Sự cố cháy khiến Bóng đèn Phích nước Rạng Đông lỗ 36 tỷ trong quý 4/2019

(Vietnamdaily) - CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2019 với khoản lỗ ròng gần 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 71 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý 4/2019, Rạng Đông ghi nhận 1.553 tỷ đồng doanh thu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ việc kiểm soát tốt giá vốn mà lợi nhuận gộp Rạng Đông thu về đã tăng gần 49%, đạt 514 tỷ đồng. 

Đáng chú ý nhất là khoản chi phí khác tăng đột biến lên 360 tỷ đồng; bù lại, Công ty ghi nhận 159 tỷ đồng thu nhập khác (rất có thể là số tiền nhận được từ đơn vị bảo hiểm). Theo đó, Rạng Đông ghi nhận khoản lỗ khác 201 tỷ đồng.

Khoản lỗ khác này khiến Công ty lỗ gần 36 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 71 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ quý đầu tiên của Rạng Đông trong 11 năm kinh doanh gần nhất (kể từ năm 2008).

Theo giải trình từ Công ty, khoản lỗ trong quý gần nhất phản ánh giá trị thiệt hại của sự cố cháy nhà máy diễn ra ngày 28/8/2019. Tuy nhiên, Rạng Đông không đưa ra giải thích cụ thể về số thiệt hại từ vụ cháy ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Công ty.

Trước đó, Rạng Đông đã ước tính số thiệt hại tài sản phải chịu vào khoảng 150 tỷ đồng, dưới 5% tổng tài sản sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra.

Đây cũng là nguyên nhân khiến khoản lợi nhuận khác trên báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty ghi nhận số âm 201 tỷ đồng trong kỳ.

Su co chay khien Bong den Phich nuoc Rang Dong lo 36 ty trong quy 4/2019
 Sự cố đám cháy khiến Rạng Đông lỗ 36 tỷ đồng trong quý 4/2019

Cả năm 2019, doanh thu thuần Rạng Đông đạt gần 4.256 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Lợi nhuận gộp hơn 1.289 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp gần 30% cao hơn con số 27% năm trước.

Với khoản lỗ khác 199 tỷ đồng, lãi ròng của Rạng Đông giảm 39% xuống 125 tỷ đồng từ mức 204 tỷ đồng.

Tính đến hết 31/12/2019, tổng giá trị tài sản của Rạng Đông hơn 3.045 tỷ đồng, tăng 11% so hồi đầu năm. Tiền và tương đương tiền hơn 657 tỷ đồng, tăng 14%. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng gần 50% lên 1.263 tỷ đồng. Ngược lại, hàng tồn kho giảm gần 16% còn 834 tỷ đồng.

Nợ phải trả chiếm 73% tổng nguồn vốn, chủ yếu là nợ ngắn hạn hơn 2.210 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 1.392 tỷ đồng. Chi phí phải trả ngắn hạn tăng gấp đôi lên 273 tỷ đồng.

Trong một sự kiện ngày 17/1, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết: “Chúng tôi hy vọng năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm thành công vang dội hơn nữa với mục tiêu đặt ra doanh thu là 5.100 tỷ, tăng trưởng 20%”.

Bảo hiểm PVI có thể bồi thường bảo hiểm cháy nổ cho Rạng Đông khoảng 150 tỷ

(Vietnamdaily) - Theo số liệu PVI cung cấp, số tiền bảo hiểm là 450 tỷ đồng, ước số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm khoảng 150 tỷ đồng cho vụ cháy Rạng Đông.

Liên quan đến vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, lãnh đạo Cục Quản lí, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, ước tính số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm của Công ty Rạng Đông khoảng 150 tỉ đồng.

Cụ thể, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) là doanh nghiệp bảo hiểm có cấp đơn bảo hiểm cháy, nổ cho Rạng Đông.

Theo số liệu PVI cung cấp, số tiền bảo hiểm là 450 tỷ đồng, ước số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm khoảng 150 tỷ đồng. Hiện nay, PVI đang phối hợp với các bên có liên quan để xác định thiệt hại, thu thập chứng từ, tài liệu có liên quan để làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.

Bao hiem PVI co the boi thuong bao hiem chay no cho Rang Dong khoang 150 ty

Rạng Đông có thể được bảo hiểm bồi thường 150 tỷ đồng sau thiệt hại vụ cháy

Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm cho biết, thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Kinh doanh bảo hiểm về chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã phối hợp trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22/5/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở trong danh mục nguy hiểm về cháy, nổ phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.

Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 23/2018/NĐ-CP, khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định này mua bảo hiểm cháy, nổ trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với quy định pháp luật.

Sau hơn 10 năm thực hiện, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đã tạo lập hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất, thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc triển khai bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; nâng cao nhận thức về sự cần thiết của bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và ý thức đề phòng hạn chế rủi ro cháy, nổ của các tổ chức, cá nhân có cơ sở nguy hiểm về cháy nổ; tạo công cụ cho các Bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát việc triển khai thực hiện. 

Đồng thời, thông qua bồi thường bảo hiểm đã giúp các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do cháy, nổ chủ động khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.

Ông Ngô Việt Trung dẫn điển hình một số vụ như cháy được chi trả bảo hiểm như vụ cháy của Công ty Meiko Eletrics Việt Nam tại Hà Nội năm 2012, doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường 520 tỷ đồng. Hay vụ cháy ở Công ty Thaco Trường Hải tại Quảng Nam năm 2016 đã bồi thường khoảng 340 tỷ đồng; vụ cháy ở Công ty Kwong Lung Meko đầu năm 2017 tại Cần Thơ ước bồi thường khoảng 396 tỷ đồng...

Sau vụ cháy, Rạng Đông dự chi 800 tỷ đồng xây nhà máy mới

Rạng Đông muốn được hỗ trợ về thuế đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và một số ưu đãi để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới.

Tại diễn đàn công nghệ 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 2/10, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch kiêm CEO CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL) cho biết công ty dự kiến chi 800 tỷ đồng để xây dựng nhà máy mới tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngày 28/8, nhà kho của Rạng Đông đã bị cháy. Thiệt hại công ty ước tính khoảng 150 tỷ đồng, trong đó sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.

Sau vu chay, Rang Dong du chi 800 ty dong xay nha may moi
 

Ông Thăng cho biết sự cố đám cháy vừa qua một mặt giúp Rạng Đông sớm dứt điểm sản xuất truyền thống, chuyển sang đèn LED của hệ sinh thái số, LED I 4.0, LED Mart. Ngoài ra, công ty sẽ có những sản phẩm đèn LED cho nông nghiệp công nghệ cao.

Tại buổi hội thảo, người đứng đầu của Rạng Đông cũng muốn được hỗ trợ về thuế đất, tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và một số ưu đãi để thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới.

Theo ông Thăng, 70-80% doanh nghiệp sẽ thất bại trong chuyển đổi số nếu không có sự chuẩn bị và có những ưu đãi cụ thể. Để hướng tới xây dựng nhà máy sản xuất thông minh, cần có một kho dư liệu lớn. Với Rạng Đông, ông Thăng cho rằng công ty có nhiều dữ liệu trong 60 năm hoạt động nhưng không thể khai thác phân tích, cần áp dụng trí tuệ thông minh (AI) để phòng những rủi ro có thể xảy ra.