Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ loạt ảnh nhiều người phụ nữ vùng cao còng lưng cõng bồn nước 1.200 lít trên con đường núi đất đá gồ ghề.
Chia sẻ với chúng tôi, Giàng A Phớn - người đầu tiên đưa các khoảnh khắc này lên mạng cho biết hình ảnh được anh chụp lại tại xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang hôm 9/6.
Theo dự án có tên "Gùi nước về bản", anh Phớn cùng nhóm tình nguyện Hà Giang Trẻ tặng 76 bồn nước có dung tích 1.200 lít cho bà con dân tộc nơi đây. Địa điểm diễn ra hoạt động trao quà là UBND xã Sủng Trái.
"Do đường lên bản địa hình phức tạp, ôtô không thể lên tới tận nơi, bà con phải tự mình cõng từng bồn nước nặng khoảng 30 kg từ UBND xã về nhà. Nhìn có vẻ cồng kềnh, nhưng nó không là gì so với những gánh ngô, gánh củi hàng ngày họ vẫn vận chuyển", anh Phớn cho hay.
Hình ảnh những người phụ nữ cõng bình nước leo dốc về nhà. |
Sau khi xuất hiện trên mạng, nhiều người để lại bình luận không hay về hình ảnh này. Họ cho rằng nhóm tình nguyện "làm việc thiện không đến nơi đến chốn" và thắc mắc về việc chỉ có phụ nữ tham gia mang vác đồ.
Nói về điều này, Giàng A Phớn cho hay nhóm của anh cũng mong muốn được trao bình nước đến tận nhà cho bà con. Tuy nhiên, địa hình đồi núi hiểm trở, nếu không quen đường sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
"Mỗi xã chúng tôi tặng tối thiểu 65 bình. Nếu đến tận nhà hộ dân sẽ mất rất nhiều thời gian, có khi hơn 10 ngày. Hơn nữa, nhiều địa hình đồi núi xe không di chuyển được. Bởi vậy, chúng tôi vận động bà con nhà ai mang về nhà nấy", anh nói.
Đại diện nhóm tình nguyện Hà Giang Trẻ cho biết thêm hôm 9/6, không chỉ có phụ nữ, mà cả đàn ông cũng tham gia cõng bồn nước về nhà. Một số gia đình có điều kiện hơn sẽ chạy xe máy xuống lấy.
Đến nay, nhóm tình nguyện Hà Giang Trẻ đã trao tặng 801 bồn nước loại 1200 lít và 4 bồn 2.000 lít cho bà con tại 14 xã trên địa bàn 3 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh của tỉnh Hà Giang. Cùng với đó, các thành viên còn đi khảo sát từng nơi, hướng dẫn bà con lắp đặt, sử dụng.
Theo Giàng A Phớn, ở những xã miền núi Hà Giang, nước sạch là điều còn xa xỉ. Người dân phải hứng nước mưa để sinh hoạt nhưng lại không có bồn để chứa nước. Vào mùa khô, bà con thường tiết kiệm nước đến mức tối đa, một gáo nước sau khi vo gạo sẽ được tận dụng để rửa rau, cho gia súc uống hoặc rửa chân.
"Có nước về, cuộc sống của bà con nơi cao nguyên đá dần thay đổi, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, ý thức bảo vệ môi trường cũng được nâng cao. Tôi cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt và nụ cười của họ. Mong rằng cuộc sống của bà con phần nào bớt nhọc nhằn", anh nói.