Sự nguy hiểm và những công dụng khó ngờ của cây xoan
(Kiến Thức) - Cây xoan là loài cây quen thuộc, thường gặp ở hầu hết các nơi từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng, trung du đến miền núi của nước ta.
Hà Nguyễn (tổng hợp)
Xem toàn bộ ảnh
Cây xoan là cây thân gỗ có nguồn gốc từ Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Úc. Loài cây này còn được biết đến với các tên gọi khác như sầu đông, xoan nhà, xoan ta, xoan trắng, thầu đâu.
Cây xoan trưởng thành cao từ 7m -12m. Lá xoan mọc so le, hoa xoan màu tía nhạt hoặc tím hoa cà, quả xoan to bằng hòn bi. Cây xoan thường được chọn trồng làm cây bóng mát tạo cảnh ở nhiều nơi.
Tất cả các bộ phận của cây xoan đều chứa chất độc, hàm lượng độc tố cao nhất chứa trong quả xoan. Vì vậy, cây xoan được trồng để lấy gỗ vì gỗ không bị mối. Hoa và lá xoan thì được dùng rải dưới chiếu để ngừa rệp.
Bên cạnh đó, lá xoan còn được sử dụng như là một loại thuốc trừ sâu tự nhiên để bảo quản một số loại lương thực. Thậm chí, ngày xưa, nhựa và tinh dầu cất từ lá và thân cây xoan khi pha loãng còn được sử dụng để làm giãn tử cung.
Nếu vô tình ăn phải bộ phận nào đó của cây xoan, nạn nhân có thể gặp các triệu chứng sau: mất vị giác, nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy, phân có máu, tổn thương dạ dày, sung huyết phổi, trụy tim... Thậm chí, nạn nhân có thể tử vong sau 24 giờ.
Ở Việt Nam, cây xoan mọc hoang hoặc được trồng ở nhiều nơi trên khắp cả nước, cả miền xuôi lẫn miền ngược. Loài cây này dễ sống, dễ trồng, phát triển nhanh. Chỉ sau 6-7 năm là đã có thể khai thác lấy gỗ làm cột nhà, làm đồ dùng.
Cây xoan ưa khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Mưa càng nhiều thì cây mọc càng tốt. Cây xoan chịu được giá lạnh, ưa ánh sáng và tái sinh rất mạnh. Đặc biệt, ở độ cao trên 1000m so mực nước biển, loài cây này vẫn phát triển được.