Xung quanh sự kiện này còn có nhiều điều cần làm rõ.
Vì sao ngôi báu lại truyền ngôi cho con gái út?
Theo sử sách, vua Lý Huệ Tông không có con trai, Hoàng hậu Trần Thị Dung chỉ sinh cho ông được hai người con gái, người con cả tên là Lý Ngọc Oanh, sinh tháng 6 năm Bính Tý (1216) được phong làm Thuận Thiên công chúa. Người con gái thứ hai là Lý Phật Kim (sau đổi là Lý Thiên Hinh) sinh vào tháng 9 năm Mậu Dần (1218) được phong làm Chiêu Thánh công chúa.
Vì không có con trai nên Lý Huệ Tông đành phải truyền ngôi cho con gái, thế nhưng vì sao con gái cả là công chúa Lý Ngọc Oanh tuổi đã trưởng thành lại không được nhận ngôi báu? Các sách sử ghi chép về nguyên do Lý Huệ Tông trao đế vị cho con gái út là công chúa Lý Phật Kim như sau:
“Chứng bệnh nhà vua ngày càng nặng, thuốc chữa mãi cũng không công hiệu. Thủ Độ quản lĩnh điện tiền chư quân hộ vệ cấm đình, xét xử tất cả mọi việc. Bấy giờ hoàng hậu Trần Thị sinh được hai công chúa. Công chúa thứ hai là Phật Kim, nhà vua yêu lắm, định lập làm con kế tự, bèn ban cho nàng 24 lộ trong nước để làm ấp thang mộc.
Tháng 10, mùa đông, lập con gái là Phật Kim làm Thái tử. Nhà vua không khỏi bệnh, lại chưa có con trai thừa tự, trong cung duy có hai nàng công chúa, con lớn là Thuận Thiên, con bé là Chiêu Thánh, đều do Trần Thị sinh ra. Hiện nay, Thuận Thiên đã lấy Trần Liễu, nên nhà vua lập Chiêu Thánh làm Thái tử. Truyền ngôi cho con gái là Phật Kim, nhà vua ra ở chùa Chân Giáo” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Như vậy có thể thấy, sở dĩ Lý Huệ Tông không nhường ngôi cho con gái cả là bởi vì lúc đó Thuận Thiên công chúa đã được gả chồng, về làm dâu họ Trần rồi. Theo quan niệm “dâu là con, rể là khách”, “xuất giá tòng phu” thì Thuận Thiên công chúa không còn là người thuộc hoàng tộc họ Lý nữa. Mặt khác, Chiêu Thánh công chúa là con thứ lại còn nhỏ nhưng được Lý Huệ Tông rất yêu quý nên mới cho làm người kế thừa ngôi báu.
Sự kiện này xảy ra vào tháng 10 năm Giáp Thân (1224): “Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Chị em công chúa Thuận Thiên, Chiêu Thánh (Tranh minh họa). Nguồn: vanhien.vn.
|
Việc truyền ngôi của Lý Huệ Tông là tự nguyện hay bị ép buộc?
Thời gian Lý Huệ Tông ở ngôi, thiên hạ loạn lạc, triều chính suy vi còn vua lại không có tài năng trị nước, bản thân bị bệnh nên mọi chuyện quân quốc quan trọng đều giao cho Trần Tự Khánh.
Ban đầu vua mắc bệnh trúng phong vào cuối năm Bính Tý (1216), thầy thuốc giỏi trong cả nước được gọi đến nhưng không chữa khỏi được cho ông. Đến năm Đinh Sửu (1217) “mùa xuân, tháng 3, vua dần phát chứng điên, có lúc nói là Thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sáng sớm đến chiều không nghỉ; có khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức và khát nước, uống rượu say ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh” (Đại Việt sử ký toàn thư). Một thời gian sau vua khỏi bệnh nhưng rồi lại bị trúng phong, chữa không hiệu nghiệm gì nên chỉ ở trong cung, quyền hành rơi dần vào tay họ Trần. Trong khi đó bên ngoài hoàng cung, các thế lực cát cứ nổi lên đánh giết lẫn nhau, chưa kể rất nhiều các nhóm trộm cướp lớn nhỏ hoành hành khắp nơi.
Tháng 12 năm Qúy Mùi (1223), Trần Tự Khánh chết, quyền lực lại chuyển sang người em họ Tự Khánh là Trần Thủ Độ, đây là người đóng vai trò chủ yếu trong cuộc “đảo chính cung đình triều Lý” với những việc làm táo bạo.
Hành động đầu tiên được Trần Thủ Độ tiến hành vào tháng 10 năm Giáp Thân (1224), khi thấy vua vẫn chưa khỏi bệnh, ông ta bèn bí mật bàn tính với chị họ của mình, tức hoàng hậu Trần Thị Dung khuyên Lý Huệ Tông nhường ngôi để xuất gia tu hành, học Thiền để trị bệnh. Không phải ngẫu nhiên mà Trần Thủ Độ có ý này, ông hẳn đã biết rõ tâm trạng chán chường, bất lực trước thời cuộc của Lý Huệ Tông, hơn nữa lại thấy vua từng hai lần định cắt tóc, cạo đầu với ý muốn đi tu, lần đầu là vào tháng 2 năm Nhâm Thân (1212), lần thứ hai là vào tháng 5 năm Ất Hợi (1215) nhưng vì quần thần đều khấu đầu khóc lóc, can ngăn nên mới thôi.
Nữ vương Lý Chiêu Hoàng (tranh minh họa). Nguồn: 24h.com.
|
Thế là ngoài triều thì Trần Thủ Độ gây sức ép; trong cung thì hoàng hậu hối thúc, tỉ tê khiến Lý Huệ Tông chẳng còn biết làm gì ngoài việc xuống chiếu lập con gái thứ 2 là công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử rồi nhường ngôi cho. Sau đó vua xuất gia đi tu tại chùa Chân Giáo trong đại nội thành Thăng Long và lấy pháp danh là Huệ Quang đại sư.
Lý Huệ Tông không giải quyết được vấn đề của vương triều mình, ông lại làm mất quyền lực vào tay người khác, để rồi cuối cùng bị ngoài thì bị quyền thần bức bách, cưỡng ép; trong thì nghe theo lời khuyên dụ của vợ để rời bỏ ngai vàng. Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên có đoạn bình như sau: “Thủ Độ và Huệ hậu nhân lúc vua Huệ Tông bắt đầu mắc bệnh cuồng, xui giục cho đi tu để thành cái mưu Chiêu Hoàng nhường ngôi cho nhà Trần. Mưu bàn định trong cung cấm; việc phút chốc truyền ra, dùng thuật lừa người, dùng uy bức hiếp người”.
Thực ra hoàn cảnh của Lý Huệ Tông không thể làm khác được vì quyền hành, thế lực của ông đâu có nhiều, “làm vua như giữ cái âu vàng đã sứt mẻ, như tượng gỗ không ràng buộc bị trôi lênh đênh… Mình thì không nghĩ ngợi gì, thiên tướng nhập vào càng thêm điên dại; người vợ hoang dâm lừa phỉnh điều khiển trong tay, dụ cho đi tu thì đi tu, bảo truyền ngôi cho con gái thì truyền ngôi cho con gái. Như vua Huệ Tông thì đúng như lời nước ta nói: Trời đã bỏ thì ai còn có thể nâng lên được” (Đại Việt sử ký tiền biên).
Việc ép Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái thứ là một bước nằm trong mưu tính của Trần Thủ Độ, bởi vì vua nối ngôi còn nhỏ tuổi thì việc điều khiển càng dễ, hơn nữa lại cần có người nhiếp chính trị quốc, mà người nhiếp chính ở đây không ai khác chính là mẹ vua, tức Thuận Trinh Thái hậu Trần Thị Dung.
Sử sách phê phán gì về việc Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái?
Chuyện vua Lý Huệ Tông xuống chiếu lập con gái làm Thái tử rồi truyền ngôi cho là câu chuyện độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam, nhưng dưới nhãn quan của sử sách phong kiến điều này là đi ngược với truyền thống, quan niệm đương thời. Các sử gia đã viết những dòng phê phán Lý Huệ Tông không biết tìm người nối dõi để đến nỗi cơ nghiệp của vương triều Lý đến hồi suy vong.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đời Huệ Tông cái rường mối hư hỏng của thiên hạ đã quá lắm mà vua thì không phải người giỏi giang cứng cáp, bề tôi giúp nước thì nhu nhược hèn kém, muốn chữa mối hư hỏng lâu ngày thì làm thế nào được. Huống chi Huệ Tông lại bị chứng hiểm, chữa thuốc không được; lại không có con trai để nối nghiệp lớn. Thế là cái điềm nguy vong đã hiện ra rồi… Vua gặp buổi loạn lạc, giặc cướp tứ tung, mình bị bệnh nặng, không biết sớm cầu con nối, họ Lý phải mất”.
Còn Việt sử tiêu án có đoạn tương tự: “Vua là người tài hèn, gặp ly loạn, vì người vợ đẹp mà gây nên biến loạn, không biết tìm người kế tự, họ Lý mới bị mất nước”.
Sử thần nhà Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên viết: “Đạo trời có khi thường có khi biến. Thánh nhân phối với trời đất, giúp việc hoá dục thì có đạo xử trí lúc biến mà vẫn không mất phép thường. Như Đan Chu con vua Nghiêu là kẻ bất hiếu không thể truyền ngôi thì vua Nghiêu tiến vua Thuấn với trời, mà thiên hạ thịnh trị. Thương Quân con vua Thuấn là là kẻ bất hiếu không thể truyền ngôi thì vua Thuấn tiến vua Vũ với trời, mà xã tắc được yên, đều là xử trí lúc biến mà không mất phép thường cả. Đời sau chỉ truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, vì là không có người nào được như Thuấn và Vũ. Nếu không may mà không có con thì chọn con của người tông thất nuôi làm con mình để nối giữ nghiệp lớn, đó cũng là một cách xử trí trong lúc biến vậy. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không xét việc cũ mà làm theo, lại để đến sau lúc tật bệnh mới lập con gái mà truyền ngôi cho, thế có phải lẽ không? Các quan bấy giờ không ai nghĩ gì đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ hậu và Vũ hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với họ Lý” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Cũng trong Đại Việt sử ký toàn thư còn có dòng chê trách Lý Huệ Tông không sáng suốt, “nếu chẳng may không có con trai nối thì chọn con người trong tôn thất nuôi làm con mình, đổi nối giữ cơ đồ cũng là cách xử trí khi biến. Lý Nhân Tông đã làm như thế rồi, Huệ Tông sao không noi việc cũ mà làm theo, lại để đến khi ốm nặng mới lập con gái làm con nối dõi và truyền ngôi cho, há có phải là hợp lý đâu?”.
Thực ra, nhà Lý mất ngôi vị, đó là kết quả tất yếu của nhiều nguyên nhân xuất phát từ yếu tố xã hội khách quan và cả những yếu tố chủ quan từ chính vương triều này, rõ nét nhất là không giải quyết được những vấn đề xã hội bức thiết. Nếu như Lý Cao Tông trực tiếp, hoặc gián tiếp làm phát sinh một số vấn nạn, thì Lý Huệ Tông lại càng làm cho những vấn đề đó trầm trọng thêm, cuối cùng bản thân vua không thể tự quyết được gì mà chỉ là vị hoàng đế bị thao túng bởi anh em họ Trần. Sách Đại Việt sử ký tiền biên có đoạn nhận xét khá đúng về tình cảnh cũng như việc nhường ngôi cho con gái của Lý Huệ Tông như sau: “Nếu Huệ Tông còn một chút ít tri năng, há không tìm rộng ở những người họ xa, chọn người đáng lập như Tống Cao Tông, Tống Ninh Tông đối với Tống Hiến Tông, Tống Lý Tông chẳng hơn là để dòng dõi bị tuyệt diệt ư? Huệ Tông vốn u mê, lại bị nguyên phi Trần thị mê hoặc. Dù là mẫu hậu cũng không tự lập được, huống hồ bà ta đã không có con, há chịu lập người tôn thất làm thừa tự, thà rằng đem ngôi vua cho con gái rồi sau này dần dần làm mưu kế vun đắp cho họ hàng thân thuộc của mình. Huệ Tông mê muội không biết gì, bị vợ mê hoặc. Sau khi quy thiền, dần dần tỉnh ngộ, nhưng quyền bính đã mất rồi, không làm gì được nữa. Cho nên mới có câu: “Có dây mơ rễ má còn hơn người khác”. Hoàn cảnh của Huệ Tông kể cũng đáng thương đấy!”.