Sông băng huyền thoại tan chảy, thảm họa khủng khiếp nào xảy ra?
118 triệu người nghèo sẽ phải đối mặt với thảm họa như hạn hán, lũ lụt hoặc nắng nóng khắc nghiệt khi các con sông băng huyền thoại phía Đông của châu Phi tan chảy.
Thùy Dung (T.H)
Xem toàn bộ ảnh
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và các cơ quan của Liên minh châu Phi vừa đưa ra báo cáo về khả năng thích ứng kém của Châu Phi với các thảm họa thời tiết ngày càng thường xuyên.
Theo báo cáo, các sông băng ở phía Đông châu Phi sẽ biến mất sau hai thập kỷ, 118 triệu người nghèo ở châu Phi sẽ phải đối mặt với hàng loạt thảm họa hạn hán, lũ lụt hoặc nắng nóng khắc nghiệt. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng có thể làm giảm 3% GDP của châu Phi vào giữa thế kỷ này.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020 là năm ấm nhất kỷ lục thứ ba của châu Phi, với mức tăng 0,86°C so với nhiệt độ trung bình trong ba thập kỷ đến năm 2010. Mức độ ấm lên tại châu Phi chậm hơn so với các khu vực ôn đới vĩ độ cao nhưng vẫn gây tác động tương đối tàn khốc.
Theo dự báo, với tốc độ băng tan hiện nay, cả ba núi băng nhiệt đới của châu Phi gồm Kilimanjaro của Tanzania, núi Kenya tại Kenya và Rwenzoris ở Uganda sẽ biến mất vào những năm 2040.
Đến năm 2030, ước tính có tới 118 triệu người cực kỳ nghèo (sống với thu nhập dưới 1,9 USD mỗi ngày) sẽ phải chịu ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và nắng nóng khắc nghiệt nếu các biện pháp ứng phó thích hợp không được đưa ra
Châu Phi, nơi thải ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính chưa tới 4% của toàn cầu. Các vùng đất trồng trọt tại đây vốn đã phải hứng chịu tình trạng hạn hán, nhiều thành phố lớn nằm sát bờ biển và tình trạng nghèo đói lan rộng khiến người dân càng khó thích nghi hơn.
Báo cáo được đưa ra khi các nước châu Phi yêu cầu một hệ thống mới để theo dõi nguồn tài trợ từ các quốc gia giàu có đang không đạt được mục tiêu 100 tỉ USD hàng năm, nhằm giúp thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu.
Yêu cầu của nhà đàm phán khí hậu hàng đầu châu Phi Tanguy Gahouma, trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, đã làm nổi bật căng thẳng giữa 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sản xuất hơn 3/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các nước đang phát triển đang chịu gánh nặng của sự nóng lên toàn cầu.
Tổng thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Sự thu hẹp nhanh chóng của các sông băng cuối cùng còn sót lại ở phía Đông châu Phi, dự kiến sẽ tan chảy hoàn toàn trong tương lai gần, báo hiệu mối đe dọa về sự thay đổi không thể đảo ngược đối với hệ thống Trái Đất”.
Báo cáo cho biết, ngoài tình trạng hạn hán ngày càng tồi tệ ở một lục địa phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, còn có lũ lụt trên diện rộng được ghi nhận ở Đông và Tây Phi vào năm 2020, trong khi nạn châu chấu với tỷ lệ kỷ lục trong lịch sử bắt đầu từ một năm trước đó tiếp tục tàn phá châu lục này.
Báo cáo ước tính rằng, khu vực châu Phi hạ Sahara sẽ cần chi từ 30 - 50 tỷ USD/năm, tương đương 2-3% GDP, cho việc thích ứng nhằm ngăn chặn những hậu quả từ biến đổi khí hậu thậm chí còn tồi tệ hơn.
Ước tính có khoảng 1,2 triệu người phải sơ tán do bão và lũ lụt vào năm 2020, gấp gần 1,5 lần số người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột, chiến tranh.