Su-37 đã tạo ra cuộc cách mạng hàng không quân sự như thế nào?
Một phần tư thế kỷ trước, Su-37 - một máy bay chiến đấu thử nghiệm với khả năng siêu cơ động đã lần đầu tiên bay lên bầu trời, những thành tựu mà nó mang lại vẫn có giá trị đối với Không quân Nga và thế giới cho đến ngày nay.
Theo Bạch Dương/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Tiêm kích Su-37 Terminator mặc dù không được sản xuất hàng loạt và mẫu duy nhất đã bị rơi trong quá trình thử nghiệm vào năm 2002, nhưng có thể nói "Kẻ hủy diệt" đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Đầu tiên, chiếc tiêm kích đã cho cả thế giới thấy nước Nga có thể làm được gì. Thứ hai, tiêm kích Su-30 và Su-35 hiện nay - đối tượng nhận được sự " ghen tị" của các phi công ở nhiều quốc gia - là kết quả kế thừa những thành tựu từ Su-37.
Năm 1995, tại triển lãm hàng không Le Bourget, chiếc X-31A của Đức - Mỹ đã khiến các chuyên gia và công chúng kinh ngạc với khả năng cơ động tuyệt vời.
X-31A nhào lộn nhanh và sắc nét hơn hẳn so với máy bay thông thường, thậm chí nó có thể gần như treo tại chỗ trên không. Bí mật nằm ở phần đuôi - một trong những hệ thống điều khiển vector lực đẩy (TVC) đầu tiên được gắn ở đó: 3 tấm xoay giống như bánh lái không khí, làm chệch hướng dòng phản lực.
Tuy nhiên vào năm sau, tại các triển lãm hàng không khác tại châu Âu, tiêm kích Su-37 của Nga đã khiến khán giả kinh ngạc. Họ không thể tin rằng, một chiếc máy bay tuyệt vời như vậy được chế tạo chỉ trong 8 tháng.
Máy bay chiến đấu Nga thậm chí có hệ thống kiểm soát vector lực đẩy hoàn hảo hơn nhiều X-31A, suốt thời gian dài giới quan sát quân sự phải tranh cãi về bí mật của nắp vòi phun lệch. Rõ ràng TVC là cải tiến chính của Su-37, nhưng đây không phải điều duy nhất.
Chiến đấu cơ Su-37 được thêm vào một cặp cánh mũi, nó cải thiện khả năng cơ động của máy bay ở góc tấn cao và ở độ cao thấp.
Su-37 có thể bay hoàn toàn tự động ở độ cao cực thấp, uốn lượn theo địa hình và tấn công các mục tiêu.
Hệ thống tự động này cho phép điều khiển một nhóm máy bay chiến đấu, phân bổ mục tiêu giữa chúng (về sau chức năng này cũng xuất hiện trên Su-30SM). Radar đồng thời theo dõi 15 mục tiêu, bắn tên lửa vào 6 mục tiêu trong số đó.
Việc chọn mục tiêu tấn công được phi công thực hiện bằng cách quay đầu qua lại. Trạm theo dõi quang điện tử được bổ sung một máy ngắm ảnh nhiệt và bốn màn hình đa chức năng xuất hiện trong buồng lái, hiển thị trực tiếp trên mũ bay phi công.
Hệ thống điều khiển tinh vi cùng với động cơ vector lực đẩy đã làm cho khả năng cơ động của Su-37 trở nên tuyệt vời theo tiêu chuẩn của những năm 1990, thậm chí chưa hề lạc hậu vào thời điểm hiện tại.
Các nhà báo khi đó quan sát Su-37 đã cảm thán: "Khi bạn nhìn thấy chiếc máy bay 20 tấn bay lượn nhẹ nhàng trên không như một chiếc lá khô, coi thường quán tính và các định luật vật lý khác, thật khó để tin rằng điều này có thể xảy ra".
Và Su-37 đã biến điều đó thành hiện thực. Hầu hết các màn nhào lộn ngoạn mục sử dụng khả năng siêu cơ động: chuyển hướng chiến đấu cưỡng bức, thực hiện động tác "rắn hổ mang" với góc tấn 180 độ, và những động tác khác - lần đầu tiên được thực hiện bởi chiếc máy bay đặc biệt này.
Su-37 là chiếc máy bay thử nghiệm, một bản trình diễn của công nghệ và khả năng. Nguyên mẫu chế tạo duy nhất đã bị rơi vào tháng 12/2002 gần Moskva trong chuyến bay thử nghiệm tiếp theo. Phi công Yuri Vashchuk đã nhảy dù và tiếp đất an toàn.
Mặc dù không được sản xuất hàng loạt nhưng khả năng chiến đấu của Su-30SM, mức độ cơ động tuyệt vời của Su-35 và một số tính năng của tiêm kích tàng hình Su-57 gợi nhớ đến chiếc máy bay đã mất. Su-37 đã tạo nên nền móng tuyệt vời và không bị lãng quên.
Bên cạnh chiếc mang số hiệu 711, trong Phòng thiết kế Sukhoi còn có một chiếc Su-37 khác - dự án máy bay tấn công một động cơ với 18 điểm treo vũ khí. Tuy nhiên khi đến giai đoạn sản xuất thử nghiệm, đồng thời với sự tan rã của Liên Xô, chiếc phi cơ đã bị lãng quên.
Tiêm kích Su-37 mới thực sự là chiếc chiến đấu cơ nguy hiểm nhất Nga từng thiết kế được. Nguồn: QPVN.