại hình đặc trưng này, chúng có tên là bọ ba thuỳ (trilobite). |
Đây là một trong những nhóm động vật chân khớp cổ nhất, với hóa thạch lâu đời nhất được ghi nhận có niên đại từ kỷ Cambri (521 triệu năm trước). |
Sinh sống xuyên suốt nhiều kỷ trong lịch sử Trái đất, chúng từng là cư dân đông đảo dưới đáy đại dương cổ đại trong hàng trăm triệu năm. |
Đến kỷ Devon, phần lớn bọ ba thùy biến mất sau một cuộc đại tuyệt chủng. Chúng tuyệt diệt hoàn toàn trong một cuộc đại tuyệt chủng cuối kỷ Permi (khoảng 252 triệu năm trước). |