Phó thác tính mạng cho trời
Một buổi chiều cuối đông chúng tôi trở về xã Đông Vinh, một trong những địa phương làm đá nhiều nhất xứ Thanh. Chúng tôi bám theo những chiếc xe tải hạng nặng đang tiến vào phía mỏ đá. Xe đi đến đâu, bụi bay mù mịt đến đó, khiến cho những ngôi nhà bên đường phủ một màu xám xịt. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của những phu đá nơi đây mới thấu hiểu cuộc sống của họ.
Sau tiếng mìn nổ chát chúa, bụi bay mù mịt, những phu đá bắt đầu bốc những khối đá to lớn lên các xe tải, xe cẩu cỡ lớn vận chuyển về các bãi tập kết ở xưởng chế biến. Tiết trời mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt dường như không ngăn nổi những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đen sạm của phu đá.
Trải lòng với cuộc mưu sinh bằng nghề đá, anh Nguyễn Hồng Năm (xóm 2, thôn Đa Sỹ, xã Đông Vinh) kể: "Tôi đã làm nghề này hơn mười năm, người ta hay ví von nghề đánh cược với sơn thần. Tức là sống với núi đá, sống được vì đá mà chết cũng do đá. Mấy năm trước gần như ngày nào các mỏ nơi đây đều có người thương vong, chuyện các phu đá bị đứt gân tay, gân chân do đá cứa như cơm bữa. Tháng trước, khi tôi đang khoan đá trên núi thì một tảng đá trên cao rơi xuống chân phải, khiến gân bị thương nặng". Vừa nói, anh Năm vừa cho tôi xem vết sẹo dài khoảng 8 phân trên gót chân.
Khoan đá cho thu nhập cao, nhưng nhiều rủi ro nhất. |
Nhưng theo anh Năm, lần đó vẫn là tai nạn thường ngày. Anh sợ hãi nhất vẫn là lần chết hụt năm ngoái. Khi anh đang ở lưng chừng núi khoan đá, bất ngờ ở ngọn núi bên nổ mìn, nhiều khối đá lăn xuống bay tứ tung khiến anh hồn bay phách lạc. "Hôm đó đá mà rơi trúng đầu là chỉ có xác định chết. Tôi cũng nghĩ đến cái chết, vì đá rơi ào ào từng tảng gần chỗ tôi đứng. Nhưng may thay nó lại không rơi trúng vào người tôi. Đã làm nghề này hằng ngày đối diện với tử thần, phó mặc số phận cho trời, may mắn thì giữ được mạng sống", anh Năm cho biết.
Tôi hỏi: "Anh biết nghề đá nguy hiểm, sao anh không tìm nghề khác mà làm?", anh Năm trả lời: "Mấy năm trước tôi cũng từng chuyển nghề khác như đi ốp lát đá, đi làm thợ xây, nhưng lương thấp mà phải sống xa nhà, nên không dành dụm được là bao. Vả lại từ nhỏ tôi làm đá quen rồi, nghề đã ăn vào máu nên không bỏ được".
Nghề đá vất vả nhưng thu nhập của anh Năm một tháng cũng chẳng được là bao. Trung bình mỗi ngày công anh được chủ trả 300.000đ, tuy nhiên một tháng chỉ làm độ 15 ngày vì nghề khoan đá của anh chỉ được thuê khi các chủ mỏ đá cần lấy đá. Và cũng do yếu tố thời tiết, ngày mưa thì không thể leo lên núi được. Thế nên, có tháng anh chỉ nằm ở nhà chơi dài.
Hiện tại, với thu nhập hằng tháng của anh không đủ lo cho cuộc sống của gia đình. "Làm thì vất vả đó, nhưng có đủ tiền nuôi hai đứa nhỏ ăn học đâu. Vợ tôi giờ cũng phải đi làm nghiền đá mạt, vất vả lắm mà chả được mấy đồng". Ở cái vùng quê này, quanh quẩn với vài sào ruộng thì không đủ ăn, bởi thế mà nghề đá chính là nghề kiếm miếng cơm manh áo.
Nhiều ngôi nhà cao tầng ở xã Đông Vinh mọc lên nhờ... đá. |
Giàu lên nhờ... đá
Ông Nguyễn Tường An, Trưởng thôn Đồng Cao cho biết: Ở xã Đông Vinh hầu như thôn nào cũng sống nhờ nghề đá, nhưng thôn Đồng Cao số người tham gia làm đá nhiều hơn cả. Thôn có 209 hộ, nhưng có tới 170 hộ tham gia làm đá. Nghề làm đá nơi đây có hàng trăm năm nay. Theo các cụ cao niên trong thôn kể lại, xưa kia chưa có máy móc khai thác, người dân dùng rơm, củi nung cho đá nóng và vỡ ra để lấy đá về dùng. Có gia đình mùa đông lên nung đá, nhưng do ngủ quên nên bị đá sập vào người khiến 3 người chết tại chỗ. Từ năm 1982 đến nay, hoạt động khai thác đá diễn ra rầm rộ, được sự cho phép của chính quyền các công ty đầu tư máy móc phương tiện hiện đại để khai thác đá.
Ông An cho hay, người dân nơi đây rất quý trọng nguồn tài nguyên đá. Bởi đá cho người dân cuộc sống ấm no, thậm chí giàu có. Bằng chứng là tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chỉ còn 0,2% (tương đương với 6 hộ nghèo trong thôn). Nhiều gia đình trong thôn được ngân hàng cho vay vốn mở xưởng sản xuất đá, từ đó vươn lên thoát nghèo và trở nên giàu có. Thực tế thì người dân nhận thấy rằng, việc làm nông nghiệp cho thu nhập thấp. Trong khi đó một người đi bốc vác đá một ngày cũng có thể thu nhập từ 150.000 - 200.000đ. Thợ khoan đá có người được chủ trả công lên tới 500.000đ/ngày. Thế nên, người dân ngày càng xa rời ruộng vườn.
Từ ngày chồng mất chị Cần chuyển sang đi buôn hoa quả. |
Sống nhờ đá, chết cũng do đá...
Tuy nhiên, đá lấy đi tính mạng của không ít người dân nơi đây. "Theo nhẩm tính của tôi, số người bị thương do làm đá thì nhiều lắm. Trong 5 năm trở lại đây, có 4 người thiệt mạng vì đá. Có xóm có 5 người vợ trẻ mất chồng, có gia đình 2 người bị thiệt mạng vì đá trong thời gian ngắn", ông An kể.
Theo chỉ dẫn của ông An chúng tôi tới thăm gia đình chị Mai Thị Cần, vợ anh Hoàng Đắc Long - một phu đá xấu số đã qua đời.
Theo ông An, đá giúp cho nhiều gia đình kinh tế khá giả, nhưng cũng lấy đi nhiều mạng người. |
"Vợ chồng tôi có tâm niên 20 năm làm đá. Hằng ngày tôi đi vác đá, còn chồng tôi leo núi khoan đá nổ mìn đánh đá. Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, mấy lần trước anh ấy cũng bị thương do khoan đá. Nhiều lần tôi dặn anh là phải hết sức cẩn thận làm việc. Nhưng không ngờ tai họa lại giáng xuống gia đình chúng tôi. Hôm đó, anh leo lên lưng chừng núi khoan định vị để đặt mìn đánh đá. Nhưng vừa khoan xong bất ngờ khối đá trên núi đổ sập xuống khiến chồng tôi không kịp tránh. Ba người đồng nghiệp của anh ấy cũng bị đá đè xuống. Dù được mọi người mau chóng đưa đi cấp cứu, nhưng chỉ có một người qua khỏi", chị Cần buồn bã kể.
Sau ngày anh Long mất, chị Cần như người mất hồn, dù vẫn biết nghề đá là vất vả, nhưng chị không nghĩ nó nghiệt ngã thế. Giờ đây một mình chị gánh vác trọng trách nuôi hai người con thơ cắp sách tới trường. Chị quyết định sẽ không làm phu đá nữa, mà tìm công việc khác để kiếm sống. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu chị cũng quyết tâm làm lụng để nuôi dạy hai con ăn học nên người. Để các cháu không phải làm nghề phu đá như bố mẹ đã từng làm.
Hiện trên địa bàn xã có 9 đơn vị khai thác đá. Những năm vừa qua xã cũng tăng cường kiểm tra, quản lý hoạt động của các đơn vị khai thác đá. Trong năm nay, chính quyền xã đã chỉ đạo chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn lao động trên các mỏ đá. Như kiểm tra về chất nổ đánh đá, bắt buộc các đơn vị khai thác phải đăng ký lao động với chính quyền xã. Nhìn chung các đơn vị trên địa bàn xã đều chấp hành đầy đủ những quy định an toàn khi khai thác đá. Tuy nhiên, tình trạng tai nạn lao động trên các mỏ vẫn diễn ra. Hầu như năm nào cũng có người thương vong.
Ông Đào Mạnh Lai (Chủ tịch UBND xã Đông Vinh)