Đi làm chỉ để cất tiền đi
Nhiều người đặt cho chồng chị Nga biệt danh Tuấn “đinh”. Ai lần đầu nghe không hiểu tưởng anh là con trai “độc đinh”, hay là dân chuyên bán…đinh. Nhưng sự thực là do anh Tuấn quá keo kiệt.
Ảnh minh họa. |
Đồng nghiệp ở cơ quan cứ hễ rủ nhau đi ăn trưa là anh Tuấn tìm cách trốn. Bởi anh tính toán chi li: “Đi ăn trưa kiểu gì cũng mất ít nhất 30k, lại thêm cốc cà phê hơn 10k nữa là mất toi năm chục. Trong khi tiền lương mỗi ngày đi làm là 200k. Mở mắt ra chưa làm gì nên hồn đã ăn hết vài chục bạc là không được”.
Không phải phủ nhận đàn ông tiết kiệm là không tốt. Nếu số tiền tiết kiệm đó, anh Tuấn dùng để trang trải cuộc sống gia đình thì quá tuyệt vời.
Đằng này, anh làm ra tiền chỉ để… cất đi. Mọi chi tiêu trong nhà, anh Tuấn mặc kệ vợ tự xoay xở. Đi làm mang cơm vợ nấu, anh không la cà quán xá và không bao giờ mời đồng nghiệp được cốc nước, bát phở.
Thời anh Tuấn “cưa cẩm” chị, không ít lần anh than “tốn tiền” khi đưa chị đi cà phê. Chưa bao giờ anh mua tặng vợ được món quà nào kể từ ngày yêu cho đến bây giờ.
Lúc nào cần tiền lắm, anh mới ra ATM rút ran 100, 200.000 đồng nhét ví. Nhiều khi đồng nghiệp xì xào, thấy tội nghiệp thay cho anh về cái sự tiết kiệm thái quá này. Cứ nhắc đến anh Tuấn là ai cũng bụm miệng cười bảo anh thuộc dạng “ăn một cân sắt, nhả ra một cân đinh”, “xoắn hơn thép xoắn 70”.
Sống với chồng keo kiệt, phó mặc vợ tự chi tiêu, chị Nga vô cùng khổ sở. Muốn ăn gì, tiêu gì cũng phải nhìn giá rồi “rớt nước mắt” quay đi. Có hôm cho con đi chơi công viên cuối tuần, con đòi chơi nhà phao, xúc cát mà chồng chị nhất định không cho vì “tốn tiền”.
“Nhiều khi tủi thân, nhìn người ta xúng xính váy áo, còn mình nhếch nhác, không dám ăn ngon. Thiếu thốn quá, quay ra hỏi chồng thì chồng tỏ ra khó chịu, tức không tả được. Đi đâu cũng thấy xấu hổ vì người ta bảo chồng “mặc váy, rụt lại như con ốc”, chị Nga bộc bạch.
Hại não nghĩ kế trị chồng keo kiệt
Cứ nói đến những ông chồng keo kiệt là các bà vợ lại “tức sôi máu”. Có người còn thẳng thắn “vạch mặt” kiểu chồng này chỉ hà tiện với vợ con nhưng lại thoáng với người ngoài vì sĩ diện.
Chị Nguyễn Quỳnh Anh, Hà Nội còn khốn khổ vì sống chung ông chồng keo kiệt nhưng xấu tính đến mức đòi giữ luôn thẻ ATM của vợ. Chị làm ra tiền nhưng ATM bị chồng nắm giữ, chi tiêu trong nhà không khác gì địa ngục.
Mỗi ngày, anh đưa chị một khoản tiền nhỏ để mua thức ăn. Hôm nào chẳng may nhà đồng loạt hết gạo, hết mắm muối, bảo anh đưa tiền là anh đá thúng đụng nia.
Ông xã chị tiết kiệm tới mức khi biết chị phải giấu chồng đi học ngoại ngữ. Biết chuyện, anh nổi cơn tam bành, mắng xơi xơi: “Già rồi còn lắm chuyện”. Đi ăn ở bất cứ đâu, anh cũng khảo sát lên xuống, nhiều phen khiến chị phát ngượng.
Sau nhiều năm sống như thế, chị đã bí mật làm thêm ở nơi khác và lập “quỹ đen”. Ngày nào chị cũng ca “bài ca hết tiền” để bắt chồng phải “nôn tiền ra”. Khỏi phải nói, nhìn sắc mặt chồng là chị đủ biết anh đang xót ruột thế nào.
Nếu chồng không đưa tiền, hôm sau chị dùng chiêu không nấu cơm. Có hôm chị giả mệt, kêu chồng đi chợ, đóng học phí cho con để anh biết mọi thứ đang đắt đỏ thế nào, cầm đồng tiền trong tay đi chợ không phải sung sướng như anh nghĩ.
“Mình phải lo cho bản thân mình thôi. Nhỡ nhà ngoại cần việc gì, bảo chồng đưa tiền thì không khác nào nhà có bão. Có bao nhiêu đưa chồng hết, ngộ nhỡ sau này ly hôn đường ai nấy đi thì co như mình tay trắng”, chị Quỳnh Anh giãi bày.